Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo lập nhà ở

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/05/2014

(TN&MT) - Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân về trách nhiệm tạo lập nhà ở.
   
(TN&MT) - Sáng 24/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
   
Minh bạch hơn quyền có nhà ở của người dân
   
  Báo cáo thẩm tra Dự án Luật nhà ở (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội, nêu rõ: Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Nhà ở và các quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn của Luật hiện hành. Đồng thời để thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.
   
  Nhìn chung dự thảo Luật đã tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân về trách nhiệm tạo lập nhà ở, theo đó, việc tạo lập nhà ở trước hết là trách nhiệm của người dân, còn trách nhiệm của Nhà nước là có chính sách phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho mọi người có nơi ở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, minh bạch hóa thị trường nhà ở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.
   
  Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn nặng về tập trung điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhà ở theo dự án, các khu đô thị mới; còn nhà ở riêng lẻ, nhà ở hiện hữu tại các khu đô thị cũ, điểm dân cư nông thôn thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nhà ở tại các khu dân cư hiện hữu ở đô thị, điểm dân cư nông thôn do người dân tự xây dựng...
   
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng
   
  Về nội dung góp ý vào dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này đã được chỉnh sửa hoàn thiện với chất lượng cao hơn trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cũng như tiếp thu ý kiến của các chuyên gia. Bên cạnh đó các đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau.
   
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/5
   
  Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, việc bổ sung các quy định về quản lý quy hoạch sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục lãng phí đầu tư trong xây dựng hiện nay. Đồng thời, với các nội dung về quản lý công tác cấp phép xây dựng, Ban soạn thảo nên giữ nguyên những nội dung đã được quy định và sử dụng ổn định, hiệu quả trong 10 năm qua.
   
  Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) tán thành việc đưa cả nội dung đầu tư xây dựng và quy hoạch xây dựng vào luật xây dựng là cần thiết, đây là những nội dung quan trọng của luật và đảm bảo sự kế thừa và nhất quán trong hệ thống pháp luật.
   
  Đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) tán thành cao với các quy định cụ thể về chứng chỉ hành nghề, năng lực của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng luật cần quy định rõ hơn việc sát hạch năng lực này, phân loại các hạng công trình được thực hiện phù hợp với các hạng năng lực…
   
  Đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng với hoạt động xây dựng là hoàn toàn khác nhau. Luật Xây dựng sửa đổi chỉ nên điều chỉnh hoạt động xây dựng, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, đại biểu Sang cũng đề nghị không đưa nội dung quy hoạch xây dựng vào trong dự án luật xây dựng mà nên để luật quy hoạch điều chỉnh.

  Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) ủng hộ việc không đưa nội dung quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng vào Luật Xây dựng.
   
  Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Luật Xây dựng hiện hành đã có nội dung về quy hoạch đô thị nhưng sau đó, Bộ Xây dựng đã tách riêng nội dung này để trình Quốc hội thông qua luật quy hoạch đô thị riêng, nay Luật Xây dựng lại đưa nội dung này vào điều chỉnh thì phải chăng Luật quy hoạch đô thị hiện hành không khả thi?
   
  Mặt khác, việc dự thảo Luật Xây dựng chỉ giới hạn một số ít đối tượng quy hoạch xây dựng được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật thì những đối tượng quy hoạch khác như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê sông phòng lũ, quy hoạch đường bộ, quy hoạch phát triển các công trình năng lượng…. sẽ thuộc sự điều chỉnh của luật nào?
   
  Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, dù dự thảo lần này đã bổ sung một số quy định về vật liệu xây dựng, nhưng còn rải rác, thiếu tính hệ thống, chưa tương xứng với tầm quan trọng của vật liệu xây dựng. Theo đại biểu, vật liệu xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng tới chất lượng công trình nên cần quy định chặt chẽ hơn.
   
PV