Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán ở Gia Lai

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/03/2016

  (TN&MT) - Ngày 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát tình hình đại hạn ở Gia Lai.

 

(TN&MT) - Ngày 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát tình hình đại hạn ở Gia Lai. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm các cánh đồng bị hạn nặng và một vài địa phương bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác thị sát tình trạng hạn hán ở cánh đồng Chư Don (Chư Pưh, Gia Lai).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác thị sát tình trạng hạn hán ở cánh đồng Chư Don (Chư Pưh, Gia Lai).

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai, cơn đại hạn kéo dài từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh ngày càng khốc liệt. Lượng mưa trung bình trong năm thiếu hụt 15 - 45%. Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32 - 35°C, có nơi lên đến 39°C. Mực nước trên các sông suối giảm dần, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục giảm và ở mức thấp hơn từ 0,15 - 0,5 m so với trung bình nhiều năm. Một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước. Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên cho biết, khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng từ nay đến cuối tháng 5/2016.

Trên địa bàn tỉnh có 340 công trình thủy lợi (112 công trình hồ chứa, 188 đập dâng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 54.684 ha hoa màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết bất lợi, thiếu hụt nguồn nước xảy ra nên kế hoạch tưới vụ Đông Xuân 2015 - 2016 đã giảm khoảng 810 ha so với vụ Đông Xuân năm 2014 – 2015. Mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn từ 0,25m - 5,44m và chỉ đạt 12,6% - 54,4% dung tích thiết kế so với cùng kỳ nhiều năm.

Tính đến ngày 22/3/2016, tổng diện tích cây trồng của tỉnh Gia Lai bị hạn là 13.515,6 ha. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016 khoảng 151 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hơn 7.000 hộ dân trên địa bàn bị thiếu nước sinh hoạt tập trung ở các huyện như: Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, la Pa... Hạn hán còn làm cho 14.695 hộ/64.289 khẩu bị thiếu đói. Trong đó, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình hạn hán trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên về tình hình hạn hán trên địa bàn.

Để đối phó với tình hình hạn hán UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp chống hạn tại các địa phương. Đồng thời, xuất ngân sách 4,95 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị nạo vét sông, suối, ao, lòng hồ thủy lợi, kênh mương, hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho 2.739 hộ. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các Doanh nghiệp hỗ trợ 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhân dân trong vùng bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Các địa phương đã dùng ngân sách huyện để mua gạo cứu đói cho các gia đình bị thiệt hại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không chỉ ở Gia Lai mà tình hình hạn hán ở Tây Nguyên cũng đang diễn ra rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe doạ nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong toàn khu vực. Theo đó, cả khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và 28.300 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến đến cuối tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước sẽ lên tới 167.000ha và 59.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Mực nước trên các sông suối đã rất thấp. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 - 70%, có nơi trên 90%. Trên sông Đăk Bla (tỉnh Kon Tum) mực nước chỉ đạt: 514,88 m, mức thấp nhất lịch sử. Tại tỉnh Đăk Lăk có 115 hồ đã cạn nước, dự kiến cuối tháng 3 khoảng 250 hồ nhỏ sẽ cạn nước. Tại tỉnh Đăk Nông, có 17 hồ chứa cạn nước, dự kiến sang tháng 4 là khoảng 30 hồ chứa sẽ cạn nước. Phần lớn số hồ chứa nhỏ sẽ không đủ cung cấp cho giai đoạn cuối vụ Đông Xuân (vụ Hè Thu và vụ Mùa trong thời gian mùa mưa).  

Để khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra tại các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ 1.900 tấn gạo cho các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đăk Lăk. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí gần 120 tỷ cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thuỷ lợi, hồ chứa lớn để tạo nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất, dân sinh như: hồ Ia Mlá (Gia Lai), hồ Ka La, Đăk Klông Thượng (tỉnh Lâm Đồng), hồ Ea Súp Thượng, Krông Puk Hạ (Đăk Lăk).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân trên địa bàn hạn hán đang diễn ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân trên địa bàn hạn hán đang diễn ra.

Ngay sau cuộc thị sát tình hình hạn hán tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên để bàn giải pháp khắc phục nắng hạn khắc nghiệt với phương châm không được để dân khát, dân đói và bị dịch bệnh do nắng hạn gay gắt gây ra.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi tỉnh trong khu vực phải ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về tình hình hạn hán hiện nay với các biện pháp cụ thể đối với địa phương, qua đó hướng dẫn nhân dân nắm được tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng cộng đồng đối phó với tình hình khốc liệt hiện nay. Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương phải điều tra, quy hoạch việc sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Trước mắt, phải vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước cho sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng. Các hồ thủy điện, thủy lợi phối hợp với các địa phương để tính toán xả nước. Hệ thống ngân hàng vào cuộc xem xét hoãn, giãn cho dân các khoản vay để vượt qua lúc khó khăn này. Về giải quyết gạo để nhân dân không bị đói, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 4 tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo cấp cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các đơn vị quân đội có giải pháp hỗ trợ người dân, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét nếu vượt quá thẩm quyền của quân khu. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc phòng chống cháy rừng, chủ động kiểm tra, đánh giá thường xuyên, xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình, cuộc sống của người dân để có giải pháp kịp thời.

Bài & ảnh: Quế Mai