Nếu chỉ lấy chỉ số PH làm cơ sở định tội gây ô nhiễm môi trường là không đầy đủ

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/10/2015

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, ngày 30/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Sau đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) gồm 425 điều; phần “Những quy định chung” có 107 điều; phần “Các tội phạm” có 318 điều; 01 điều quy định về hiệu lực thi hành. Theo báo cáo, qua tổng hợp các báo cáo và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác, ước tính có khoảng hơn 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Đại biểu thảo luận tại Hội trường
Đại biểu thảo luận tại Hội trường trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Liên quan đến dự thảo, riêng với các quy định về các tội phạm về môi trường (Chương XIX), nhiều ý kiến cho rằng, Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) nếu chỉ lấy chỉ số PH làm cơ sở định tội là không đầy đủ, thực tế việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường cần căn cứ vào nhiều thông số. Bên cạnh đó, quy định về “lưu lượng nước thải”; “khối lượng chất thải” như dự thảo sẽ làm giảm tính khả thi trong xử lý hình sự các pháp nhân gây ô nhiễm, do quy mô các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ.

Tiếp thu ý kiến trên, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 235 theo hướng, điều chỉnh quy định về “lưu lượng nước thải”, “khối lượng chất thải”, “khối lượng bụi, khí thải” phù hợp với thực tế, đồng thời, quy định rõ số lần vượt quá “các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép về chất thải” làm cơ sở định tội.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị tách riêng các điều luật quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ thực vật, động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đồng thời, bổ sung đầy đủ danh mục loài thực vật, động vật theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp mà nước ta là thành viên.

Tiếp thu ý kiến trên, để bảo vệ hiệu quả các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, bảo đảm thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã tham gia, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các nội dung trên vào các điều luật liên quan, cụ thể tại các điều: 233, 244 và 245 của dự thảo…

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân.

Hải Ngọc