Cần rà soát, chỉnh sửa thống nhất các trung tâm quan trắc môi trường và môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 12/06/2015

(TN&MT) - Sáng 12/6/2015, sau gần 2 ngày làm việc, các đại biểu tham dự Hội thảo quan trắc môi trường năm 2015, với chủ đề "định hướng hoạt động quan trắc môi...

 

(TN&MT) - Sáng 12/6/2015, sau gần 2 ngày làm việc, các đại biểu tham dự Hội thảo quan trắc môi trường năm 2015, với chủ đề “định hướng hoạt động quan trắc môi trường trong giai đoạn mới”, đã tập trung thảo luận 3 chuyên đề gồm: Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường; tình hình thực hiện Nghị định số 27/2013/NĐ- CP và cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Nguyễn Kim Tuyển, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục Môi trường, hiện nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập được Trung tâm quan trắc môi trường. Nhìn chung, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Trung tâm Quan trắc Môi trường từng bước được kiện toàn đi vào ổn định, giúp cho hoạt động quan trắc môi trường ngày càng đạt thu được nhiều kết quả… Tuy nhiên, do các Trung tâm quan trắc ở địa phương có sự khác nhau về tên gọi, 5/57 Trung tâm Quan trắc Môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường, 50/57 Trung tâm Quan trắc Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, cơ cấu tổ chức…gây khó khăn cho việc quản lý mạng lưới quan trắc.

Bà Tạ Thị Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, từ khi Trung tâm Quan trắc Môi trường được thành lập (năm 2009) đến nay đã tư vấn được 89 báo cáo ĐTM, 21 dự án cải tạo phục hồi môi trường, 37 đề án bảo vệ môi trường….Nhưng những kết quả đạt được còn hạn chế do điều kiện cơ sở vật chất, phòng làm việc, phòng thí nghiệp còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; máy móc còn thiếu, chưa được trang bị đồng bộ và hiện đại từ khâu thu thập mẫu hiện trường đến khâu xử lý chất thải phòng thí nghiệm; số lượng biên chế ít, số lao động hợp đồng nhiều dẫn đến gánh nặng về tài chính cho trung tâm khi trả lương cho lao động hợp đồng.

Còn ông Thiều Sinh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Trắc địa và Quan trắc Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho hay, nhiệm vụ quan trắc môi trường hàng năm chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị nên một số chỉ tiêu phân tích như kim loại nặng, vi sinh dẫn đến năng lực của trung tâm còn hạn chế; việc đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự và cán bộ tham gia các cuộc đào tạo, tập huấn, hội thảo đôi khi không thực hiện được....

Đối với cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP gây nhiều khó khăn cho các Trung tâm quan trắc môi trường, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội thảo, việc áp dụng cơ chế tự chủ theo Nghị định 115 và Nghị định 16 của Chính phủ gây nhiều khó khăn cho các trung tâm khi chưa được cấp trụ sở riêng, trang thiết bị chưa đầy đủ phụ vụ quan trắc, khó cạnh tranh về khi có nhiều cơ sở dịch vụ tư nhân luôn cung cấp dịch vụ thấp hơn, chưa có quy định rõ ràng việc thành lập, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý…

Về định hướng hoạt động của các Trung tâm Quan trắc Môi trường ở địa phương trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Kim Tuyển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Tổng cục Môi trường thì cần thống nhất tên gọi là Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý cấp trên là Sở Tài nguyên và Môi trường. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường theo hướng đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, tinh gọn, hiệu quả, chuyên môn hóa hoạt động quan trắc môi trường, thống nhất chế độ chính sách đối với ngạch quan trắc viên môi trường, thống nhất mức phụ cấp chức vụ…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng cục Môi trường… cần xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của các bộ; quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quan trắc nói chung, quan trắc môi trường nói riêng; ưu tiên các dự án nước ngoài về địa phương; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho công tác quan trắc môi trường;

Bài & ảnh: Lê Hùng