Thách thức của ĐBSCL: "Hãy cứu mình trước khi trời cứu"!

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 27/06/2016

(TN&MT) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ông phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn ĐBSCL...

 

(TN&MT) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ông phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại TP.HCM trong 2 ngày (27/6 và 28/6/2016).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Với chủ đề “Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu” Diễn đàn ĐBSCL 2016 đã được khai mạc sáng 27/6 tại TP.HCM. Tới dự và chủ trì Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng. 

Tham dự Diễn đàn còn có Đại diện Đại sứ quán CHLB Đức, Hà Lan; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM…Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/6/2016).

ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; chiếm khoảng 12% diện tích, 20% dân số và trên 15% GDP của cả nước; là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn/năm), cung cấp khoảng 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,9% thấp hơn bình quân cả nước (4,45%).

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước là một trong những vấn đề
Khai thác, sử dụng tài nguyên nước là một trong những vấn đề "nóng" của cùng ĐBSCL

Trong quá trình xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và xâm nhập mặn. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH; trong đó ĐBSCL được dự báo là một trong 10 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo các kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng 1m và khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 55% dân số của vùng, đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.

Hiện nay, tác động của BĐKH nhanh và mạnh hơn dự báo; tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền từ 100km – 120km; trên 230 nghìn ha lúa Đông Xuân, 9,4 nghìn ha cây ăn quả, trên 5 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 250 nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt; tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân vừa qua giảm trên 400 nghìn tấn…

Nâng cao sinh kế người dân là một trong những trọng tâm của phát triển bền vững vùng ĐBSCL
Nâng cao sinh kế người dân là một trong những trọng tâm của phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn một câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy cứu mình trước khi trời cứu”, để nói về những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chỉ đạo ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai…vùng ĐBSCL. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Để triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP21, Chính phủ đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó BĐKH; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Người dân ĐBSCL rất cần có sự hỗ trợ kịp thời trước những tác động của BĐKH
Người dân ĐBSCL rất cần có sự hỗ trợ kịp thời trước những tác động của BĐKH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Hà Lan xây dựng “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long” theo hướng tiếp cận tổng thể, tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai và dành nguồn lực lớn, bao gồm cả vốn ODA, triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách như: chuyển đổi nông nghiệp bền vững; chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Bộ, ngành và địa phương đã phối hợp tốt với WB và các đối tác quốc tế tổ chức Diễn đàn quan trọng này để cùng trao đổi, thảo luận về tác động, ảnh hưởng, cơ hội, thách thức và đề xuất các chiến lược, biện pháp, phương án cụ thể ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, trong đó có triển khai thực hiện Kế hoạch ĐBSCL.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của WB, Chính phủ Hà Lan, Chính phủ các nước, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, của ĐBSCL nói chung và trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH nói riêng.

Người dân nghèo vùng ĐBSCL là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nê fnhaats của BĐKH
Người dân nghèo vùng ĐBSCL là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH

Để ĐBSCL phát triển bền vững hơn nữa thời gian tới, trước tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL phối hợp cùng Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển ĐBSCL để phát huy thế mạnh từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ, phân công vùng nào, tỉnh nào, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm hoặc trái cây gì cho phù hợp. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và định vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Hai là, thành phố Cần Thơ được mệnh danh là trung tâm của miền Tây Nam Bộ, phải xác định là trung tâm kết nối của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thúc đẩy hội nhập kinh tế miền Tây, đặc biệt sau khi các hiệp định thương mại quan trọng như TPP được đưa ra trình Quốc hội phê chuẩn, đi vào có hiệu lực.

Ba là, đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy hải sản, trồng lúa và cây ăn trái. Các trường đại học ở miền Tây cần chú trọng điều này, chủ động liên kết các trường đại học ở Hà Nội, TPHCM, một số trường đại học lớn của các nước, các viện nghiên cứu và thậm chí các trường đại học quốc tế để nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua giao lưu học thuật, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, cần hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn để bảo đảm tính ứng dụng thực tiễn của các đề án nghiên cứu.

Bốn là, cần chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng.

Năm là, ưu tiên phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó BĐKH bằng giải pháp công trình và phi công trình.

Sản xuất lương thực vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của tác động BĐKH
Sản xuất lương thực vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của tác động BĐKH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới với ứng phó BĐKH. “Tôi đề nghị xây dựng và đề xuất tiêu chí nông thôn mới cho vùng ĐBSCL, bảo đảm tính phù hợp đặc thù của địa phương trước tình trạng hạn hán bất thường đã diễn ra. Đây là những việc cần làm ngay và báo cáo Thủ tướng vào quý 3/2016”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh cần đặc biệt chú trọng quy hoạch đê điều, hồ chứa, bảo đảm an toàn và khả năng dự phòng cho những diễn biến thời tiết bất thường, nâng cấp hệ thống tưới tiêu theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và tối ưu hóa cho các loại cây trồng và mùa vụ. “Nhanh chóng chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Không thể làm theo truyền thống cũ hoàn toàn”, Thủ tướng cho biết và nêu vấn đề là các nước như Israel, Nhật Bản, Hoa Kỳ có thời tiết khô hạn nhưng họ phát triển nông nghiệp rất tốt.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ĐBSCL đã, đang và sẽ phải đối mặt. Bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chỉ đạo phát triển vùng ĐBSCL bền vững trong bối cảnh BĐKH; sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác quốc tế đối với ĐBSCL.

Theo bà Victoria Kwakwa, thời gian tới rất cần tạo sự đồng thuận, một tiếng nói chung cao nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương để ĐBSCL nâng cao khả năng chống chịu khí hậu, phát triển bền vững. Bà Victoria Kwakwa cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét, cân nhắc xây dựng một kế hoạch tổng thể phát triển lâu dài, bền vững cho vùng ĐBSCL; trong đó, đặc biệt lưu ý giải quyết tốt việc sử dụng chung nguồn nước, tăng cường hệ thống đê điều, rừng phòng hộ, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao khả năng chống chịu khí hậu, có chính sách hỗ trợ tài chính kịp thời và hiệu quả…

Đô thị vùng ĐBSCL rất cần được hỗ trợ hiệu quả để nâng cao khả năng chống chịu khí hậu
Đô thị vùng ĐBSCL rất cần được hỗ trợ hiệu quả để nâng cao khả năng chống chịu khí hậu

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nhanh chóng xây dựng cơ chế điều phối liên ngành, tạo sự liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL, vì mục tiêu phát triển chung cho toàn vùng, không mang tích chất lợi ích cục bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nêu các nhiệm vụ cho giai đoạn tới như: Làm tốt hơn công tác quan trắc, dự báo tác động của BĐKH tới ĐBSCL, cụ thể hóa tới từng tỉnh; lồng ghép các yêu cầu ứng phó với BĐKH vào các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong vùng; tuyên truyền phổ biến kiến thức về ứng phó với BĐKH tới người dân và daonh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có tính đến yêu cầu ứng phó với BĐKH; huy động các nguồn lực nâng cao cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng cần sớm triển khai Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2016. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thành công, hiệu quả Quy chế này.

Giao thông còn khó khăn cũng là một trong những hạn chế trong quá trình phát triển của ĐBSCL
Giao thông còn khó khăn cũng là một trong những hạn chế trong quá trình phát triển của ĐBSCL

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đặc biệt lưu ý việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn hiện nay, trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác, và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống càng làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tư duy mang tính truyền thống về phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu dựa vào khai thác những lợi thế và ưu đãi do tự nhiên mang lại, phát triển nông nghiệp, thủy sản theo chiều rộng, chưa chú trọng về chiều sâu, thiếu bền vững; chưa chủ động ứng phó với những thách thức mới bằng những giải pháp quản lý, quy hoạch sử dụng và khai thác tài nguyên đất đai và tài nguyên nước hợp lý với một cơ chế điều phối liên vùng, liên lĩnh vực hiệu quả là những thách thức nội sinh đang đặt ra đối với khu vực này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ sự nhất trí cao với nhận định được đưa ra tại Diễn đàn là muốn tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL trước những thách thức cần có các giải pháp mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng và liên lĩnh vực trên cơ sở đổi mới cơ bản cách tiếp cận về phát triển cho ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ tại Diễn đàn một số giải pháp chính để phát triển bền vững ĐBSCL như sau:

Một là, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển tổng thể cho ĐBSCL theo hướng tăng cường khả năng điều chỉnh nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của BĐKH và sự gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn. Theo đó, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, cần được điều chỉnh theo hướng thông minh, tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn và mặn, khai thác nước mặn như là một nguồn tài nguyên như kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới.

Hai là, quy hoạch phân vùng hợp lý dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và xu thế về BĐKH của từng vùng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, phân vùng có thể xem xét áp dụng những khuyến nghị trong Kế hoạch ĐBSCL và những kinh nghiệm thành công của Hà Lan về phát triển châu thổ thích ứng với BĐKH, nước biển dâng.

Ba là,  xây dựng và triển khai thực hiện các dự án liên tỉnh về cấp và thoát nước cho toàn vùng. Trên cơ sở phân vùng đã nêu ở trên, có thể tạo các khu vực chứa lũ, chống lũ cho toàn vùng ở khu vực thượng lưu đồng bằng, kết hợp với phát triển lúa 2 vụ và phát triển thuỷ sản; xây dựng và thực hiện các dự án trữ nước để cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cho toàn vùng tại khu vực trung tâm của đồng bằng, kết hợp chống lũ cho các khu công nghiệp, khu đô thị; thực hiện các biện pháp quản lý ven biển tổng hợp (công trình và phi công trình như phục hồi và phát triển rừng ngập mặn) tại vùng ven biển nhằm tăng cường khả năng giữ nước ngọt, ngăn mặn, kết hợp phát triển kinh tế dựa vào nước lợ và bảo vệ khu vực ven biển.

Bốn là, cần thiết lập một cơ quan liên tỉnh, liên ngành do một Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc một Bộ trưởng đứng đầu chỉ đạo thống nhất việc thực hiện cơ chế điều phối nhằm tránh những xung đột về lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, cũng như nhằm hài hòa giữa các ưu tiên trước mắt và mục tiêu lâu dài.

Năm là, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Công quốc tế, để xây dựng cơ chế hợp tác trong khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mê Công, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển.

Ngoài ra, cần kết hợp tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát BĐKH; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm nhằm thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, khí hậu và thủy văn phục vụ công tác chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng; bổ sung mạng lưới trạm quan trắc mực nước, lưu lượng nước trong nội đồng, nâng cấp mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất, giám sát mặn vùng ĐBSCL.

Việc trao đổi thông tin dữ liệu quốc tế và quốc gia liên quan đến ĐBSCL cần được tăng cường nhằm cung cấp thông tin dữ liệu một cách đồng bộ, hệ thống về quy hoạch, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ công tác hoạch định chính sách, các quyết định đầu tư và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án.

Bài & ảnh: Tường Tú  - Việt Dũng