Để theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế xanh

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 28/02/2014

(TN&MT) - Sáng 28/2/2014, Chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội).
(TN&MT) - Sáng 28/2/2014, Chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng được tổ chức tại Hà Nội.
   
  Tới dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS.Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng thư ký, thành viên Hội đồng doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam; TS. Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư” cùng đại diện các ban, ngành có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường.
   
   Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh bền vững, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường.
   
   Việt Nam đang xây dựng định hướng phát triển theo hướng thúc đẩy kinh tế xanh cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngày 25 tháng 09 năm 2013 Chính phủ đã thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Chiến lược thể hiện quan điểm của Việt Nam hướng tới sự phát triển theo hướng bền vững. Mục tiêu của Chiến lược đó là thông qua mô hình tăng trưởng xanh Việt Nam thay đổi mô hình phát triển kinh tế để đạt mức sử dụng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp về kinh tế.
   
   
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại diễn đàn
   
  PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Mỗi quốc gia tùy theo hiện trạng phát triển và hoàn cảnh thực tế của nước mình đã xây dựng chương trình nghị sự riêng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu. Ở Việt Nam sau 12 năm (2004) đã ban hành chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam về “Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” tại quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, trong đó những vấn đề liên quan đến kinh tế xanh và bảo vệ môi trường đã được thể hiện.
   
  Tuy nhiên, nhìn nhận toàn diện và đầy đủ hơn về “Kinh tế xanh” và “bảo vệ môi trường”, Việt Nam cần phải có những Chính sách sát thực và phù hợp hơn theo xu hướng mới của thế giới đó là hướng tới nền kinh tế xanh. Để hướng tới nền kinh tế xanh, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, chúng ta cần phát huy lợi thế nguồn vốn tự nhiên, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các nước trên thế giới đã gặp phải, như vậy, không chỉ sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vừng từ thực hiện nền kinh tế xanh mà còn rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo ra thế ổn định về mặt chính trị, góp phần xóa đói giảm nghèo.
   
  Tại diễn đàn, TS.Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Trong đó, ông nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh còn là những khái niệm mới mẻ ở Việt nam. Nhận thức của nhiều cơ quan Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế và chưa thống nhất. Hơn nữa quá trình chuyển từ nhận thức tới hành động, từ thói quen và cách thức sản xuất, tiêu dùng “nâu” sang “xanh” cũng đòi hỏi một quãng thời gian nhất định để thích nghi.
   
  TS.Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, Việt Nam còn thiếu nhiều công cụ chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng xã hội hành động theo hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Hệ thống thuế xanh chưa được áp dụng đầy đủ, hệ thống tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng trong từng ngành công nghiệp chưa được ban hành. Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các dự án đầu tư xanh, thân thiện với môi trường chưa được thực thi có hiệu quả.
   
Quang cảnh diễn đàn
    
   Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường – Trưởng Ban tổ chức diễn đàn đề xuất  5 vấn đề cần phải giải quyết, đó là: Tích cực truyền thông nâng cao nhận thức doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển Kinh tế Xanh; Hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt chính sách huy động nguồn lực và tài chính; Nâng cao nhận thức trong các doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh đầu tư trong phát triển chiến lược tăng trưởng xanh; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất, tiêu dùng xanh tạo môi trường pháp lý lý đồng bộ cho các doanh nghiệp muốn thực hiện các ý tưởng đầu tư về tăng trưởng xanh; Tiếp tục  nghiên cứu, học tập các cách thức của các quốc gia đi trước về tăng trưởng xanh để có lộ trình cụ thể thực hiện cho phù hợp.
    
  Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề về chính sách để phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, những khó khăn và thuận lợi về thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tài chính và ngân hàng xanh… qua đó thống nhất quan điểm, để theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là cần thiết, và Việt Nam cần có sự điều chỉnh về chiến lược tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra đó là: tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng bảo vệ môi trường.
   
  Trong khuôn khổ chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” còn có Chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp Doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững được tổ chức vào 9h00 ngày 01/03/2014 tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Ba Đình, Hà Nội.
Phạm Thu Hà