Tạo thuận lợi trong hoạt động doanh nghiệp

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 26/05/2014

(TN&MT) - Ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)...
   
(TN&MT) - Ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
   
Doanh nghiệp xã hội – giải quyết vấn đề môi trường
   
  Tờ trình của Chính phủ về Luật Doanh nghiệp báo cáo trước Quốc hội nêu rõ: Sau gần 8 năm thực hiện, Luật doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ một số khiếm khuyết đã làm cho việc quản trị doanh nghiệp nói chung, nhất là công ty cổ phần, trở nên kém linh hoạt, tăng thêm chi phí tuân thủ và làm chậm quá trình ra quyết định của doanh nghiệp…  
   
  Luật DN (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong thực tiễn.
   
  Đặc biệt, Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã đưa thêm quy định tương đối mới là doanh nghiệp xã hội với toàn bộ hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường.
   
  Trên thực tế, vài năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nghiệp kinh doanh giống với doanh nghiệp xã hội nêu trên, mặc dù chưa được thể chế hóa về mặt pháp lý. Điều tra sơ bộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện tại ở hai thành phố này có hơn 200 doanh nghiệp xã hội đang hoạt động. Về lĩnh vực hoạt động, 68% doanh nghiệp có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo như giáo dục đào tạo nghề, phát triển sinh kế bền vững cho nhóm người yếu thế; 48% doanh nghiệp liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường như cung cấp sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, tăng cường nhận thức về môi trường, xử lý rác, chất thải độc hại,…
   
  Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế cho thấy, đa số ý kiến tán thành việc quy định về doanh nghiệp xã hội vì cho rằng đây là sự thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, cách quy định như dự án Luật có thể gây hiểu nhầm đây là một loại hình doanh nghiệp mới ngoài các loại hình hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
   
  Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị quy định phù hợp, bảo đảm bao quát hết các hoạt động của doanh nghiệp xã hội, phân biệt rõ doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp công ích, đồng thời, ngăn ngừa xu hướng các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp xã hội để hưởng các ưu đãi.
   
Đề xuất rút ngắn thời gian xử lý doanh nghiệp phá sản
   
  Thảo luận trước Quốc hội về Luật phá sản (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành với việc cần thiết phải sớm ban hành Luật phá sản (sửa đổi).
   
  Tuy nhiên, không ít đại biểu lo lắng rằng luật này khi ra đời sẽ khiến DN phá sản nhiều hoặc lợi dụng để kiện tụng. Giải tỏa lo lắng này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, nếu chúng ta không sửa đổi như luật này thì không giải quyết được thực tế DN “chết mà không chôn được”.
   
  “Luật này không phải khuyến khích DN phá sản mà tiếp cận theo hướng giúp DN lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
   
  Đại biểu Lịch rằng, Luật được tiếp cận trên dòng tiền chứ không phải trên tài sản trong khi Luật hiện hành quản lý tài sản.
   
  Tán thành với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất đổi tên là Luật phục hồi và phá sản doanh nghiệp.
   
  Đại biểu Ngân băn khoăn về vấn đề phá sản của các tổ chức tín dụng được quy định ở chương 8. Theo đại biểu, tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế tại các hệ thống của tổ chức tín dụng Việt Nam hiện lên đến gần 4 triệu tỷ đồng. Vì thế, ở thời điểm nhạy cảm, nếu chúng ta thông qua mà không có các điều kiện chặt chẽ thì sẽ không đảm bảo an toàn. Đại biểu đề xuất Quốc hội cân nhắc nên đưa quy định này ra khỏi cái luật phá sản. Còn nếu vấn đề phá sản của các tố chức tín dụng vẫn bắt buộc phải đưa vào Luật này thì nên quy định đều ở tất cả các chương chứ không nên chỉ dồn vào chương 8.
   
  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị, Luật nên quy định cử người lao động đại diện để nộp đơn ra tòa án yêu cầu phá sản.
   
  Đa số đại biểu nhận xét, việc thụ lý đơn xin phá sản đang mất nhiều thời gian cho mỗi khâu, cần phải được đổi mới theo tinh thần cải cách hành chính. Bởi nếu tính gộp thời gian cho từng khâu trong toàn bộ quy trình, thời gian để xử lý một DN phá sản từ khi tiếp nhận đơn đến khi hoàn tất có thể phải kéo dài tới 3 tháng.

  Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh – TP. Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Theo đại biểu Ánh, thời gian quy định cho từng quy trình như trong dự luật là thống nhất với các luật khác, từ khâu thụ lý ban đầu đến khâu giải quyết cuối cùng đều là thời gian tối thiểu, không thể rút ngắn hơn.
   
  Ngoài ra, tiêu chí xác định DN phá sản cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị, cần làm rõ tiêu chí xác định DN mất khả năng thanh toán, tránh chung chung, định tính như quy định trong dự luật, đánh đồng việc xác định DN mất khả năng thanh toán với không thanh toán được nợ đến hạn.
   
Minh Trang