Biệt thự quan chức xây trên đất rừng - xử ra sao?

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2015

Đó là chất vấn nóng của đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các...

 

Đó là chất vấn nóng của đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông-lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 diễn ra vừa qua do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình tại phiên họp
Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình tại phiên họp

Biệt thự “mọc” trên đất rừng, địa phương phải biết

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình), đặt vấn đề, hiện đang diễn ra tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích, sử dụng đất tràn lan, Nhà nước không thu được tiền thuê đất. Nông-lâm trường sau khi sắp xếp lại hiện nay không sống được.

Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận, sau sắp xếp còn một số Cty nông-lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục lỗ. Việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, xúc tiến thương mại phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. “Các lâm trường quản lý, sử dụng đất lâm trường hiệu quả kém khiến đất rừng bị lấn chiếm, tàn phá. Nhưng quá hỗn loạn, tôi không cảm nhận như vậy” - ông Cao Đức Phát nói.

Đặt thẳng vấn đề mà cử tri bức xúc khi có nhiều biệt thự nguy nga “mọc” lên trên đất nông-lâm trường, đất rừng, mà chủ những biệt thự này lại là quan chức, đại gia, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Tình trạng như vậy, bộ có kiểm tra, chế tài xử lý như thế nào?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đối với tình trạng vi phạm đều phải xử lý nghiêm. Tất nhiên, bộ cũng có trách nhiệm khi chưa đôn đốc, kiểm tra kịp thời nên có tình trạng xảy ra như ĐB Huệ thông tin. Nhưng nếu có nhà “mọc” lên giữa rừng như vậy, các địa phương phải biết, phải xử lý, chứ bộ không thể bao quát hết cả nước được.

Chưa cấp được “sổ đỏ”...do thiếu tiền

Tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) “truy vấn” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: “Khi nào hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ với đất nông-lâm trường quốc doanh trước và sau khi chuyển đổi?”. Theo ĐB, thực tế việc giao đất chủ yếu được thực hiện bởi các nông-lâm trường, hồ sơ không được lập và quản lý chặt chẽ, thậm chí không đo đạc, cắm mốc rõ ràng trên thực địa dẫn tới tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang…

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đây là việc rất khó khăn. Việc cấp GCNQSDĐ phải trên cơ sở lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới, cắm mốc. Nhưng thực tế tình trạng chồng lấn, xen kẽ, tranh chấp, vi phạm pháp luật khá phổ biến, nên việc rà soát, xác định ranh giới, đo vẽ bản đồ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, về kinh phí. Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ, từ đầu tư kỹ thuật cho đến tổ chức thực hiện.

Theo đề nghị hỗ trợ của các nông-lâm trường, Bộ TNMT đã tổng kết lại, Bộ NNPTNT đã thẩm định, Bộ Tài chính trình Chính phủ, tổng số tiền đề nghị hỗ trợ đo đạc bản đồ khoảng 1.000 tỉ đồng. “Nếu được hỗ trợ thì chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành trong năm 2016” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cam kết.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, không phải khó khăn về tài chính mà do không quản lý được. Tình trạng sử dụng đất trái quy định pháp luật rất phổ biến, diễn ra trong thời gian dài. Trách nhiệm của Bộ TNMT thế nào? Đã tổ chức được bao nhiêu cuộc thanh tra, thu hồi đất cho Nhà nước
đến đâu?

“Chúng tôi không phải chối trách nhiệm của mình” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói và lý giải, nhưng từ văn bản đến thực tế rất khó khăn. Không có tiền thì sao làm được? Các tỉnh miền núi hết sức nghèo. Chúng ta phải bàn để tháo gỡ khó khăn. Liên quan đến thanh tra, UBND các cấp, các nông-lâm trường thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra; đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến các hạn chế trong công tác quản lý đất đai hoặc vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất.

Theo Lao Động