Quyết tâm đưa Việt Nam sớm giàu mạnh từ biển

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/06/2015

(TN&MT) - Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu cao, 91,5%. Đây là một thành công lớn của Bộ TN&MT trong việc hình thành cơ sở pháp lý quan trọng vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo; đồng thời cũng mở ra một bước ngoặt mới về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Nhân sự kiện quan trọng này, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT.

PV: Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vừa được thông qua với số phiếu đồng ý đạt cao, 91,5%. Vậy xin ông cho biết, để có được sự thành công này, Bộ TN&MT đã có quá trình chuẩn bị như thế nào?

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển: Đúng vậy, ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo với trên 99% số Đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành. Đây là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng không chỉ đối với ngành tài nguyên và môi trường mà còn biểu thị quyết tâm chính trị của đất nước ta sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển,  Thứ trưởng Bộ TN&MT
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT

Ngay sau khi Đảng ta ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 09/2/2007), từ cuối năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng một văn bản luật quy định về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật. Cùng với việc xây dựng, trình Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ thực hiện công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong khi chưa có Luật, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009). Song song với việc triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn rất mới mẻ ở Việt Nam, Bộ chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẩn trương tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, chuẩn bị kỹ các điều kiện tiền đề cần thiết về cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo.

Ngày 18 tháng 6 năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2013/QH13 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, trong đó đã bổ sung Dự án Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương xây dựng Dự án Luật này.

Sau thời gian xây dựng nghiêm túc, công phu, với rất nhiều hội thảo khoa học và khảo sát thực tiễn, qua không ít “sóng gió”, Dự án Luật đã nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành, địa phương và ngày 31 tháng 7 năm 2014, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2014, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua, trình Quốc hội dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Trong suốt thời gian này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.

PV: Như vậy Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo đã được xây dựng trong một thời gian khá dài, có những lúc tưởng chừng “không thể ra nổi” bởi các Bộ, ngành cho rằng Luật này sẽ chồng chéo, khó thực thi. Vậy chúng ta đã giải quyết vấn đề này ra sao để có được thành công như ngày hôm nay, thưa Thứ trưởng?

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển: Có thể nói, phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo tuy đã được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn mới. Do vậy, trong quá trình xây dựng Luật, còn có những ý kiến băn khoăn, thậm chí “lo ngại” rằng, với việc áp dụng phương thức này sẽ dẫn tới những chồng chéo, khó khả thi.

Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua. Ảnh: MH
Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua. Ảnh: MH

Đây là Dự án Luật khó, nội dung phức tạp, lần đầu tiên “luật hóa” quy định về phương thức quản lý mới trên biển là “Quản lý tổng hợp”. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực. Nội dung của Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Do vậy, Luật được xây dựng theo hướng chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Do đó, qua sự giải trình thuyết phục đã cho thấy, đây là phương thức quản lý tiên tiến, hiệu quả, cần thiết phải sớm được luật hóa, đưa vào triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Chính vì vậy, Luật đã được sự đồng thuận của các Bộ, ngành để trình Chính phủ nhất trí trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua với sự tán thành cao.

PV: Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo đặt vấn đề thực thi phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, vậy xin ông cho biết những nội dung cơ bản để thực thi phương thức này là gì? Và ông có kỳ vọng như thế nào khi Luật được triển khai thi hành?

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển: Trên cơ sở tham khảo, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo được xây dựng tập trung quy định cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo. Những nội dung, vấn đề quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được quy định trong Luật là: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Thực thi phương thức quản lý tổng hợp, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được quản lý thống nhất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý.

Trong thời gian tới, triển khai thi hành Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua; giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo; tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Liên (thực hiện)