Nhà khoa học, nhà quản lý góp tiếng nói hạn chế ô nhiễm nước thải

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 21/03/2017

(TN&MT) - Tại Hội thảo “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải - giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững” chiều 21/3, tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hàng chục nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nói lên tiếng nói nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước thải.
Các chuyên gia nước ngoài trao đổi bên lề Hội thảo
Các chuyên gia nước ngoài trao đổi bên lề Hội thảo

Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại và chuyển đến độc giả cùng theo dõi.

Ông CHU PHẠM NGỌC HIỂN
Ông CHU PHẠM NGỌC HIỂN

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT: CƠ SỞ XẢ NƯỚC THẢI RA MÔI TRƯỜNG PHẢI TRẢ CHI PHÍ.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế nên việc quan tâm, chú ý đến xử lý nước thải còn rất hạn chế; đối với các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề vấn đề đầu tư cho hạ tầng về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng còn rất hạn chế.

Đánh giá sơ bộ của Bộ TN&MT cho thấy, trên 80% nguồn xả thải ở nước ta chưa được xử lý và xả trực tiếp ra môi trường. Thực trạng đó đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường bền vững. Bộ TN&MT với tư cách tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã có nhiều chủ trương, chính sách; trong đó Luật Tài nguyên nước đặc biệt chú ý đến việc xả thải.

Trong thời gian vừa qua, để triển khai Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã và đang tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp mang tính cấp bách trước mắt và lâu dài về hoàn thiện thể chế để tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường cũng như xử lý xả thải ra môi trường. Bộ TN&MT cũng tham mưu trình Chính phủ Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người sử dụng nước phải trả tiền nước. Từ đó mới có nguồn lực cho bảo vệ môi trường và xử lý các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường. Bộ TN&MT cũng tham mưu cho Chính phủ xây dựng Đề án xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và xử lý các cơ sở xả thải theo nguyên tắc các cơ sở xả thải ra môi trường phải trả tiền chi phí cho các dịch vụ xử lý vấn đề này.

GS. GEISEN
GS. GEISEN

GS Geisen- Trường ĐH Kỹ thuật Berlin: SẼ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÁI CHẾ NƯỚC THẢI CHO VIỆT NAM

Khi nói về chất lượng nước là chúng ta nói về cả lượng và chất. Ở đây có 3 vấn đề, thứ nhất là vấn đề công nghệ, thứ 2 là sử dụng tất cả những tính năng của hệ thống công nghệ đầu tư, thứ 3 là Chính phủ xây dựng một hành lang pháp lý để bảo vệ.

Trong quá trình xử lý nước thải chúng ta chỉ lọc nước thải rồi đưa chúng trở lại với môi trường, trong khi thực chất là nước thải mang lại giá trị kinh tế, giá trị siêu gia tăng, tạo ra năng lượng trong đó có điện sinh học.

Nước thải của các nhà máy, khu công nghiệp sau khi thải ra được lấy sử dụng luôn trở lại cho các nhà máy, khu công nghiệp. Khi đó, nguồn nước thải được tận thu một cách có hiệu quả. Giảm lượng nước thải không có nghĩa là sản xuất ít hơn mà là sử dụng công nghệ lọc công nghệ cao. Tái chế nước thải tức là xây dựng mô hình để khi nước thải ra sẽ sử dụng lại nước thải đó.

Chúng tôi đã xây dựng một mô hình tái chế nước thải hiệu quả được áp dụng cho các nhà máy ở Tây Ban Nha. Sắp tới, chúng tôi đang đề xuất xin Chính phủ Đức thông qua để hỗ trợ ứng dụng mô hình này đối với Việt Nam.

Ông Ngô Chí Hướng - Trưởng phòng Pháp chế, Cục quản lý tài nguyên nước: CẦN BẢO VỆ NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC LÂU DÀI VÀ BỀN VỮNG

Ông NGÔ CHÍ HƯỚNG
Ông NGÔ CHÍ HƯỚNG

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức hết sức gay cấn về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt các

nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị, nơi hầu hết hệ thông sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm. Đây là một trong những vấn đề nóng gây tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, phát triển và bảo vệ môi trường xuất phát từ nước thải.

Để thống nhất quản lý nước thải, hệ thống pháp luật trong bảo vệ tài nguyên nước quản lý nước thải đã được ban hành và khá hoàn thiện. Việc triển khai, tuân thủ trên thực tiễn có nhiều tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững, cần tăng cường các biện pháp, chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả thải;

Đồng thời, định kỳ hàng năm khi cần biết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô niễm, kiểm kê tài nguyên nước làm cơ sở xây dựng, bổ sung quy hoạch tài nguyên nước đối với toàn bộ đối tượng khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung theo ngành, lĩnh vực để quản lý toàn diện, thống nhất, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.

Ông Trần Đức Cường - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê công Việt Nam: HỢP TÁC VÙNG TRONG QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC XUYÊN BIÊN GIỚI

Ông TRẦN ĐỨC CƯỜNG
Ông TRẦN ĐỨC CƯỜNG

 

Các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công đang tập trung vào những hoạt động phát triển kinh tế xã hội với tốc độ tăng trưởng khá cao.

Việc thực hiện bộ quy chế sử dụng nước nói chung và Thủ tục chất lượng nước nói riêng là những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện cam kết cần thiết để buộc các quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ các quyền và  nghĩa vụ trong việc bảo vệ và duy trì chất lượng nước sông Mê Công.

Hoạt động giám sát chất lượng nước được duy trì lâu dài và thường xuyên nhằm thực hiện Thủ tục chất lượng nước và Hướng dẫn kỹ thuật là một trong những hoạt động điển hình trong thực thi trách nhiệm cũng phối hợp trong thực hiện Hiệp định Mê Công.

Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong thực hiện chuyển giao hoạt động giám sát chất lượng nước về thực hiện tại quốc gia.

Việt Nam cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác trong việc chia sẻ thông tin và tăng cường giám sát chất lượng nước đặc biệt đối với các hoạt động phát triển có tác động xuyên biên giới.

Ông Đặng Văn Đường - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh: CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHU VỰC NÔNG THÔN, LÀNG NGHỀ

Ông ĐẶNG VĂN ĐƯỜNG
Ông ĐẶNG VĂN ĐƯỜNG

Đến nay, Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng đầu cả nước. Thế nhưng, những năm gần đây do chịu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng nước sông ở một số vị trí và một số thời điểm đã bị ô nhiễm, đặc biệt là sông Cầu.

Kết quả khảo sát, thống kê các nguồn thải vào lưu vực sông trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 4 nhóm nguồn thải chính ảnh hưởng đến chất lượng nước là nước thải từ các cụm công nghiệp và làng nghề, nước thải từ Khu công nghiệp, từ các đô thị và nước thải nông thôn.

Nhằm từng bước khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, Sở TN&MT Bắc Ninh tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung triển khai các đề án, chương trình về bảo vệ môi trường nông thôn, làng nghề; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý đã quy định trong Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp; Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề: Văn Môn, Đại Bái, Châu Khê, Khắc Niệm, Đại Lâm, Phú Lâm và Phong Khê theo quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường đối với khu vực nông thôn, làng nghề. Xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 – 2030.

Ông TRIỆU ĐỨC HUY
Ông TRIỆU ĐỨC HUY

Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia: BẢO VỀ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRƯỚC NGUY CƠ Ô NHIỄM TỪ CÁC NGUỒN THẢI

Nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất từ các nguồn thải theo nhiều cách khác nhau, có thể là ô nhiễm trực tiếp từ các nguồn thải; ô nhiễm nước dưới đất thông qua các cửa sổ địa chất thủy văn; ô nhiễm nước dưới đất từ các nguồn nước mặt hoặc trực tiếp qua lỗ khoan, giếng đào không sử dụng.

Thực tế cho thấy, bãi rác nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải đặt trực tiếp trên khu vực miền cấp của nước dưới đất; Các lỗ khoan khai thác nước phục vụ hộ gia đình khai thác tràn lan, nhiều giếng khoan không còn khai thác nhưng không được trám lấp là con đường dẫn nước thải trên bề mặt xuống tầng chứa nước; Xả thải chưa qua xử lý vào các đoạn sông, kênh rạch có quan hệ trực tiếp với tầng chứa nước làm gia tăng nhanh sự lan truyền chất bẩn…

Do vậy, để bảo vệ nguồn nước dưới đất trước nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải cần kiểm soát, hạn chế xả thải bừa bãi và chôn lấp chất thải không đúng quy định; hoàn thiện mạng giám sát trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước dưới đất; tăng cường nâng cao nhận thức của người dân; quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý nước dưới đất; khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và thực hiện các giải pháp bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất.

Việt Hùng - Tuyết Chinh (thực hiện)

Ảnh: Khương Trung