Chính phủ đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2015

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 29/12/2014

(TN&MT) – Ngày 29/12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
   
(TN&MT) – Đúng 8h sáng 29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
   
  Chủ trì đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể. Cùng thời điểm đó, ở 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo Tỉnh - Thành ủy, HĐND và UBND cũng như lãnh đạo các sở, ngành cùng dự họp trực tuyến với Chính phủ.
   
   
Thủ tướng cùng các phó Thủ tướng Chủ trì cuộc họp sáng 29/12.(Ảnh chụp qua màn hình tại Trung tâm Báo chí Quốc tế)
   
2014 - năm đầu tiên tăng trưởng GDP cả nước vượt mục tiêu đề ra
   
  Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội và kiểm điểm sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Chỉnh phủ năm 2014.
   
  Đánh giá chung, năm 2014 là một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, có thể khẳng định, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành và phối hợp có hiệu quả của các cấp các ngành cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan.
   
Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra của năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
   
  Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Nông nghiệp đạt kết quả khá; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu; các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước.
   
  Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng, cho thấy các tín hiệu tốt về tăng tổng cầu. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy tăng tổng cầu, đồng thời tác động làm giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
   
   
Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển tạo đà cho xuất khẩu đi lên
   
  Tăng trưởng tín dụng được cải thiện; tỷ giá cơ bản ổn định, giá trị đồng tiền VND được giữ vững, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn năm trước. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI có những chuyển biến tích cực. Thu NSNN đạt cao, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu.
   
  An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng để bảo đảm triển khai, thực thi có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
   
  Báo cáo nêu rõ: Về mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013; bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.
   
  Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,06%; Quý II tăng 5,34%; Quý III tăng 6,07%; Quý IV tăng 6,96%) và cả năm ước đạt 5,98%, cao hơn hai năm trước (2012: 5,25%; 2013: 5,42%); sau 3 năm, đây là năm đầu tiên tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra (5,8%). “Việc vượt mục tiêu đề ra trong tăng trưởng GDP (5,98% so với 5,8%) là minh chứng tốt nhất về sự cố gắng trong điều hành của Chính phủ cũng như sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
   
Tăng tốc trong năm 2015
   
  Dự thảo Nghị quyết Về những nhiệm vụ, giải pháp dhur yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trình bày nêu rõ: Năm 2015 là năm có ý nghĩa rất quan trọng; là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
   
  Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.
   
   
Chính phủ luôn xác định phát triển kinh tế luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học
   
  Cụ thể, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng... bằng các nhóm nhiệm vụ: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; Phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Các Bộ, cơ quan và địa phươngtiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững; Thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập…
   
  Ngoài ra, Chính phủ cũng đề ra các giải pháp như: Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; Đảm bảo an sinh xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo; Đảm bảo Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập Quốc tế; Tăng cường công tác Thông tin truyền thông…
   
  Trong công tác Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; định hướng chiến lược phát triển về khai thác khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; về đất đai; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
   
  Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý tài nguyên và môi trường. Rà soát quy hoạch, tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp trong đầu tư các dự án sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên. Xử lý vi phạm các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên gây ô nhiễm môi trường.
   
  Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại khu vực nông thôn, các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
   
  Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần, bão lũ và các dạng thiên tai khác. Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
   
  Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật tư đầu vào và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Khuyến khích phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
   
4 nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ 2015
   
  Phát biểu tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2014 là năm mà nền kinh tế Việt Nam đứng trước những khó khăn đặc biệt. Việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD-981 vào vùng biển nước ta đã gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội. “Tuy nhiên, đến hôm nay chỉ còn 2 ngày nữa là hết năm 2014, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể nhân dân đã vượt qua khó khăn, giữ vững chủ quyền, đảm bảo hòa bình và phát triển ổn định… đó là sự cố gắng và quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
   
  Thủ tướng cho rằng, thành công của năm 2014 chính là tiền đề, là động lực để năm 2015 thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, hoàn thành tốt hơn những mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Thứ nhất, cả nước chung sức đồng lòng thực hiện cố gắng đạt cao nhất. Cả nước làm hết sức mình, tìm mọi giải pháp, tìm mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu do Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để ran ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.
   
Thứ hai, đảm bảo chủ quyền quốc gia, gữ ổn định đảm bảo an ninh chính trị đảm bảo an toàn xã hội.  Thứ ba, tăng cường đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế để tạo sự đồng thuận và ủng hộ quốc tế. Để tạo ra môi trường điều kiện thuận lợi để bảo vệ đất nước, xây dựng đất nước. Và thứ tư, gắn việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội với việc thực hiện Đại hội Đảng các cấp…
   
  Trong buổi sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh thành: Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa, T.PHCM... đã phát biểu đóng góp vào hai báo cáo của Chính phủ. Hội nghị sẽ diễn ra trong một ngày để lãnh đạo các địa phương sẽ phát biểu thảo luận. Các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ phát biểu giải đáp thắc mắc, kiến nghị của địa phương liên quan đến Bộ, ngành mình quản lý hoặc tham gia ý kiến vào các dự thảo Báo cáo tại Hội nghị. Chiều ngày 29/12, Thủ tướng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.
   
Bài & ảnh:Việt Hùng