Muốn đưa thông tin cá nhân lên mạng, phải xin ý kiến chủ thể

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 29/10/2015

(TN&MT) – Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, hôm nay 29/10, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thông tin mạng do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày và thảo luận về dự án này.

Báo cáo nêu rõ: Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày
Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thông tin mạng

Ủy ban TVQH  cho biết, trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng (các điều 16, 17, 18, 19); bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan Nhà nước (Khoản 3, Điều 17). Các quy định này không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật viễn thông, Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử…

Dự thảo Luật an toàn thông tin mạng quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật này là vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên mạng. Dự thảo Luật quy định Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân phải phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.

Về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, Dự thảo Luật nêu rõ: Cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng; Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.

Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định rõ tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập thông tin; Xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân trước khi sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu khi tiến hành thu thập thông tin.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân  đã thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin của mình do tổ chức, cá nhân đó thu thập, lưu trữ…

Cho ý kiến về dự thảo Luật an toàn thông tin mạng trong phiên làm việc tại hội trường sáng nay (29/10), nhiều đại biểu đề nghị, trước thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng và bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để nội dung Luật được hoàn thiện hơn cũng như phù hợp hơn với thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng…

Cũng trong sáng 28/10 Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Đa số thành viên Ủy ban nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, phù hợp với quy định của Hiến Pháp. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế...

Hải Ngọc - Châu Tuấn