Cần sự chung sức của các Bộ, ngành trong đánh giá tác động thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 27/11/2014
(TN&MT) - TS. Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo sáng 26/11 tại Hà Nội.
(TN&MT) - TS. Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá điều kiện nền nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công diễn ra tại Hà Nội ngày 26/11. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Cơ sở quan trọng để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên lưu vực sông Mê Công
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, chúng ta cần quan niệm rằng đây không chỉ là nghiên cứu của Ủy ban sông Mê Công mà là nghiên cứu của Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công từ tháng 6/2013. Đây là mục tiêu quan trọng không những giúp Chính phủ Việt Nam mà cả Chính phủ 4 nước ven sông đưa ra những quyết định trên cơ sở khoa học về việc chúng ta sẽ khai thác dòng sông Mê Công như thế nào đặc biệt là công trình thủy điện.
Việc xây dựng các công trình thủy điện gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế trên lưu vực sông Mê Công – nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.
Theo dự báo của các chuyên gia đây là vấn đề hết sức đáng lo ngại. Trước thực tế này, Chính phủ đã đầu tư và mời các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động, đây là nghiên cứu được cộng đồng quốc tế tham gia và hỗ trợ. “Báo cáo điều kiện nền là cơ sở quan trọng, nếu chính xác sẽ được các bên liên quan, quốc gia láng giềng chấp thuận thì đây chính là cơ sở để đánh giá tác động” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nói.
Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn Tập đoàn DHI (Đan Mạch) cho biết, mục tiêu báo cáo đánh giá các tác động tổng thể của việc xây dựng và vận hành thủy điện bậc thang lên hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội ở các đồng bằng ngập lũ hạ lưu thuộc Việt Nam và Campuchia. Đồng thời chỉ ra, các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, chuyển tải bùn cát, phù sa, chất lượng nước; ảnh hưởng sinh cảnh, đa dạng sinh học. Bắt đầu từ các công trình thủy điện đến các yếu tố gây tác động về ngập lụt, các hình thái của dòng chảy ảnh hướng đến nhiều ngành khác như thủy sản, giao thông thủy gây ra hay đối với sinh kế của người dân.
Theo chuyên gia, khu vực được phân chia đánh giá tác động cụ thể như sau: Đối với đồng bằng ngập lũ Campuchia từ Kratie đến Phnom Penh (khoảng 5.690.683 ha), vùng châu thổ Campuchia (khoảng 930.811 ha) và vùng châu thổ Việt Nam (khoảng 3.926.565 ha).
Chiến lược đánh giá tác động được định tính và định lượng tác động trực tiếp và gian tiếp. Báo cáo cũng nhìn nhận tác động tích cực và tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn trong đó có chú trọng những vùng có kết nối thủy văn với dòng chính sông Mê Công.
Điều kiện nền khí tượng thủy văn được thu thập từ giai đoạn 1985 – 2008 và điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội và kinh tế cho giai đoạn 2010 – 2011 (có bổ sung dữ liệu thu thập được trong năm 2014).
Báo cáo cũng chỉ ra một số thách thức, đó là diện tích đánh giá rộng lớn với hệ thống sinh thái phức tạp, hạn chế về mặt công cụ/ kiến thức hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã có sự thay đổi tương đối…
Cần bổ sung thêm các yếu tố về bùn cát, chất lượng môi trường nước…
Góp ý tại Hội thảo, một số đại biểu cũng cho rằng, đây là một công trình nghiên cứu khá đồ sộ, có nhiều thông tin đánh giá xác thực. Tuy nhiên, để có được những số liệu chính xác và cập nhật hơn, các đại biểu cũng đề nghị đơn vị thực hiện cần tham khảo bổ sung các thông tin, số liệu từ các cơ quan liên quan và các kết quả nghiên cứu đề tài, dự án đã và đang triển khai thực hiện tại Việt Nam, đặc biệt là các số liệu về thủy văn, viễn thám, giao thông thủy, các số liệu văn hóa, lối sống, phong tục tập quán có ảnh hưởng đến sinh kế người dân;…. để có được bộ số liệu đầy đủ hơn.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Công (Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia) tán thành với các đánh giá về tổng lượng dòng chảy, giảm lũ nhưng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần xem xét thêm yếu tố cường độ lũ lên và cường độ lũ xuống. Bởi lẽ, đây chính là yếu tố tác động đến nông nghiệp, thủy sinh, bờ xói, lòng bờ sông và vận chuyển phù sa… ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái cũng như đời sống của người dân ở ĐBSCL. Đối với mùa cạn, ông Công cho rằng, cần lưu ý đến thời điểm xuất hiện dòng chảy tối thiểu và thời gian duy trì. Về thông tin và số liệu, về số liệu thủy văn cần làm rõ số lượng trạm thủy văn đưa vào phân tích số liệu và phục vụ tính toán.
Về số liệu chất lượng nước, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho rằng, báo cáo sử dụng từ hai nguồn Ủy ban sông Mê Công và Trung tâm quan trắc là chưa đầy đủ và toàn diện. Vì thế, đề nghị tham khảo thêm tài liệu ở một số đơn vị khác như Viện Khoa học Thủy lợi… Bên cạnh đó, phương pháp lấy mẫu trong báo cáo hiện chưa được chính xác cần đưa ra phương pháp có độ tin cậy cao. “Số liệu xâm nhập mặn từ 2003 – 2008 như trong báo cáo là cũ, cần cập nhật số liệu mới hơn. Cần bổ sung thêm hệ thống thống công trình sử dụng nước ĐBSCL và công trình thủy điện dòng nhánh. Về phạm vi không gian, đề nghị bổ sung thêm tỉnh Long An vào vùng nghiên cứu”- đại diện Tổng cục Thủy lợi đề xuất.
Quang cảnh Hội thảo
Cục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) nêu ý kiến, các công trình thủy điện có tác động như thế nào đối với bùn cát, chế độ dòng chảy, thủy sinh. Theo đại diện Cục thẩm định, điều kiện nền quan trọng nhất ở hạ lưu sông Mê Công chính là vùng ĐBSCL. Để đánh giá tổng thể công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, chúng ta phải chú trọng nhiều đến diều kiện nền từ khu vực ĐBSCL (đánh giá điều kiện nền ở khu vực hạ lưu). Bùn cát phải được đánh giá trên cơ sở các nút giao của các dòng chính, dòng nhánh. Về thủy sinh cần xác định được số lượng loài và tập tục của các loài, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của các công trình thủy điện đến các đặc tính di trú… đưa các kiến nghị tác động giảm thiểu của thủy điện trên dòng chính.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng cần bổ sung thêm phần đánh giá giao thông thủy tại sông Hậu và sông Tiền, liên hệ vận tải thủy và vận tải đường bộ có liên quan đến các dòng sông, nhánh sông… Ngành GTVT chờ đợi bức tranh về bồi lắng, xói lở… Về vấn đề này, Tiến sỹ Lâm – chuyên gia dự án thừa nhận, Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về giao thông thủy năm 2009. Nhưng hiện báo cáo đang thiếu các số liệu vận tải chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác và chi phí vận tải.
Cục bảo tồn đa dạng sinh học kiến nghị nên tập trung đa dạng sinh học ngay tại dòng chính sông Mê Công, cửa sông, ven biển… để đưa ra các “điểm nóng”. Báo cáo mới chỉ ra được khu đất ngập nước Thạnh Phú (Bến Tre), không có vùng ven biển. Theo Cục bảo tồn, nên bổ sung Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào báo cáo bởi lẽ phù sa của sông Mê Công tác động đến vùng này là rõ nét. Vấn đề xâm nhập mặn cần làm rõ trong báo cáo.
Tổng cục thủy sản đề xuất cập nhật thêm dữ liệu về nguồn lợi thủy sản nội địa bởi lẽ nó tác động trực tiếp đến đời sống sinh kế của người dân đồng bằng. “Cá tra và tôm dành cho người giàu. Còn mô hình nuôi thủy sản trong vựa lúa mới là của ngư dân, dành cho những người nghèo mới là sinh kế tác động trực tiếp, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống cộng đồng cần được nghiên cứu đánh giá” – đại diện Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng của các đại biểu, giải thích của các chuyên gia rất kịp thời. “Đề nghị Ban quản lý dự án và các chuyên gia quốc tế cần ghi chép đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện, đồng thời, phối hợp với các cơ quan và đơn vị liên quan thu thập thêm các nguồn số liệu cần thiết” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chỉ đạo tại Hội thảo. Theo kế hoạch, tháng 12/2015 nghiên cứu phải được hoàn tất trình Chính phủ Việt Nam và gửi cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế và 3 quốc gia trong Ủy hội là Thái Lan, Lào và Campuchia.
Bài và ảnh: Thúy Hằng