Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2013

(TN&MT) - Ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ...
(TN&MT) - Thảo luận tại hội trường ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, không nên tạo cơ chế độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước…
   
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu
   
Không nên tạo cơ chế độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước
  Phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, chưa một kỳ họp nào của Quốc hội như kỳ họp này buộc phải quyết định xem xét nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ một lượng rất lớn trong bối cảnh lần đầu tiên ngân sách hụt dự toán đến 63 nghìn tỷ đồng. “Đây là một quyết định khó khăn, nhất là báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ “ốm yếu” của nền kinh tế. Các con số thống kê gây hoài nghi không nhỏ”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
   
  Đại biểu kiến nghị cải cách hệ thống thống kê để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấu thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên con số có thể ảo như hiện nay.
   
  Đề cập vấn đề quan trọng số 1 trong tái cơ cấu tín dụng, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh nhóm ngân hàng lớn, có tầm ảnh hưởng. Theo ông, ngân hàng lớn không có nghĩa là ngân hàng đó khỏe như trường hợp Agribank, hay như 9 ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu.
   
  Đại biểu cũng băn khoăn trước việc xử lý nợ xấu hiện nay thông qua công ty VAMC mà ông cho rằng như giải pháp “tình thế và khiên cưỡng”. Bản thân Ngân hàng Nhà nước khó có thể một mình giải quyết mà cần thiết lập một đoàn hỗn hợp để giúp xử lý nợ xấu. Đề cập tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, đại biểu Hà Sỹ Đồng sốt ruột trước tiến độ thực hiện chậm trễ dù đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt.
   
  Ông cho rằng, cần xác định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước không đồng nghĩa vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN, hỗ trợ vĩ mô để các doanh nghiệp đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.
   
  “Không nên tạo cơ chế độc quyền hay ưu ái đặc biệt cho bất cứ doanh nghiệp nào, phải có sự tranh cạnh tranh gay gắt, không cần thiết đặc mục tiêu tất cả các DNNN đều phải hoành tráng, không nên quá ưu ái bơm tiền vào những DNNN đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán. Nên dùng ưu ái cho những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội cho dù doanh nghiệp đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào” – đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
   
Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước
  Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm bổ sung làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn vừa qua. Theo đại biểu, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu giải pháp thời gian tới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình rõ ràng, hợp lý, khả thi trong tổ chức lập, quản lý theo quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành đến từng địa phương; coi trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương và từng địa phương trong mối liên kết vùng.
   
  Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu lên sự lo lắng vì nền kinh tế có phục hồi tuy chậm và kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng niềm tin thị trường chưa phục hồi. Thể hiện cụ thể là nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tâm lý làm ăn cầm chừng, trông ngóng; thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây vay trung hạn…  Thể hiện sự tán thành cao với phương hướng, nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong năm 2014, đặc biệt là hai chỉ số quan trọng: tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là khoảng 7%, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh sự đồng tình với việc chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu.
   
  Thống nhất với quan điểm không nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần thực hiện hai nhóm vấn đề về chính sách tiền tệ cố gắng xử lý chính sách linh hoạt, mức tăng tín dụng ở khoảng 14%, 18% trong năm 2014, 2015 và tiếp tục nâng lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng đã làm.
   
  Đại biểu kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp vướng nợ nhưng có điều kiện làm ăn trả nợ được vay vốn để tiếp tục sản xuất. Về chính sách tài khóa, trên cơ sở tán thành với các chính sách đang được áp dụng, đại biểu nhấn mạnh tới việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả…
Minh Trang