Tuyên truyền sâu rộng Luật Báo chí 2016

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 14/07/2016

  (TN&MT) - Sáng 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội Nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và góp ý xây dựng Quy định đạo...

 

(TN&MT) - Sáng 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội Nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và góp ý xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

 

Khai mạc Hội nghị, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toan Hội Nhà báo Việt Nam trong triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Báo chí 2016; đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của Người làm báo Việt Nam. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết: Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ 1/1/2017; đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa cho người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.

Luật Báo chí 2016 có 6 chương 61 điều, trong đó 32 điều mới 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật này là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, đảm bảo quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí khi đưa tin sai; luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo. 

Hội nghị đã nghe ông Hoàng Hữu Lượng, nguyên Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Báo chí 2016.  

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã quán triệt Luật Báo chí 2016 tới toàn thể các đại biểu dự Hội nghị. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh rằng, Luật Báo chí 2016 không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà cho mọi công dân của Việt Nam. Bởi Luật này quy định cả quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Phải quán triệt cho công dân nắm bắt được luật, thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình trên báo chí.

Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý, báo chí phải cân nhắc, hạn chế đăng tải thông tin gây hại cho cộng đồng. Mặc dù thông tin đó là sự thật nhưng có nên đưa lên mặt báo hay không là cả một vấn đề cần xem xét thấu đáo. 

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Chuẩn mực quan trọng nhất của nghề báo là sự liêm chính (liêm khiết và chính trực). Sự nhũng nhiễu doanh nghiệp khiến họ vừa ghét vừa sợ nhà báo là một thực tế. Cái đó làm khổ những người làm báo chân chính”.  

“Nhà báo phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không được lợi dụng nghề nghiệp để vi phạm pháp luật. Vi phạm pháp luật là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn vi phạm đạo đức chưa hẳn là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, đạo đức báo chí có nội dung vô cùng phong phú, sinh động, không phải lúc nào cũng là mẫu số chung với pháp luật. Lằn ranh giao thoa không phải lúc nào cũng rõ. Nhà báo phải cân nhắc kỹ xem nên làm gì” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề nghị chính quyền các địa phương cũng cần tích cực tham gia triển khai phổ biến quán triệt các nội dung của Luật Báo chí cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, nhà báo và cả người dân. Các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi công dân thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016. 

Tiếp sau đó, các đại biểu đã thảo luận, góp ý, bổ sung xây dựng Qui định đạo đức Người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và pháp luật hiện hành.

Sau Hội nghị này, các cấp hội Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật Báo chí 2016 cũng như Qui định đạo đức Người làm báo Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm những qui định về đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam.

Chiều nay, cũng sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm Giải báo chí Quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

 Cẩm Tú