“Nhiều cháu học thêm ngoại ngữ phát âm chuẩn nhưng cô giáo chê”

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 11/06/2014

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã cho biết như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6.
   
   
(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã cho biết như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6.
   
Học ngoại ngữ ở Việt Nam không giống ai trên thế giới
   
  Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) và một số đại biểu khác về lý do vì sao lại chuyển môn ngoại ngữ (cụ thể là môn tiếng Anh) từ môn thi bắt buộc sang không bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ đã tổ chức khảo sát các môn học và thấy rằng cách dạy, học và cách thi môn ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam không giống ai trên thế giới. Cách dạy và học ngoại ngữ vẫn chú trọng về ngữ pháp cho nên học hết phổ thông học sinh không nói được, không nghe được và không hiểu được.
   
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
   
  “Đội ngũ thầy cô giáo của chúng ta dạy trong trường phổ thông hiện nay về ngoại ngữ là chưa đạt chuẩn, nói không được. Nhiều cháu ở Hà Nội hoặc các thành phố lớn mà đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, học rất giỏi, phát âm chuẩn về thì cô lại chê. Đây là một thực tế. Cho nên nhất định chấm dứt tình trạng nhận được bằng, nhận được chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không thể sử dụng ngoại ngữ vào công việc thực tiễn được. Do vậy, chúng tôi đã cân nhắc và đi đến quyết định là cần cân chỉnh và thay đổi cách dạy, học môn ngoại ngữ cho đúng hướng rồi mới tăng tốc chứ không tăng tố theo hướng cũ” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
   
  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, việc đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ để việc đào tạo môn ngoại ngữ đi đúng hướng, đạt được thành công, chấm dứt tình trạng học sinh nhận được bằng, nhận được chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng được ngoại ngữ vào công việc thực tiễn.
  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết thêm, quy định môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng không phải là bắt buộc hoàn toàn, không bắt buộc ở những địa phương chưa có điều kiện.
   
  Bộ trưởng cũng cho biết, việc đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ sẽ được điều chỉnh và hiện Bộ đang tập trung vào khâu đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở các nhà trường, sau đó sẽ có chương trình và bộ sách giáo khoa mới, có cách dạy mới, cách học mới, khi đó mới tổ chức việc thi ngoại ngữ bắt buộc, đảm bảo đạt hiệu quả.
   
Bộ sẽ phối hợp để có nguôn nhân lực chất lượng hơn
   
  Đại biểu Thân Đức Nam đặt câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời nguyên nhân 72.000 cử nhân thất nghiệp, phải chăng là do đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu hay cơ cấu chưa hợp lý”.
   
  Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, Bộ GD&ĐT và các trường nằm ở phần cung của thị trường lao động. Nội dung thi cử, tổ chức đào tạo của các trường xuất phát từ khả năng mình có. Quy trình mở trường chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp thế giới, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ...
   
  Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, đào tạo hàng năm tăng trong khi chất lượng chưa được chú trọng. Bộ và cơ sở đào tạo có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên.
   
  Khi các trường mở chuyên ngành, Bộ đã có cảnh báo về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có quy mô lớn thì không cho mở thêm như khối kinh tế, tài chính, ngân hàng, giáo dục. Bộ có thông báo về sự bão hòa của ngành này, chính sách ưu tiên những ngành đang cần.
   
  Về việc kiểm định chất lượng, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, Bộ cho thành lập hai trung tâm kiểm định ở hai đại học quốc gia để phát triển kiểm định ngoài, song song với kiểm định nội bộ các trường. Nhiều nơi cũng xin được thành lập nhưng Bộ đang cân nhắc vì muốn có đội ngũ kiểm định đủ chất lượng, có thực tiễn... Hai đại học quốc gia có uy tín, đủ năng lực để làm việc này.
   
  Đại biểu Tô Văn Tám dẫn kết quả khảo sát của một doanh nghiệp cho thấy chất lượng giảng dạy 50% không đạt. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải, quá trình chuyển đổi, Bộ chỉ đạo các trường thay đổi phương pháp đào tạo hướng vào phát triển năng lực, chú trọng đào tạo các ngành kỹ thuật, xã hội đang cần.
   
  Đại biểu Nguyễn Thành Tâm yêu cầu có biện pháp xử lý những cơ sở giáo dục yếu kém, ông Luận cho hay cơ sở sai thì phải xử lý. Mỗi năm có 400.000 sinh viên tốt nghiệp, trong 5 năm có 2 triệu người tốt nghiệp. Nếu con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp không có việc làm là đúng thì tỷ lệ là 3,6%.
   
  Bộ có trách nhiệm, phối hợp xử lý ở góc độ cung có chất lượng hơn, cảnh báo với xã hội về ngành nghề thiếu, thừa. Còn phần cầu, các trung tâm xúc tiến việc làm, sàn giao dịch...cần hoàn chỉnh chỉnh.
   
  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong đề án chiến lược phát triển việc làm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng đã bàn đến việc này.
   
Nguyên Vũ