Làm rõ những nội dung cần hoàn thiện dự án Luật Báo chí (sửa đổi)

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 22/03/2016

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ hợp thứ 11, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã dành thời gian gần hết buổi chiều ngày 21/3 để thảo luận tại hội trường nhằm làm rõ thêm những nội dung cần hoàn thiện của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Đã có 10 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có thể nói những ý kiến rất xác đáng, làm rõ thêm những nội dung cần hoàn thiện dự án Luật báo chí này để Quốc hội có thể biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian buổi chiều 21/3 để Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Báo chí sửa đổi. Ảnh: quochoi.vn
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian buổi chiều 21/3 để Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Báo chí sửa đổi. Ảnh: quochoi.vn

“Xin phép Quốc hội giao lại cho cơ quan soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội cùng cơ quan chủ trì thẩm tra. Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật và sẽ báo cáo giải trình những nội dung cần thảo luận và cho ý kiến thêm trước khi quyết nghị thông qua dự án luật” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Báo điện tử Báo Tài nguyên và Môi trường xin lược ghi ý kiến của các đại biểu trong phiên thảo luận này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đại biểu NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG – tỉnh Quảng Bình: "Hằng năm cần rà soát, bổ sung lại cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả và chất lượng"

Tôi có kiến nghị về việc sắp xếp lại cơ quan báo chí và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng đội ngũ để không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, về lãng phí nguồn lực và cơ sở vật chất, tài chính, cũng như làm tăng thêm gánh nặng của ngân sách.

Tại bài phát biểu, tôi có đưa ra dẫn chứng là, hiện nay mình có khoảng 960 số báo, tạp chí và có 650 triệu bản xuất bản trong 01 năm, cả nước có 179 kênh truyền hình, 67 đài truyền hình. Năm 2015, chúng ta có 23.000 phóng viên báo chí, truyền hình, vì thế cũng lãng phí trong quá trình điều hành.

Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 5, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển báo chí một điểm hết sức quan trọng là hằng năm cơ quan quản lý báo chí phải rà soát, bổ sung lại cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo chí để tiết kiệm, tránh lãng phí cho xã hội.

Trong Điều 27 về điều kiện cấp thẻ nhà báo cho các phóng viên cũng vậy, không nên trừ tổ chức tôn giáo có trình độ cao đẳng trở lên. Theo tôi nghĩ, riêng tổ chức tôn giáo thì theo đề xuất của tổ chức tôn giáo để cấp, không trừ.

Đại biểu Hà Minh Huệ
Đại biểu Hà Minh Huệ

Đại biểu HÀ MINH HUỆ - tỉnh Bình Thuận: "Cần khẳng định rõ Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp"

Về Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định rõ Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp. Vì cho đến nay một số người cho rằng đây là tổ chức nghề nghiệp đơn thuần, cũng không thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn, cho nên không có ưu tiên, ưu đãi gì.

Tôi hoan nghênh ý kiến bổ sung thêm điều Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Vì hiện nay cũng có một số tổ chức nhân danh người làm báo, không phải là tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp mà là một tổ chức phản động chẳng hạn thì phân biệt rõ ở chỗ này và những trách nhiệm nêu rất rõ ở đây cho thấy vai trò của nhà báo là cần thiết.

Điều 25 về nghĩa vụ của các nhà báo. Những quy định này đã rõ, tôi muốn bổ sung thêm: "phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí". Hiện nay tình trạng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền khác với những thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí nước ngoài người ta cấm. Đây là đạo đức nghề nghiệp, không thể hai mặt được, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi, nên quy định cấm không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin trái với chính sách thông tin của Nhà nước hoặc của cơ quan báo chí.

Một điều nữa tôi hơi băn khoăn nhưng luật chưa giải quyết được là các cơ quan báo chí bây giờ rất khó khăn, chỉ có chính sách đầu tư mà không có ưu đãi cho các cơ quan báo chí thì rất khó. Cơ quan báo in bây giờ cũng sống dở chết dở, quảng cáo đâu phải dễ xin của doanh nghiệp, rất khó. Trong luật chưa thể hiện được sự ưu tiên của Nhà nước đối với những cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị.

Đại biểu Tô KIm Thúy
Đại biểu Tô KIm Thúy

Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY - TP Đà Nẵng: "Báo chí không thể đăng phát sóng khiếu nại, tố cáo mà chưa qua xác minh"

Về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Điều 12 dự thảo luật quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, kiến nghị, phê bình tên, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân.

Trường hợp không đăng phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Tôi thấy quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, vì báo chí không thể đăng hoặc phát mọi kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh và tác phẩm khác của công dân, đồng thời, cũng không có khả năng trả lời cho từng công dân và nêu rõ lý do nếu không đăng phát sóng.

Mặt khác, chỉ tính riêng khiếu nại, tố cáo của công dân dưới dạng kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh gửi đến các báo đài rất lớn, một vụ việc phô tô gửi nhiều báo đài cùng một lúc, nếu không chọn lọc mà đăng phát toàn bộ thì vừa trùng lặp thông tin, vừa tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng một cách không hợp lý. Vả lại, báo chí không thể đăng phát sóng khiếu nại, tố cáo mà chưa qua xác minh, trong khi đó cơ quan báo chí không đủ người để xác minh mà thường có văn bản chuyển đến các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Còn tâm lý người dân khi gửi cơ quan báo chí thì rất mong được đăng phát sóng nhằm tạo sức ép cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét, vì thực tế không ít trường hợp người dân kiến nghị nhiều lần vẫn không được xem xét, nhưng khi sự việc được báo đăng, đài đọc thì rất sốt sắng vào cuộc.

Do đó, nếu không đăng phát sóng thì người dân rất muốn biết lý do nên sẽ có yêu cầu trả lời. Vậy thì, cơ quan báo chí có đảm bảo thực hiện được vấn đề này hay không? Tôi đề nghị quy định lại Điều 12 cho sát với thực tế để bảo đảm tính khả thi, để quyền này của công dân được thực hiện.

Đại biểu Phạm Đức Châu
Đại biểu Phạm Đức Châu

Đại biểu PHẠM ĐỨC CHÂU – tỉnh Quảng Trị: "Quan điểm của tôi: Quyền tự do báo chí rất khác với quyền tự do ngôn luận báo chí"

Tôi xin tham gia thêm, về quy định quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Ở Điều 10 và Điều 11, tôi đoán chắc khi chúng ta thiết kế hai điều này là có sự lúng túng.

Quan điểm của tôi quyền tự do báo chí rất khác với quyền tự do ngôn luận báo chí. Quyền tự do báo chí nếu hiểu ở đây khái niệm mới nhất dự thảo đưa ra thì báo chí là sản phẩm thông tin. Tôi không thoả mãn với khái niệm này nhưng tôi không tranh cãi về khái niệm này nữa. Nhưng làm sản phẩm thông tin có nghĩa là quyền báo chí ở đây là quyền được sản xuất ra sản phẩm thông tin.

Ở Việt Nam, chúng ta không thừa nhận báo chí tư nhân, chỉ có các tổ chức, Hiến pháp quy định quyền tự do của công dân có thể bị hạn chế bởi luật trong một số điều kiện nên trong Luật báo chí chúng ta nên quy định thẳng. Quyền tự do báo chí ở đây là chỉ có các tổ chức được quyền thành lập các cơ quan báo chí theo quy định của luật này là đủ.

Luật này quy định cho ai thành lập cơ quan báo chí là quy định công khai, không có gì cần giấu giếm. Quyền tự do ngôn luận qua báo chí chỉ là một trong những hình thức, không phải tất cả quyền tự do ngôn luận của công dân đều được tập trung qua báo chí. Quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, quyền được phát biểu trong các hội nghị quần chúng, v.v. đều thể hiện quyền ngôn luận.

Báo chí chỉ là một hình thức thể hiện quyền ngôn luận. Chúng ta có sự nhầm lẫn giữa quyền tự do ngôn luận với quyền tự do báo chí trong trường hợp này. Nếu như chúng ta đưa vào đây quyền tự do báo chí mà bao gồm cả quyền cung cấp thông tin, quyền phản hồi thông tin thì không phải là quyền tự do báo chí, mà đó là quyền tự do ngôn luận qua báo chí. Tôi đề nghị phải thiết kế lại 2 điều này cho rõ nếu không khi ban hành mà đối tượng thực hiện của chúng ta là phóng viên các tờ báo "rất có trình độ", tôi chắc chắn sẽ khó phân biệt được chỗ này.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại

Đại biểu VÕ THỊ HỒNG THOẠI - tỉnh Bạc Liêu: "Nhà nước cần có trách nhiệm đào tạo, quản lý về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo"

Về phát triển báo chí liên quan đến chính sách nhà nước về công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tôi thấy Nhà nước có trách nhiệm đào tạo, quản lý về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Làm nghề báo chí đạo đức nghề nghiệp rất cần thiết. Chính quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, trong đó quản lý về đạo đức nghề nghiệp là một trách nhiệm trong đào tạo, bản thân mỗi người làm nhiệm vụ này ý thức được trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, về phía nhà nước cần hết sức quan tâm, đây là một vấn đề hiện nay xã hội đang rất bức xúc trước những hành vi của một số phóng viên hành nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Tại Khoản 3, Điểm a tôi đề nghị thêm chính sách nhà nước trong việc thực hiện các ưu đãi, ưu tiên và bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và đối tượng khiếm thị. Hiện nay chúng ta có ba loại hình báo chí, trong đó có phát thanh, truyền hình, đối với người khiếm thị, khiếm thính cần có chính sách để thực hiện hỗ trợ giúp cho họ có điều kiện tiếp cận thông tin báo chí. Do đó, cần bổ sung thêm đối tượng này vào chính sách nhà nước tại Điểm a, Khoản 3…

Hải Ngọc – Châu Tuấn(lược ghi)