Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô bảo vệ chủ quyền đất nước

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/05/2014

(TN&MT) - Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều khẳng định, tới đây, cần có các giải pháp động viên, tiết kiệm, tập trung vật chất, tinh thần, bảo vệ Tổ quốc.
   
(TN&MT) - Ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
   
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an ninh quốc phòng
   
  Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều khẳng định những tháng còn lại của năm 2014, các giải pháp cần thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần động viên, tiết kiệm, tập trung vật chất, tinh thần, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; động viên nhân dân, toàn đảng, toàn dân tập trung lao động, tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ thời gian tới.
   
  Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, với diễn biến gần đây thì tình hình phát triển kinh tế-xã hội còn khó khăn, đời sống dân có nhiều bức xúc chưa được giải quyết, đặc biệt là về công ăn việc làm của người lao động. Theo đại biểu Dung, sự phục hồi kinh tế hiện chưa rõ nét. Công ăn việc làm vất vả nên chưa thể quá lạc quan với tình hình thời gian tới.
   
  Đại biểu cho hay, tình trạng lãng phí, tham nhũng còn lớn. Vì thế, thời gian tới cần quản lý các nguồn lực quốc gia có hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân có nhiều nhưng cần rà soát lại. Hiện có nhiều chính sách nhưng dàn trải, chưa đem lại quỹ phúc lợi căn cơ.
   
  Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ, trong bối cảnh thế giới bất ổn, quốc phòng an ninh cần đặt lên hàng đầu. Kinh tế phải đặt trong bối cảnh động, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an ninh quốc phòng. “Phải rà lại các dự án, để loại ra những dự án cần ngừng, ưu tiên cho dự án gắn kết với an ninh quốc phòng” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
   
  Còn đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng, vật tư nguyên liệu hiện phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Những diễn biến hiện nay khiến chúng ta phải nghĩ tới việc phải thay đổi nguồn này.
   
  Cùng chung quan điểm phải hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu để bám biển của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định cần thiết tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê tàu với giá rất ưu đãi.
   
  “Tất cả các khoản chi, trừ chi tiền lương và các khoản trợ cấp xã hội, đề nghị Quốc hội cắt hết. Đây là thể hiện thái độ khi đất nước khó khăn” – Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
   
  Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, phải dự báo cho được ảnh hưởng của vấn đề biển Đông đối với nền kinh tế, đặc biệt là với xuất nhập khẩu, an ninh lương thực, và tăng trưởng kinh tế liệu có đạt được chỉ tiêu không.
   
Cần quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp
   
  Nhiều đại biểu nêu vấn đề, cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, bên cạnh tái cấu trúc thị trường, trọng tâm phải giải quyết bài toán nông nghiệp.
   
  Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn đối với những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây có thể là cứu cánh cho nền kinh tế nói chung và giúp ổn định nền kinh tế và giảm nghèo bền vững cho người dân.
   
  Cụ thể, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng chuỗi giá trị hàng hoá cho người nông dân, xây dựng quy hoạch lại theo vùng lãnh thổ, theo ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi với đồng nhất một công nghệ, sản phẩm chủ lực để tạo đầu ra cho nông dân…
   
  Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo lắng, khi tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có dấu hiệu giảm trong khi cứ nói nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế và đa phần người nông dân. Hiện tượng người dân bỏ ruộng khi tiếp xúc cử tri không phải là hiếm như ở Hà Tĩnh.
   
  Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà nhận thấy đầu tư cho nông nghiệp chưa thoả đáng, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay với việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm nông nghiệp.
   
  Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, Quốc hội cần có Nghị quyết về nông nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm được cung-cầu, có giải pháp hỗ trợ nông dân nếu rủi ro xảy ra, tránh cho người nông dân “được mùa, rớt giá; mất mùa, trắng tay.”
   
  Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định thời gian tới, một trong những giải pháp để phát triển là giải quyết tốt "bài toán" về nông nghiệp. “Nông nghiệp không thể giải quyết một cách đơn lẻ mà cần có một tổng thể để giải quyết một cách căn cơ.” – đại biểu đề xuất.
   
Nguyên Vũ