Hậu Giang: Điểm mặt các dự án treo "gối đầu" hai nhiệm kỳ

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 17/03/2015

(TN&MT) - Trong khi nhiều diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi phục vụ cho việc qui hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị…...

 

(TN&MT) - Trong khi nhiều diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi phục vụ cho việc qui hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị… còn bỏ hoang vì không có nhà đầu tư thì nhiều nhà đầu tư đã được giao đất triển khai dự án cũng lại “ôm” đất chờ thời.

 “Siêu dự án” nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man “ôm” 270ha đất trong Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, quá hạn 5 năm, vẫn đang “án binh bất động”.
“Siêu dự án” nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man “ôm” 270ha đất trong Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, quá hạn 5 năm, vẫn đang “án binh bất động”.

Tình trạng siêu dự án đã “gối đầu” qua hai nhiệm kỳ vẫn còn đang nhức nhối dư luận tại tỉnh Hậu Giang. Dường như các biện pháp giải quyết của cấp thẩm quyền trong nhiều năm qua chưa cải thiện được tình hình.

Một trong những “siêu” dự án “gối đầu” qua 2 nhiệm kỳ vẫn còn “treo”, gây nhức nhối dư luận tại tỉnh Hậu Giang là dự án Nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man (tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD, qui mô sử dụng đất tới 270ha) triển khai tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (nay là thị trấn Mái Dầm), huyện Châu Thành. Dù tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng từ khi khởi công (8/2007) đến nay hơn 7 năm qua (đã quá hạn 5 năm), nhà đầu tư cũng đã 3 lần cam kết và đều lỗi hẹn, song “siêu dự án” này vẫn đang “giậm chân” với các hạng mục san lấp mặt bằng, đóng cọc, 4 nhà kho thành phẩm, đường nội bộ, tường rào…

Khu công nghiệp Sông Hậu – lớn nhất tỉnh Hậu Giang, sau 8 năm thành lập, dù nhà nước đã đầu tư kết cấu giao thông, san lấp mặt bằng, nhưng chỉ có 8 doanh nghiệp đăng ký và trong số đó có tới 5 doanh nghiệp đang “ôm” đất chờ thời. Đơn cử, dự án Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chuyển tiếp từ Vinshin đã qua hơn 7 năm, đến nay 46ha đất của dự án mới san lấp mặt bằng đang bỏ hoang, người dân tận dụng trồng lúa và hoa màu. Cam kết mới nhất của Vinalines thì dự án sẽ thực hiện trong 4 năm từ năm 2015-2019 (!).

Đất dự án nhà máy đóng tàu Vinasin chuyển giao lại cho Vinaline trong Khu công nghiệp Sông Hậu bỏ hoang nông dân “tái chiếm” trồng rau màu.
Đất dự án nhà máy đóng tàu Vinasin chuyển giao lại cho Vinaline trong Khu công nghiệp Sông Hậu bỏ hoang nông dân “tái chiếm” trồng rau màu.

Cùng với “siêu dự án” chiếm đất bỏ hoang tại các khu, cụm công nghiệp, nhiều dự án xây dựng khu dân cư, kinh doanh bất động sản tại địa bàn tỉnh Hậu Giang – thậm chí “ôm” cả những khu “đất vàng” ngay tại trung tâm tỉnh lỵ bỏ hoang suốt nhiều năm qua không bị xử lý.

Ngay vị trí “đắc địa” cửa ngõ vào trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang (đoạn giao nhau giữa đường Võ Văn Kiệt và đại lộ Võ Nguyên Giáp) hiện có tới 66ha đất đã bị quây  trong hàng rào tol của dự án Khu dân cư phát triển đô thị (khu vực 2 và 3, phường V, thành phố Vị Thanh) do Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) triển khai từ năm 2008 tới nay. Những con số về tổng vốn đầu tư (trên 500 tỉ đồng) và lời cam kết sẽ thực hiện hoàn tất giai đoạn I trên diện tích 27,6ha vào năm 2010… đều đang “chìm xuồng” trong um tùm cỏ cây của khu “đất vàng” bao la bỏ hoang giữa lòng tỉnh lỵ.

Ngay trên đường Nguyễn Công Trứ, khu “đất vàng” 9.500m2, bốn mặt tiền, cách đây hơn 5 năm trước (11/2009), UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hoành tráng lễ khởi công dự án xây dựng khách sạn 5 sao Hậu Giang Diamod Plaza. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản AIC vẽ ra viễn cảnh dự án này như là một điểm nhấn cho thành phố Vị Thanh, với số vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, hình thành khách sạn 30 tầng, trong đó có 2 tầng hầm, 2 tầng là khu mua sắm, siêu thị, 2 tầng văn phòng cho thuê, còn lại là phòng nghỉ, khách sạn và căn hộ cao cấp… Thế nhưng, sau nhiều lần cơ quan chức năng thúc giục, chủ đầu tư nhiều lần cam kết, phân kỳ, rút tiêu chuẩn từ “5 sao” xuống còn “4 sao”… và rồi đến giữa năm 2014 thì UBND tỉnh Hậu Giang phải thu hồi dự án, với hiện trạng là khu đất hoang, bốn bề quây rào tol xiêu vẹo để giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim thuê đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí. Tiến trình sử dụng khu “đất vàng” này trở lại từ đầu của lộ trình triển khai dự án và lại tiếp tục… chờ nhà đầu tư.

66ha đất tại vị trí đắc địa giữa tỉnh lỵ Hậu Giang đã bị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) rào bỏ hoang trong dự án Khu dân cư phát triển đô thị (khu vực 2 và 3, phường V, thành phố Vị Thanh) suốt từ năm 2008 tới nay.
66ha đất tại vị trí đắc địa giữa tỉnh lỵ Hậu Giang đã bị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) rào bỏ hoang trong dự án Khu dân cư phát triển đô thị (khu vực 2 và 3, phường V, thành phố Vị Thanh) suốt từ năm 2008 tới nay.

Những “siêu dự án” nêu trên mới chỉ là một phần của tình trạng lãng phí về hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất đã “gối đầu” qua hai nhiệm kỳ tại tỉnh Hậu Giang chưa được giải quyết. Thông tin từ Sở KH&ĐT Hậu Giang hiện cả tỉnh có tới 23 dự án quá hạn luật định, với qui mô tổng diện tích đất đang bị “treo” chưa thống kê hết. Trong khi đó, theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong 43 dự án giao cho chủ đầu tư thì nay có đến 15 dự án chậm tiến độ. Còn riêng thành phố Vị Thanh thì có tới 24 dự án nằm trong “diện” đã quá hạn trong số 136 chương trình, dự án được quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện.

Tình trạng thu hồi đất giao cho nhà đầu tư bỏ hoang đã diễn ra phổ biến, kéo dài suốt nhiều năm qua chưa được giải quyết là vấn để bức xúc của nhiều cử tri và HĐND tỉnh Hậu Giang đã vào cuộc giám sát. “Rõ ràng là chúng ta chưa kiên quyết trong xử lý. Để các khu đất trơ trọi nhiều năm giữa trung tâm thành phố thì cần xem xét lại vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang - Nguyễn Quốc Ca, bức xúc.

Bài & ảnh: Phong Vân