Vì sao tỉnh Sơn La không tổ chức đấu thầu cát sông Mã?

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/11/2015

(TN&MT) - Trước thông tin xuất hiện khiếu nại việc tỉnh Sơn La không tổ chức đấu thầu khai thác cát trên sông Mã, PV Báo Điện tử TN&MT đã tìm hiểu vì sao UBND...

 

(TN&MT) - Để dẹp nạn “cát tặc”, “vàng tặc” trên dòng sông Mã, đoạn chảy qua địa phận huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La đã không tổ chức đấu thầu khai thác cát, mà quyết định cấp phép cho doanh nghiệp khai thác, nhằm quản lý chặt chẽ để lập lại trật tự trên dòng sông Mã, bảo đảm nguồn thu thuế tài nguyên khoáng sản cho Nhà nước, đồng thời hạn chế sạt lở bờ sông.

Nạn khai thác cát trái phép trên sông Mã sẽ được đưa vào một mối để quản lý chặt, tránh gây thất thu ngân sách Nhà nước, hạn chế tình trạng sạt lở.
Nạn khai thác cát trái phép trên sông Mã sẽ được đưa vào một mối để quản lý chặt, tránh gây thất thu ngân sách Nhà nước, hạn chế tình trạng sạt lở.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã tìm hiểu sự việc vì sao UBND tỉnh Sơn La không cần tổ chức đấu thầu khai thác cát? Căn cứ nào của pháp luật để áp dụng? Đúng hay sai trong việc cấp phép này để cung cấp đến độc giả góc nhìn khách quan, đúng bản chất sự việc.  

Được biết, nhiều năm qua, nạn khai thác vàng sa khoáng, khai thác cát trái phép dọc dòng sông Mã, đoạn chảy qua huyện Sông Mã đã gây bất bình cho nhân dân địa phương.  

Trước khi tham mưu để UBND tỉnh Sơn cấp phép khai thác cát cho Công ty CP Đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ Fico, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sơn La đã có báo cáo số 427/BC-STNMT, do ông Triệu Ngọc Hoan, Giám đốc Sở ký ngày 7/9/2015. Công văn này nêu rõ: Ngày 27/7/2015, Sở TN&MT đã có công văn đề nghị các sở, ngành và UBND huyện Sông Mã tham gia vào dự thảo báo cáo kết quả thực hiện. Sau khi có đầy đủ tham mưu của các sở, ngành và huyện, Sở TN&MT tỉnh Sơn La nhận định: Cát sông Mã, huyện Sông Mã được tạo thành do quá trình bồi tích, khi mưa lũ bào mòn lưu vực sông tích tụ dưới lòng sông, hoặc tạo thành các bãi bồi cát dọc dòng sông Mã. Dọc sông Mã còn có nhiều khu dân cư, đất đai, trồng trọt, cơ sở hạ tầng… Như vậy, việc khai thác cát bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: thời gian khai thác, không được khai thác khi có mưa, lũ vì khai thác sẽ gây xói mòn bờ sông, ảnh hưởng đến đất đai, trồng trọt, hạ tầng kỹ thuật của Nhà nước dọc bờ sông và không được khai thác vào giờ nghỉ của dân cư dọc sông. Sông Mã có những vị trí nằm trong khu vực biên giới, đoạn bắt đầu chảy vào nước Lào, do vậy cần hạn chế đơn vị khai thác. Hạn chế độ sâu khai thác vượt quá độ sâu tự nhiên của lòng sông sẽ gây sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến đất đai, trồng trọt, hạ tầng kỹ thuật khu vực dọc sông…

Và từ những hiện trạng trên, căn cứ theo điều 12, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Sơn La đã đề nghị UBND tỉnh Sơn La báo cáo Ban Cán sự đảng của UBND tỉnh xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên dòng sông Mã cho tổ chức, cá nhân theo hình thức không đấu giá quyền khai thác là đúng pháp luật quy định.       

Được biết, trên địa bàn huyện Sông Mã hiện tại có 5 xã, thị trấn có điều kiện thuận lợi về kinh doanh cát như: Nà Nghịu, TT Sông Mã, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương. Tại thời điểm năm 2009, có 44 hộ gia đình với 49 phương tiện khai thác cát trái phép. Đến nay đã tăng lên 61 hộ với 82 phương tiện khai thác cát trái phép.

Bởi vậy, trước thông tin UBND tỉnh Sơn La cấp phép cho doanh nghiệp vào quản lý, khai thác và đóng thuế theo sản lượng cho Nhà nước, nhằm đưa vào một đầu mối để quản lý khai thác khoáng sản chặt chẽ hơn, tránh gây thất thu cho ngân sách, đồng thời hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, nên mới đây đã xuất hiện đơn thư khiếu nại chưa đúng bản chất sự việc. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc, xác minh làm rõ.  

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bài & ảnh: Hà Nhật Lam