Lý Sơn Đảo Ngọc ngày mai

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2015

(TN&MT) - Tôi đã một lần được đến với Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu xinh đẹp nằm giữa biển Đông, để cảm nhận cái nắng rát mặn mòi ngấm vào da thịt, để nghe sóng vỗ rì rầm kể chuyện trầm tích thiên nhiên, lịch sử, di sản văn hóa và được sống trong khí phách hiên ngang, kiên cường của những người dân nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ bờ cõi giang san đất nước... Và cũng để thấy một tiềm năng khai thác kinh tế không nhỏ của hòn đảo mà người ta thường ví như “viên ngọc” đẹp chưa qua tay người thợ khéo.

1.Theo truyền thuyết, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông. Còn theo các nhà địa chất, hòn đảo này được hình thành cách đây vài triệu năm từ sự phun trào của các dòng nham thạch của núi lửa. Huyện đảo Lý Sơn chỉ có diện tích gần 10 km2 với lượng dân hơn 20 nghìn người, gồm đảo Lớn (xã An Vĩnh, An Hải) và đảo Bé (xã An Bình). Tuy diện tích đảo khá khiêm tốn nhưng lại chứa đựng trong mình lượng di tích khổng lồ. Trên đảo có đến vài chục di tích: Đình làng An Vĩnh, Chùa Hang và Âm linh tự (di tích cấp quốc gia), Đình làng Lý Hải, Chùa Đục, Giếng Vua, Hang Câu, Cổng Tò Vò, miếu bà Chúa Ngọc, dinh Bà Roi, Di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, các di chỉ, dấu vết văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa...

Trước đây, để ra được Lý Sơn là điều không dễ, vì phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn. Giờ đây, để làm một tour du lịch biển đảo Lý Sơn đã dễ dàng hơn nhiều, từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, mất gần hai giờ đồng hồ bằng tàu cao tốc vượt 15 hải lý đường biển (khoảng 24 km) là đã ra tới đảo. Tầu ngày 2 chuyến, khá thuận lợi cho cả du khách và người dân đi lại buôn bán. Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi. Tỏi ở Lý Sơn khá nổi tiếng trong và ngoài nước với một loại tỏi có tên rất lạ và trở thành ấn tượng khó quên “tỏi cô đơn”. Theo bà Nguyễn An Bình, người sinh ra và lớn lên trên đảo cho biết: Thuở nhỏ, khi mới 6, 7 tuổi đã phải theo cha mẹ làm tỏi, làm hành. Hành thì một năm có thể trồng vài vụ cùng với các loại cây khác như ngô, đậu xanh, dưa hấu. Nhưng tỏi ở Lý Sơn mỗi năm chỉ duy nhất một vụ, trồng vào tiết đầu đông, ra Tết thu hoạch. Có một điều khá lạ, gieo trồng cùng một giống tỏi, nhưng mỗi sào chỉ được một vài ki-lô-gam “tỏi cô đơn”. Tỏi ở đảo có hương vị độc đáo với nhiều tác dụng phòng chống bệnh tật, khi trước, hầu như loại tỏi này các gia đình thường giữ lại làm thuốc, ngâm rượu chữa đau bụng, tiêu chảy rất công hiệu. Sau này, diện tích trồng tỏi ngày càng được mở rộng, vì thế loại “tỏi cô đơn” được người tiêu dùng biết đến nhiều và được xuất bán đi khắp nơi. Có thời, công việc trồng trọt và kinh doanh tỏi thuận lợi đến mức người dân trên đảo có câu “làm vua thua làm tỏi”…

Nông dân trên đảo thu hoạch tỏi
Nông dân trên đảo thu hoạch tỏi

2. Nói đến đảo Lý Sơn, người dân đất Việt thường nghĩ ngay đến vị trí tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, nơi ghi dấu chủ quyền dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa mà bao lớp người dân Việt đã hy sinh để gìn giữ. Điều đó được minh chứng bằng những nét văn hóa phi vật thể độc đáo như: Lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ tế lính Hoàng Sa - Trường Sa, tục Khao thề (lễ Khao lề thế lính)…

Được biết, “Lễ khao lề thế lính” có cội nguồn từ hơn 300 năm trước, nhằm tôn vinh sự cống hiến hy sinh và cầu chúc cho hương hồn lính đảo Hoàng Sa - Trường Sa bất tử. Lễ Khao lề thế lính được người dân đảo Lý Sơn tổ chức đều đặn hằng năm. Sau này, được Nhà nước quan tâm, nên Lễ hội được tổ chức ngày càng quy mô và hoành tráng hơn. Vào dịp vào tháng 3 hằng năm, người dân cả nước nô nức về với Lý Sơn để cùng tham dự lễ hội có một không hai này.

Đến Lý Sơn, người ta còn được chiêm ngưỡng hàng loạt di sản vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo. Năm 2006, các nhà khảo cổ đã phát hiện trong lòng núi lửa Giếng Tiền (xã An Vĩnh) những công cụ sinh hoạt và sản xuất của người tiền sử thời đồ đá cũ. Tại xóm Ốc (An Vĩnh) và Suối Chình (An Hải), các nhà khảo cổ cũng phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh với những hiện vật nằm sâu trong lòng đất cách đây 2.500 - 2.000 năm với những mộ nồi, mộ đất, bát đồng, rìu đồng… Nền văn hóa Chămpa còn hiện hữu ở di tích miếu Con Bò, thờ Bò thần Nazin, giếng Xó La (Giếng Vua), ở di tích chùa Hang với các bệ đá mà người Chăm cổ thường dùng dâng lễ vật tế các vị thần Bà La Môn… Lý Sơn còn có những di tích tàu đắm ở đảo Lớn, đảo Bé, mà ở đó, còn chứa đựng những giá trị văn hóa, mang dấu vết con đường giao thương tơ lụa và gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau.

Đến Lý Sơn, chắc hẳn nhiều người sẽ choáng ngợp với những miệng núi lửa khổng lồ, hùng vĩ. Những đợt phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm đã để lại cho đảo Lý Sơn 5 ngọn núi lửa đặc sắc. Trong đó, Giếng Tiền và Thới Lới còn hiện diện 2 lòng chảo khổng lồ. Đến Giếng Tiền, du khách được chiêm ngưỡng một “kiệt tác” do thiên nhiên ban tặng với hình thù giống như con rùa đang nghếch đầu về hướng Đông Bắc, cái mai rùa lõm xuống. Phần lõm còn một thảm thực vật đặc trưng, tựa như thảm thực vật tại lòng núi lửa ở tỉnh Jeju (Hàn Quốc) - một di sản thế giới với 6 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan mỗi năm.

Đến với Lý Sơn, du khách còn được chiêm ngưỡng một Khu Bảo tồn biển đa dạng hệ sinh thái, các loài thủy sinh phong phú. “Dọc quanh bờ biển có các rạn san hô và cỏ biển đặc trưng, trong đo, có nhiều loài quý hiếm như: san hô xanh, san hô đen vẫn còn sinh sôi trong biển. Những khảo sát mới đây, cho biết, trong vùng biển Lý Sơn vẫn còn hàng nghìn loài động vật, thực vật, bao gồm hàng trăm loài rong biển, hàng trăm loài san hô, cỏ biển và hàng trăm loài cá rạn…

3. Đẹp, lạ, độc đáo là vậy song những năm qua, đời sống bà con trên đảo vẫn còn không ít khó khăn khi chỉ sống dựa vào khai thác thủy sản và trồng hành tỏi. Trong khi đó, điều kiện khắc nghiệt ngoài đảo làm cho nước bị xâm mặn sâu sắc, không đủ nước ngọt cho sinh hoạt và nuôi trồng loại cây đặc sản. Sản lượng đánh bắt cũng dần suy giảm do khai thác quá mức của con người. Để từng bước thực hiện Chương trình hành động số 15 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu: "Phát triển đảo Lý Sơn thành đảo du lịch theo hướng gắn kết với khu vực miền Trung, với các hoạt động du lịch cảnh quan... và các văn hóa phi vật thể trên đảo", UBND tỉnh và huyện đảo đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là mở rộng cánh cửa ưu đãi đối với các nhà đầu tư du lịch cho đảo. Tín hiệu vui, trong thời gian tới, tập đoàn Mường Thanh và VinGroup sẽ xây đầu tư xây dựng trên đảo một loạt khu dịch vụ, nghỉ dưỡng, khách sạn vào hàng 4 – 5 sao, mở ra một hướng phát triển du lịch mới trên hòn đảo xinh đẹp này. Tại thời điểm này, ngành văn hóa cũng tính đến việc đệ trình Lý Sơn là Di sản thế giới. Nếu công tác hồ sơ làm tốt, Lý Sơn chính là di sản thế giới loại hình Di sản hỗn hợp cả về thiên nhiên lẫn văn hóa đặc sắc của thế giới.

Rời huyện đảo tiền tiêu tổ quốc với những người dân bám biển, hòa trong sự quyến luyến của của nhiều du khách khi bước lên tàu rời đảo, chúng tôi biết, mình cũng như rất nhiều du khách muốn hẹn trở lại nhiều lần hơn nữa! Nơi đây, không chỉ là mảnh đất được ví như bảo tàng sống động về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, mà với những đổi thay đang dần hiện hữu hôm nay, ngày mai hòn đảo này sẽ thực sự trở thành “viên ngọc” lấp lánh giữa biển Đông đất nước.

Kim Liên