Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2014

Với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, các nội dung thảo luận chính của Hội nghị WEF Đông Á 2014 sẽ tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng...
   
Với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, các nội dung thảo luận chính của Hội nghị WEF Đông Á 2014 sẽ tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
   
  Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
   
  Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.
   
  Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
   
  Hội nghị WEF Đông Á 2014 có chủ đề  “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
   
  Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực.
  Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm  làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5.
   
  Các hoạt động chính của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị dự kiến bao gồm: Tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể; tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” với chủ đề “Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN” và “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”; chủ trì phiên đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số tập đoàn/doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị.
   
  Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010 đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TPHCM. Năm 2012 và năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.
   
  Với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, Hội nghị WEF Đông Á 2010 diễn ra trong 2 ngày 6-7/6/2010 tại TPHCM với 20 phiên họp chính thức, xoay quanh 4 trục nội dung chính: Vai trò đang lên của châu Á, những rủi ro toàn cầu, lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á, và năng lực cạnh tranh.
   
  Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã thu hút số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay với hơn 450 đại biểu gồm các chính khách cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, học giả.
   
  Hơn 200 báo chí trong và ngoài nước đã tham dự và đưa tin về Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị cũng thu hút số lượng lãnh đạo chính phủ cấp cao đông nhất (6 lãnh đạo) gồm: Thủ tướng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam; Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc (thông thường các Hội nghị WEF Đông Á chỉ có 1-2 lãnh đạo chính phủ tham dự); nhiều vị Bộ trưởng thuộc các nước trong khu vực; lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Tổng Giám đốc WTO, Tổng thư ký UNCTAD, Tổng thư ký ASEAN, Phó Tổng thư ký OECD; các quan chức cao cấp của các tổ chức tài chính tiền tệ khu vực và quốc tế như WB, IMF, ADB…
   
  Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã gây dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị, đồng thời được Ban lãnh đạo WEF đánh giá rất cao. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
   
      Hiện tại, Việt Nam có 13 tập đoàn/tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital là các thành viên sáng lập; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Thép (Vinasteel), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (Cofico), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là thành viên Nhóm các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu (Global Growth Companies - GGC).
   
  Theo Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn