Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự tổng kết công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ năm 2014

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/12/2014

(TN&MT) – Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ năm 2014...
   
(TN&MT) – Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2015.  
   
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
         
  Trong năm 2014, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và chủ động giải quyết những vấn đề đột xuất của vùng: Đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chủ động nắm tình hình, góp ý và chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho các tỉnh, thành trong vùng; phối hợp chặt chẽ và định kỳ tổ chức giao ban quốc phòng-an ninh; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và tích cực tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội toàn vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,98% (kế hoạch từ 9-10%), thu nhập đầu người đạt gần 38 triệu/năm; Sản xuất nông nghiệp lúa toàn vùng đạt 25 triệu tấn (tăng 500 nghìn tấn so với 2013), thủy sản đạt gần 3,2 triệu tấn… Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng bằng nhiều chính sách, hỗ trợ thiết thực nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần. Ngoài ra, các địa phương tập trung huy động nguồn lực từ cộng đồng, ủng hộ người nghèo, hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất giúp hộ nghèo phát triển sản xuất nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5,8% (năm 2013 là 7,41%)… Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt so với kế hoạch, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực thiếu bền vững trong sản xuất; sự liên kết giữa các địa phương chưa chặt chẽ và đi vào chiều sâu.
   

           
  Ông Nguyễn Phong Quang,  Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ kiến nghị: Thủ tướng chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương ưu tiên thực hiện các dự án do trung ương quản lý có tính kết nối vùng và tập trung nguồn vốn sớm triển khai các dự án thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, liên kết vùng ĐBSCL sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo, trái cây thủy sản và đào tạo nghề… để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của toàn vùng.
           
  Theo đánh giá, năm 2015 vùng ĐBSCL đứng trước nhiều khó khăn thách thức như: Thị trường tiêu thụ các mặt hàng chiến lược lúa, gạo, thủy sản trái cây không ổn định; tính liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa chặt chẽ; tác động của biến đổi khí hậu càng rõ nét và nghiêm trọng… Toàn vùng ĐBSCL tập trung thực hiên tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ưu tiên tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội… qua đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên 9,4%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 13,6 tỷ. Tạo việc làm cho trên 687 nghìn lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 4,5%...
   
   
  Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nhận định: Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sản xuất chưa thực sự bền vững. Mô hình liên kết sản xuất còn chưa được nhân rộng, hạ tầng kinh tế xã hội của vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, cản trở sự phát triển kinh tế của vùng và việc khai thác tiềm năm của vùng bị hạn chế.
   
   
  Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chỉ đạo: “Năm 2015 các địa phương vùng ĐBSCL phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong một đơn vị sản xuất; triển khai liên kết nông dân – nông dân, nông dân – hợp tác xã, nông dân – doanh nghiệp, vì hiện quy mô còn nhỏ. Đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, việc này rất có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải gắn với biến đổi khí hậu. Lưu ý vấn đề mở thị trường nhưng phải thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp vừa xúc tiến đầu tư thị trường và đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Quan tâm hơn tới xây dựng nông thôn mới, tới đây Ban chỉ đạo quốc gia sẽ họp trực tuyến với địa phương để đánh giá những mặt, cần xem xét hướng dẫn điều chỉnh về bộ tiêu chí quốc gia. Không hạ tiêu chuẩn nhưng sẽ phân ra nhóm tiêu chí cứng, phù hợp với từng vùng, giữ được bản sắc nông thôn của từng vùng, yêu cầu các bộ hướng dẫn chi tiết…”.
   
Bài & ảnh: Hùng Minh