Quốc hội thảo luận Luật đấu thầu

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2013

(TN&MT) - Chiều 30/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật đấu thầu.
(TN&MT) - Chiều 30/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật đấu thầu. Đa số các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề chỉ định thầu và mua thuốc của các cơ sở y tế.
   
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Hòa phát biểu chiều 30/10
   
Cần có hình thức đàm phán giá lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc
  Bày tỏ sự vui mừng trước việc có riêng một mục quy định về đấu thầu thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn  Tiền Giang) hy vọng từ nay không có bộ, ngành nào còn đổ lỗi cho việc mua thuốc chữa bệnh nhưng người mua phải tuân theo các quy định như mua xi măng, sắt thép; không mất cán bộ do sai sót đấu thầu thuốc như thời gian vừa qua ở một số tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn: “Quy định như dự thảo liệu có hiệu quả để giá thuốc đã qua đấu thầu không còn bị kêu ca, phàn nàn, chúng tôi thấy vẫn cần có thực tế để kiểm nghiệm”.
   
  Theo đại biểu Tiên, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa có đánh giá tác động về các quy định mới về đấu thầu thuốc. Nó sẽ vào thực tế như thế nào? đây là thách thức rất lớn.
   
  Thứ hai, đại biểu khẳng định không thấy có điểm mới, trừ nguyên tắc đàm phán giá và đấu thầu tập trung. Tương lai triển khai 2 biện pháp này, đại biểu Tiên thấy “rất mù mịt” do luật chúng ta chẳng có quy định lộ trình hay quy định số lượng, chủng loại cần phải đấu thầu để đàm phán. Thích thì làm không thích thì đợi. Như vậy họ cũng không vi phạm pháp luật và các tỉnh, các bệnh viện chắc là phải yên tâm thực hiện các quy định đấu thầu như hiện tại.
   
  Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình cao với việc có thêm hình thức đàm phán giá cho việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Nêu ý kiến cụ thể, đại biểu Ý Nhi cho rằng: Khoản 2, Điều 47 nên sửa đổi gói thầu mua thuốc thành mặt hàng thuốc, bỏ "chỉ có một đến hai nhà sản xuất" vì thường mỗi một mặt hàng thuốc chỉ có một nhà sản xuất. Cần có quy định về trường hợp đặc thù trong dự thảo bởi đàm phán giá cho trường hợp đặc thù vậy cần có quy định về các trường hợp đặc thù để tránh tạo kẽ hở và lúng túng khi đấu thầu nếu như thông tư hướng dẫn không làm rõ.
   
  Đại biểu Ý Nhi cho rằng, nên quy định mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và cấp cơ sở y tế thì phù hợp hơn bởi thực hiện như vậy sẽ có danh mục thuốc dùng cho cả nước, cho tỉnh, thành phố và cho bệnh viện tùy theo tiêu chí đưa ra quy định.
   
  Theo nhận xét của đại biểu Ý Nhi, cả dự thảo luật và nghị định hướng dẫn chưa có điều nào đề cập đến chất lượng thuốc. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc mua thuốc tập trung, ví dụ thuốc phải có chất lượng tốt, giá hợp lý, thống nhất giá, cung ứng tốt, từ đó quy định chi tiết thành phần thành lập hoạt động của đơn vị mua sắm tập trung thuốc cho cấp quốc gia, cấp địa phương và các cơ sở y tế.
   
  Nêu ý kiến về việc chỉ định thầu đối với mặt hàng thuốc, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, chỉ nên quy định chỉ định thầu đối với các gói thầu mua thuốc hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra trên diện rộng có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố hoặc 1 tỉnh, thành phố nhưng ở mức độ nghiêm trọng. “Nếu quy định như dự thảo chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách thì vẫn còn chung chung” – đại biểu Tiến nói.
   
Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm trong đấu thầu thuốc
  Đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội trong việc đấu thầu thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị bổ sung Điều 48a, quy định trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong lộ trình đàm phán giá, tham gia toàn bộ các khâu đấu thầu, có quyền từ chối chi trả đối với những loại thuốc cao hơn quá mức quy định.
   
  Theo đại biểu, số lượng tiền ngân sách dành mua thuốc tập trung trong trường hợp này ngày càng giảm dần. Quốc hội đang muốn giảm các chương trình mục tiêu quốc gia, cho nên những thuốc về lao, về sốt rét chắc chắn sẽ dồn sang quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Có chăng còn lại vacxin và một số loại thuốc trong trường hợp đặc biệt. Đại biểu Tiên ước tính, một năm mất khoảng vài trăm tỷ, do đó không cần thiết phải quy định quá chi tiết vấn đề này.
   
  Việc xử lý đấu thầu mua thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế, đại biểu Tiên thống kê: Hiện nay có 1.143 loại thuốc hóa chất do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Chúng ta phải xem xem ai là người thực sự kiểm soát giá thuốc và chủng loại thuốc bảo hiểm y tế. Trong nhiều năm qua, tất cả các bệnh viện, bộ ngành, kể cả Bộ Y tế không ai biết giá thuốc bảo hiểm y tế thanh toán cao hay thấp, trừ cơ quan bảo hiểm xã hội, vì họ là người chi trả tiền thuốc và có hệ thống dọc trên cả nước.
   
  Đại biểu Tiên khẳng định: Phải chỉ ra một cơ quan cụ thể và sau này có vấn đề gì xảy ra thì anh ấy phải chịu trách nhiệm, phải giải trình và phải tạo điều kiện cho anh ấy làm nhiệm vụ. “Hiện nay, 80% dân số là có bảo hiểm y tế, vì thế chốt bảo hiểm y tế là bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm cùng với Bộ Y tế. Nhưng bảo hiểm xã hội phải là người chịu trách nhiệm chính”.
   
  Đối với các dự án nghiên cứu khoa học, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị cần làm rõ Khoản 12 quy định dự án đầu tư phát triển có đề cập đến dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật điều tra cơ bản và trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
   
  Theo đại biểu, về nội hàm thì dịch vụ tư vấn nêu tại Khoản 8 có một số bất cập sau: Còn thiếu một số dịch vụ tư vấn cần phải nêu cụ thể vào đây là lập báo cáo chiến lược hoặc chiến lược phát triển theo quy định của các luật liên quan như Luật khoáng sản, Luật doanh nghiệp. Lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Lập dự án đầu tư theo Luật đầu tư. Lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tổng dự toán theo Luật xây dựng.
   
  Đại biểu Trần Xuân Hòa cũng đề nghị làm rõ hơn Điều 44 mua sắm tập trung cụ thể là quy định rõ cách thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh hay đấu thầu. Tức là quy định cụ thể tương tự như quy định về lựa chọn nhà thầu đối với  mua sắm thường xuyên tại Điều 47. Làm rõ đơn vị mua sắm tập trung, ví dụ trường hợp cụ thể của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam theo kế hoạch sản xuất  kinh doanh và đầu tư xây dựng hàng năm của tổ hợp công ty mẹ, công ty con thuộc tập đoàn. Tập đoàn có nhiều loại hàng hóa thuộc các dự án khác nhau do các công ty con làm chủ đầu tư hoặc thuộc kế hoạch mua sắm vật tư phục vụ sản xuất  kinh doanh của các công ty con có đặc tính kỹ thuật, thời gian đầu tư mua sắm tương tự nhau nên việc tập hợp lại để mua sắm tập trung sẽ giảm thiểu thủ tục, tiết kiệm chi phí, giảm giá mua do có một khối lượng lớn và kiểm soát được giá, chất lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp này chưa xác định rõ đơn vị mua sắm tập trung, hình thức lựa chọn nhà thầu do công ty mẹ Vinacomin không phải người thực hiện đầu tư, cấp có thẩm quyền cũng phải là chủ đầu tư các dự án.
Minh Trang