Tổng cục Môi trường: Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều chuyển biến tích cực

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:13, 26/07/2019

(TN&MT) - Ngày 26/7, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh và lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT, CBCNVC Tổng cục Môi trường.

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, thời gian qua Tổng cục đã tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các vấn đề môi trường tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường giám sát đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao... Đến nay, Tổng cục đã ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị trực thuộc Tổng cục và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao, tạo niềm tin trong nhân dân. 

d
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành nhiều văn bản luật

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh, để tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động BVMT, Tổng cục đã phối hợp với các đơn vị hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành nhiều văn bản luật. Đến nay đã trình ban hành được 2 Nghị định và 1 thông tư. Hoàn thành, trình 3 quy hoạch, 3 đề án bao gồm: Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án tổng thể về mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; Đề án tổng thể tăng cường quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Trong đó có 2 nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định…

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng triển khai rà soát, đề xuất kế hoạch sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi cả nước và UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Chủ động xây dựng, hoàn thiện Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại….

Hiện Tổng cục đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu...
 

f
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu 

Tập trung kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường

Để kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng cục đã trình Bộ trưởng ban hành Quyết định thành lập 10 tổ giám sát môi trường đối với các cơ sở cần giám sát đặc biệt, kiện toàn 4 tổ giám sát. Đồng thời, tăng cường thanh tra đột xuất đối với tất cả các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề có lưu lượng nước thải lớn trên lưu vực sông Nhuệ, sông Châu Giang thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội. Thanh tra giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri, báo chí như thanh tra đột xuất Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc tại tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát tại tỉnh Hậu Giang; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động vận chuyển, chuyển giao và sử dụng phế liệu gang xỉ của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam.... Tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học khác trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, Tổng cục đã theo dõi, đôn đốc các địa phương xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Tập trung tăng cường quản lý chất thải rắn; kiểm soát hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; kiểm soát tình hình nhập khẩu, buôn bán các loài ngoại lai xâm hại. Tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để giảm thiểu và hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
 

d
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tại Hội nghị

Phát huy hiệu quả đường dây nóng

6 tháng đầu năm 2019, Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo xử lý 44 tin nóng, nhạy cảm trong lĩnh vực môi trường. Thông qua hệ thống đường dây nóng từ TW đến địa phương, Tổng cục đã tiếp nhận 470 thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường; trong đó, đường dây nóng của Tổng cục tiếp nhận 312 thông tin, đường dây nóng của 13 Sở TNMT  địa phương tiếp nhận 158 thông tin qua số điện thoại; cùng với 80 thông tin phản ánh qua hòm thư điện tử; trung bình khoảng 65 vụ việc/tháng.

Hàng ngày Văn phòng Tổng cục cũng tiến hành rà soát, cập nhật các thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền hình, phát thanh…liên quan đến ô nhiễm môi trường để cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kip thời.
Hầu hết các vụ việc phản ánh qua đường dây nóng đều thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương và đều đã được Tổng cục chuyển tới đường dây nóng của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố hoặc chuyển tới các đơn vị trực thuộc Tổng cục ngay khi nhận được thông tin để đề nghị xác minh, xử lý, phản hồi cho người cung cấp thông tin. Đến nay, đã số vụ việc đã được các địa phương triển khai xác minh, xử lý chiếm khoảng 54%, còn lại 46% số vụ việc đang được các địa phương xử lý. 

Công tác quản lý chuyển từ bị động sang chủ động

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của TCMT và nhận định công tác quản lý nhà nước về môi trường đã chuyển từ bị động sang chủ động. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như tiến độ triển khai chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ; giải quyết kiến nghị của bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong một số trường hợp còn chậm…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đồng tình với các ý kiến trên và nhấn mạnh việc Tổng cục theo dõi, đôn đốc các địa phương xử lý thông tin qua đường dây nóng còn chưa triệt để, chưa tham mưu được các hình thức để tăng cường kiểm soát, đánh giá hiệu quả giải quyết của từng phản ánh tại địa phương.

 

y
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao Huân chương lao động hạng Nhất cho nguyên Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng

Để khắc phục hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định thời gian tới, Tổng cục sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Đặc biệt sẽ đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật; tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện, cấp xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra...

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và biểu dương CBCNVC của Tổng Môi trường đã nỗ lực tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện ở tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án, nhiệm vụ tăng 52%, tỷ lệ giải ngân tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ văn bản, nhiệm vụ chậm tiến độ giảm đáng kể. trong tổng số 114 nhiệm vụ được giao đã hoàn thành 96/114 nhiệm vụ, chiếm 84,2%.

Thứ trưởng chỉ đạo, thời gian tới, Tổng cục Môi trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Chủ động tham mưu, phản ứng với nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh. 
 

f
Toàn cảnh Hội nghị

“Trong 6 tháng cuối năm 2019, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn, đòi hỏi Tổng cục phải bắt tay triển khai ngay quyết liệt với một kế hoạch rất cụ thể, có tiến độ rõ ràng và sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Tổng cục phải tập trung cao độ vào việc nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện, trình ban hành các văn bản luật. Trước mắt, phải tập trung giải quyết dứt điểm, hoàn thành một số văn bản tồn đọng, kéo dài trong thời gian qua như: Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Triển khai thực hiện ngay 3 Nhiệm vụ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội đồng; tiến hành các thủ tục để tổ chức họp Hội đồng trong tháng tới” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao Huân chương lao động hạng Nhất cho nguyên Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.