Thủy điện Đrang Phôk đặt giữa "lõi" rừng VQG Yok Đôn: Bài 2 - Phá "nhà" của voi

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 06/05/2016

(TN&MT) - Lãnh đạo VQG Yok Đôn và chính quyền địa phương cho rằng diện tích rừng bị mất sẽ lớn hơn nhiều so với báo cáo của Cty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng...

 

(TN&MT) - Các văn bản cho phép Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO) thực hiện dự án đều cho rằng khu vực làm NMTĐ Đrang Phôk là “rừng nghèo tái sinh”. Báo cáo của TECCO cũng cho thấy diện tích rừng của VQG Yok Đôn phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án là hết sức khiêm tốn.

Tuy nhiên, lãnh đạo VQG Yok Đôn và chính quyền địa phương cho rằng diện tích rừng bị mất sẽ lớn hơn nhiều so với báo cáo của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO). Nếu dự án được cho phép triển khai, quá trình thi công, vận hành cũng sẽ xuất hiện vô số tác động đến tài nguyên - môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.

Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”
Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”

Rừng có thực sự “nghèo”?

Giữa cái nắng cháy da thịt những ngày cuối mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi theo chân các cán bộ của Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn để đến điểm dự kiến xây dựng NMTĐ Đrang Phôk. Từ Tỉnh lộ 1, chúng tôi vật lộn với con ngựa sắt qua hơn 30km đường đất đỏ theo hướng về đồn Bộ đội Biên phòng 743 rồi bộ hành mấy ki-lô-mét đường rừng để ra bờ sông Srêpôk. Hai bên con đường mòn tuần tra, những cánh rừng khộp khô rụng lá khẳng khiu vẫn hiên ngang chống chọi với cái nắng, cái gió khô hanh đặc trưng của “chảo lửa” Buôn Đôn.

Gần tới bờ sông Srêpôk, những cây bằng lăng cổ thụ 2 - 3 người ôm hiện ra trước mắt chúng tôi. Rồi những cây lớn nằm sát bờ sông có đường kính cả mét xanh rười rượi. Bờ đối diện, một vạt rừng với vô số cây gỗ lớn chạy dài như vô tận theo dòng nước của sông Srêpôk. Đứng bên bờ sông, hơi nước bốc lên mát rượi, anh Tạ Công Sinh - Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 9 (Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn), vui vẻ kể: “Khu vực này nhiều chim muông, thú vật hoang dã lắm. Thích nhất là sáng sớm tuần tra qua đây, chim chóc ở hai bên bờ hót ríu rít, vang dài cả một khúc sông. Còn chiều đến chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp những đàn voi rừng ra bờ sông kiếm thức ăn rồi xuống sông tắm, uống nước”.

Thấy một người dân đang đánh cá ven sông, Nguyễn Hữu Tạo - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, không giấu được cảm xúc: “Công tác ở vườn hơn 30 năm, tôi chứng kiến không ít cảnh người dân địa phương đánh bắt được cá lăng, cá mõm trâu... hàng chục ký trên sông Srêpôk. Đây là những loại cá quý có tên trong sách đỏ, chúng bơi ngược theo dòng Srêpôk từ nước bạn Campuchia về đây sinh sản. Gần đây thủy điện mọc lên nhiều, sông cũng ít cá dần nên phần lớn người dân xã Krông Na làm nghề chài lưới gặp phải nhiều khó khăn”.

Theo ông Phạm Tuấn Linh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, khu vực dự kiến xây dựng NMTĐ Đrang Phôk có 3 hệ sinh thái rừng là rừng thường xanh, rừng bán thường xanh (ven 2 bên bờ sông) và rừng khộp (chiếm đa số diện tích). Do có nhiều kiểu rừng nên hệ sinh thái nơi đây cũng rất phong phú, đa dạng. Không chỉ là “mái nhà” của nhiều loài động thực vật quý, khu vực này còn là nơi quy tụ nhiều loài động thực vật từ nơi khác đến kiếm ăn ở nhiều thời điểm trong năm.

Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”
Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”

Báo cáo ít, mất rừng nhiều

Theo báo cáo của TECCO, tổng diện tích lấn chiếm của dự án NMTĐ Đrang Phôk là 308ha, trong đó diện tích lấn chiếm vĩnh viễn là 303,4ha. Ngoài 8ha đất nông nghiệp của người dân địa phương, dự án này sẽ chiếm 217,8ha đất lòng sông và 28,88ha đất rừng đặc dụng (23,58ha vĩnh viễn, 5,3ha tạm thời) của VQG Yok Đôn. Sở Công thương Đắk Lắk cho biết 28,88ha rừng đặc dụng chính là con số cuối cùng phải chuyển đổi mục đích sử dụng mà chủ đầu tư đã báo cáo trình các cấp phê duyệt mới đây.

Nhưng theo ông Kiều Thanh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng bị mất thực tế trong quá trình thực hiện dự án sẽ lớn hơn nhiều so với con số TECCO báo cáo. “Muốn thi công công trình này thì phải làm đường để đưa vật liệu vào tập kết, phải xây dựng lán trại, nhà ở cho công nhân... Rồi khi dự án hoàn thành, thủy điện vận hành chắc chắn sẽ phải xây dựng khu nhà làm việc, trạm biến áp... Tất cả các công trình này đều cần rừng trong VQG Yok Đôn để xây dựng chứ không thể làm ở nơi khác” - ông Hà nói.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Linh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, phân tích: “NMTĐ Đrang Phôk hoàn thành sẽ hòa vào lưới điện quốc gia, cụ thể sẽ đấu nối với đường dây của NMTĐ Srêpôk 4A nằm cách đó trên 30km. Chủ đầu tư nói xây dựng đường dây chỉ ảnh hưởng đến 8ha đất nông nghiệp của người dân, còn lại điện chạy phía trên, rừng ở phía dưới giữ nguyên là thiếu thực tế, chắc chắn sẽ phải chặt hết để đảm bảo hành lang an toàn. Nếu lấy hành lang tối thiểu 5 - 6m nhân với chiều dài trên thì diện tích rừng bị mất sẽ rất nhiều”.

Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”
Hệ sinh thái nơi dự kiến NMTĐ Đrang Phôk không phải là “rừng nghèo tái sinh”

Sẽ tan hoang hệ sinh thái tự nhiên

Muốn thi công xây dựng NMTĐ Đrang Phôk, chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải đưa người, máy móc vào vùng lõi - phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn để thi công. Theo dự báo của ENTEC, nếu được phê duyệt, TECCO sẽ cần khoảng 5 tháng để đền bù, giải phóng mặt bằng; thi công đường; tập kết vật liệu, máy móc; xây dựng lán trại và thi công tuyến đường dây tải điện. Thời gian thi công công trình cho đến khi nhà máy vận hành cũng sẽ không ít, có thể đến vài năm. Chủ đầu tư ước tính sẽ có 320 người, trong đó 260 lao động thường xuyên túc trực thi công tại khu vực này cho đến khi dự án hoàn thành.

Ông Phạm Tuấn Linh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, chia sẻ: “Việc hàng trăm người ở trong rừng sẽ khiến cho công tác QLBVR của đơn vị vốn đã khó khăn sẽ chồng chất thêm khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng xấu sẽ lợi dụng việc thi công để trà trộn vào rừng chặt phá gỗ hoặc lôi kéo người dân địa phương tham gia chặt phá rừng”.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, thẳng thắn: “Krông Na là một xã biên giới, việc hàng trăm con người ngày đêm thi công trong rừng sẽ khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trở nên phức tạp. Trong khi đó, phần lớn người dân ở buôn Đrang Phôk (nơi dự án triển khai) sống bằng nguồn thủy sản trên sông Srêpôk và sinh kế gắn liền với rừng. Khi xây dựng NMTĐ, cá dưới sông không còn, người dân không có kế sinh nhai ắt sẽ gây áp lực lên tài nguyên rừng. Quan điểm của địa phương là hoàn toàn không ủng hộ dự án này!”.

Theo ông Kiều Thanh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, nơi đặt NMTĐ Đrang Phôk là nơi tập trung nhiều loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài thú lớn và đang được cả nước quan tâm bảo tồn như voi. Việc thi công bằng máy móc, nổ mìn sẽ khiến cho các loài động vật nói chung, nhất là loài có thính giác nhạy như voi hoảng sợ, bỏ đi nơi khác. “Không gian sinh tồn bị thu hẹp nên gần đây, đàn voi rừng thường xuyên kéo về trung tâm các huyện Ea Súp, Ea H’leo tàn phá cây trồng của các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương. Chúng tôi rất lo ngại về việc thi công dự án này sẽ khiến cho xung đột giữa voi rừng và người ngày càng tăng cao” - ông Hà cho hay.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

"Chúng ta đã phải trả giá rất nhiều về môi trường, hạn hán, mưa lũ nên phải hết sức lưu ý khi triển khai bất kì dự án nào cũng phải đánh giá tác động của môi trường"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 6/5/2016 tại Hà Nội.

Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bài 3: "Tất cả của chúng ta thì việc gì phải vội"

Bài & ảnh: Lê Phước