Sáng bừng Thủ đô kháng chiến

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2015

(TN&MT) -  70 năm đã đi qua, ký ức về ngày ra Quyết định tổng khởi nghĩa vẫn còn đó trên vùng đất Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Hôm nay,  những bài học lịch sử trở nên sống động qua sự đổi thay trên vùng đất Cách mạng.

Địa danh Tân Trào, nơi ghi dấu những ký ức hào hùng của Cách mạng Việt Nam lại rộn ràng cờ hoa trong những ngày tháng Tám. Hàng vạn người dân từ khắp mọi miền đất nước nô nức về thăm lại Thủ đô khu giải phóng và dự Ngày hội kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quốc dân Đại hội Tân Trào chính là sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Tổng bộ Việt Minh trong việc phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh Cách mạng, xây dựng thể chế Nhà nước mới, khởi nguồn cho Cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Quốc dân Đại hội năm 1945 chính là bước ngoặt lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Những ý nghĩa và bài học to lớn từ đó đến nay còn nguyên giá trị, cần được gìn giữ và tiếp tục phát huy một cách sáng tạo trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Theo đó, vấn đề đặt ra là Đảng và Nhà nước, trực tiếp các địa phương phải thường xuyên coi trọng, tu bổ, gìn giữ những di tích lịch sử cách mạng bằng những cơ chế, chính sách phù hợp bởi đó là tài sản quý của quốc gia, dân tộc dành cho thế hệ mai sau.

Đông đảo đồng bào dự Ngày hội kỷ niệm 70 năm
Đông đảo đồng bào dự Ngày hội kỷ niệm 70 năm

Hiểu được điều này, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có sự đầu tư xứng đáng cho vùng đất Cách mạng Tân Trào. Khác xa so với những năm tháng đói nghèo thời chiến, chỉ trong gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Tân Trào đã thay da đổi thịt. Dễ nhận thấy nhất là con đường nhựa phẳng lì rộng rãi, chạy thẳng từ thị trấn Sơn Dương đến Khu di tích Tân Trào. Các công trình công cộng như trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang rộng rãi, những ngôi nhà xây chắc chắn đang dần thay thế nhà lá đơn sơ trước kia. Nơi toàn những đồi trọc trơ cỏ khô và cánh đồng hoang vu ngày nào giờ được phủ xanh một dải dài mướt mắt chè, lúa, ngô... Nhiều công trình phúc lợi xã hội đã và đang được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tân Trào là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hết năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,82 triệu đồng/người/năm, tăng gần 8 triệu đồng so với năm 2011. Ông Viên Tiến Thăng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào tự hào: “Dù được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư nhiều cơ sở vật chất, nhưng người dân Tân Trào không ỷ lại mà luôn nỗ lực vươn lên. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Trào từ 34,59% giảm chỉ còn 3,84%, 100% thôn có internet; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”.

Quốc dân Đại hội Tân Trào
Quốc dân Đại hội Tân Trào

Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân, thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào cho biết: Chính quyền đã hướng dẫn người dân phát huy lợi thế tại địa phương như: chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển đàn gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Thành tựu lớn nhất là thay đổi được tư duy sản xuất của bà con từ manh mún sang tập trung hàng hóa, kinh tế đã khá lên rõ rệt.

Riêng Khu di tích Tân Trào đã được tỉnh Tuyên Quang quy hoạch và đầu tư theo hướng khu di tích lịch sử gắn với du lịch sinh thái, cải tạo cảnh quan và không gian cho xứng tầm với danh hiệu Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Hơn 10 hộ gia đình dân tộc Tày trong thôn Tân Lập cũng được hỗ trợ để bảo tồn nhà sàn với tổng số vốn hỗ trợ 1,7 tỷ đồng; qua đó, giúp các hộ dân vừa để ở kết hợp phát triển du lịch. Mỗi người dân trong thôn chính là những hướng dẫn viên du lịch.

Chính những điều này, đã tăng sức hút cho những chuyến du lịch về nguồn. Theo anh Viên Ngọc Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào: Theo thống kê, 10 ngày đầu tháng 8, Khu di tích đã đón hơn 50 nghìn lượt khách trong và ngoài nước, tăng gần 20 nghìn lượt người so với tháng 7, nâng số lượng khách tham quan di tích từ đầu năm 2015 đến nay, lên hơn 450 nghìn lượt. Dự kiến, năm nay, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đón 650 nghìn lượt khách tham quan (chiếm 75% lượng khách du lịch đến tham quan tỉnh Tuyên Quang).

Truyền thống Cách mạng đã được kế thừa và vận dụng trong công cuộc làm giàu đẹp quê hương. Sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân đã mang tới luồng sinh khí mới cho nơi đây. Cũng giống như cây đa Tân Trào – hình ảnh biểu tượng của thành phố Tuyên Quang tưởng như không thể chống chịu lại sự khắc nghiệt của thời gian, nay, lại vươn những chồi non xanh biếc đón nắng mới.

Khánh Ly