Thủ tướng yêu cầu tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 29/06/2015

(TN&MT) - Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi ông phát biểu chỉ đạo phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2015 trực tuyến với 63 tỉnh thành và các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tham dự phiên họp ở đầu cầu Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, một số Ủy ban của Quốc hội. Ở đầu cầu 63 tỉnh, thành là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở ngành địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2015.

Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI những tháng đầu năm 2015 ổn định và tăng ở mức thấp trong 10 năm qua. Chi số lạm phát cơ bản nếu xấp xỉ 3% là tốt. Đến nay, lạm phát cơ bản tháng 6 là 2,01. Ổn định vĩ mô tương đối tốt.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của cả nước ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất (6,28%) trong vòng 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức ổn định và giảm so với cuối năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng; Công tác bảo đảm an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Quanh cảnh buổi họp 29/6 từ đầu cầu Quảng Ngãi. (Ảnh chụp qua màn hình).
Quanh cảnh buổi họp sáng 29/6 từ đầu cầu Quảng Ngãi. (Ảnh chụp qua màn hình).

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao…

Nhiều tỉnh chưa biết Nghị quyết về “cải thiện môi trường kinh doanh”

Trong phần trình bày về Tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016. Nghị quyết xác định mục tiêu trong hai năm tới là: “Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm”. Phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào năm 2015 và ASEAN 4 vào năm 2016. Để đạt mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các Bộ, cơ quan và địa phương.

Sau 3 tháng ban hành Nghị quyết 19, một số giải pháp đề ra tại Nghị quyết đã được triển khai thực hiện và đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề  nghị bãi bỏ 3299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ. Một số Bộ khác đã chủ động triển khai một số hành động cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Thực hiện yêu cầu đề ra tại Nghị quyết, một số Bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động và chủ động thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nêu thực tế là vẫn còn 5 bộ, ngành và nhiều địa phương chưa ban hành chương trình hành động Nghị quyết này.

8 nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách TTHC trong 6 tháng cuối năm

Báo cáo về tình hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về CCHC, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc kiểm tra, làm việc về công tác CCHC với các bộ, ngành, địa phương.

Bộ TN&MT thực hiện mỗi năm 2 lần trả lời những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp thông qua giao lưu trực tuyến - một trong những giải pháp thực hiện cải cách TTHC của ngành TN&MT.
Bộ TN&MT thực hiện mỗi năm 2 lần trả lời những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp thông qua giao lưu trực tuyến - một trong những giải pháp thực hiện cải cách TTHC của ngành TN&MT.

Để thực hiện tốt công tác này, Bộ Nội vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP và đã ban hành nhiều kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ CCHC trong năm 2015; Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, triển khai CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức; đẩy mạnh cải cách TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra việc triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc… nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Về phương hướng nhiệm vụ cải cách TTHC trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu ra 8 nhiệm vụ chính: Tập trung triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động năm 2015 và Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2015 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Hoàn thành việc xác định và công bố Chỉ số CCHC năm 2014 trong tháng 7/2015. Xác định và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 vào tháng 10/2015.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. Thực hiện tốt việc quản lý biên chế và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 108/2014/NĐ-CP; Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã đề ra; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Và thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức khoa học công nghệ công lập…

Thủ tướng yêu cầu tập trung thảo luận tăng cường công tác cải thiện môi trường kinh doanh

Phát biểu gợi ý trước phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn lại 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được điều hành theo mục tiêu, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, an sinh xã hội được bảo đảm…

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong nội dung thảo luận cần bám sát vào nội dung Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đóng góp ý kiến, trong đó hết sức lưu ý tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp “làm sao, làm thế nào, làm gì để đạt được kết quả cao hơn so với những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm”. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, vấn đề gì, mặt công tác nào còn hạn chế, trong thảo luận cũng cần phải tập trung chỉ rõ, nêu phương hướng, giải pháp để khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có những đánh giá thẳng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này, làm rõ những mặt còn hạn chế, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết.

“Năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, sản phẩm. Chúng ta không nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chúng ta khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tôi đề nghị các đồng chí nhất là lãnh đạo các tỉnh thành cần tập trung thảo luận tăng cường công tác cải thiện môi trường kinh doanh” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực đóng góp vào các báo cáo được trình Chính phủ tại phiên họp liên quan đến công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng; các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch…

Phiên họp đang tiếp tục và sẽ diễn ra đến hết chiều ngày 29/6. Phóng viên baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật đến bạn đọc trong những tin, bài tiếp theo.

Hải Ngọc - Châu Tuấn