Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với BĐKH"

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/04/2016

(TN&MT) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự Lễ ký kết Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 22/4 vừa qua.

Tại Hội nghị quan trọng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng. Báo điện tử Baotainguyenmoitruong.vn xin đăng tải toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Lễ ký kết để bạn đọc theo dõi.

(TN&MT) - Sáng nay 09/4, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bầu và phê chuẩn đồng chí Trần Hồng Hà giữ chức vụ  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Thưa Ngài Chủ tọa,

Hôm nay, tôi rất vinh dự tham dự Lễ ký kết Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.Thay mặt Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn Ngài Ban - Ki - Moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã chủ trì tổ chức sự kiện quan trọng này.

Thưa Ngài chủ toạ,

Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị COP21 năm 2015 là căn cứ để chúng ta hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây vào Ngày Trái Đất nhằm bày tỏ sự ủng hộ, cam kết chính trị và trách nhiệm chung nhưng có phân biệt của chúng ta nhằm cứu Trái Đất thông qua việc thực hiện Thoả thuận lịch sử này.

Việc ký kết Thoả thuận Paris là một bước tiến quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu như đã thống nhất tại Hội nghị COP21.

Việt Nam tin rằng đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cacbon thấp và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu mà chúng ta mong muốn hướng tới. Để hướng tới kỷ nguyên mới đó, Việt Nam muốn đề xuất như sau:

Thứ nhất, các, các cơ chế công nghệ và tăng cường năng lực và tài chính đã được thiết lập cần phải được vận hành đầy đủ nhằm cung cấp đầy đủ các công cụ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, tất cả các nước cần phát huy những nỗ lực cao nhất và tham vọng để thực hiện dự định đóng góp do quốc gia xác định (INDCs) để đạt được các mục tiêu của Thoả thuận Paris. Trong khi đó, các cam kết trước năm 2020 phải được thực hiện để tránh khoảng trống làm cho biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Thứ ba, các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu bằng cách không chỉ thực hiện các cam kết trong INDCs của mình mà còn huy động và cung cấp nguồn tài chính cho phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện INDCs và các dự án không hối tiếc, về cả thích ứng và giảm nhẹ.

Thưa Ngài chủ toạ,

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và tác động của nó. Ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Với việc ký kết Thoả thuận Paris ngày hôm nay, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm nay, Chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn Thoả thuận này. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong INDC.

Thưa Ngài Chủ toạ,

Nếu không có những nỗ lực và hành động chung, không một quốc gia riêng rẽ nào có thể vượt qua các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Giờ là lúc cần phải làm cho Thoả thuận quan trọng này có hiệu lực với việc sớm phê chuẩn của tất cả các bên tham gia ký kết.

Thời gian không chờ đợi chúng ta. Chúng ta phải hành động vì hành tinh của các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Trân trọng cảm ơn!

Thỏa thuận Paris
Quang cảnh buổi lễ ký kết Thỏa thuận Paris tại Liên Hợp  Quốc

 

175 nước ký thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Hôm qua 22/4, tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), đại diện 175 nước hôm qua đã kí Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris.

Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế, bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy.

Các quốc gia chưa kí thỏa thuận sẽ có một năm để thực hiện điều này. Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Nhiều người hi vọng thỏa thuận khí hậu có hiệu lực sớm hơn nhiều so với hạn chót gốc là 2020, với nhiều khả năng là trong năm nay.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2độC so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).

Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Việt Hùng - Hải Ngọc