Hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:32, 09/07/2019

(TN&MT) - Ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã có buổi làm việc với Tổng cục Môi trường về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã báo cáo với Thứ trưởng dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị định (yêu cầu về pháp lý, yêu cầu thực tế); quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Nghị định; quá trình xây dựng; kết cấu và nội dung cơ bản của nghị định; ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ tư pháp; những vấn đề xin ý kiến Chính phủ.

Ông Thịnh cũng cho biết, để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Nghị định, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, xây dựng, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Bộ đã có Công văn số 1377/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh về việc góp ý sửa đổi Nghị định số 155/2019/NĐ-CP. Đến nay đã có 55/63 tỉnh/thành phố gửi ý kiến về Bộ để tổng hợp. Tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định có đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng.
 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Quá trình đánh giá, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp cho thấy Nghịđịnh số 155/2016/NĐ-CP cómột số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh, hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng của Nghị định, trong đó quy định rõ tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Xác định rõ các hành vi được xác định là đang thực hiện như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…

Ngoài ra cần, sửa đổi, bổ sung Điều 4, trong đó quy định thêm 2 biện pháp khắc phục hậu đó là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sửa đổi, bổ sung Điều 6. Trong đó, làm rõ hơn cách xác định mức phạt, bổ sung thêm trường hợp đối với mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải có cả thông số môi trường nguy hại và các thông số thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có khung phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt; trường hợp có khung phạt bằng nhau thì thông số nguy hại là thông số để xác định hành vi vi phạm…

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, phân rõ các nhóm hành vi vi phạm đối với cá nhân (tổ chức gấp 02 lần cá nhân). Cụ thể đối với các quy định xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường,… bao gồm các điều từ 8 đến 12 của Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung các hành vi về việc lập, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đó, bãi bỏ các quy định không còn hiệu lực; bổ sung quy định liên quan đến giám sát môi trường định kỳ; các quy định về không lắp đặt camera theo dõi hoặc hệ thống quan trắc nước thải hoặc khí thải không được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng;

Các quy định xử phạt về quản lý chất thải cũng có nhiều thay đổi, trong đó thống nhất thay đổi thuật ngữ chất thải rắn thông thường thành rác thải sinh hoạt tại Điều 22; bỏ hình thức tịch thu tang vật; bổ sung các quy định về quản lý chất thải nguy hại; bổ sung các quy định trong hoạt động phá dỡ tàu biển, nhập khẩu phế liệu. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên; phạt từ 200 triệu đến 250 triệu đối với cá nhân (để phù hợp với điểm g khoản 1 Điều 235 Luật Hình sự)…

Đối với các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt và biện pháp xử phạt bổ sung, xin ý kiến về việc đưa thêm một số biện pháp chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính như: cắt điện, cắt nước…

q
Toàn cảnh cuộc họp


Góp ý tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, nên làm bản tổng hợp các điều khoản sửa đổi bổ sung, lý do sửa đổi các điều trong Nghị định. Ngoài ra, đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh việc, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành có sửa một số điều liên quan đến đánh giá tác động môi trường trong Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Do đó khi sửa đổi 155/2016/NĐ-CP cần chú ý tới điều này để không bị tình trạng luật chồng luật…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến hoàn thiện hồ sơ thẩm định, tờ trình. Trong đó tờ trình phải thể hiện rõ hơn nữa những vấn đề vướng mắc, khó triển khai, không thống nhất trong thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Hồ sơ thẩm định phải có đầy đủ 3 văn bản gồm tờ trình, báo cáo tổng hợp các ý kiến góp ý và bản dự thảo. Nội dung bản báo cáo tổng hợp phải thể hiện rõ những điều bãi bỏ, sửa đổi và lý do sửa đổi.

Về tiến độ thực hiện, Thứ trưởng chỉ đạo TCMT phải hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định trước ngày 16/7; gửi các nội dung kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ cho các thành viên ban soạn thảo trước khi cuộc họp lần tới diễn ra vào ngày 18/7 để các thành viên góp ý bằng văn bản. Ngoài ra, ngày 23/7 Tổng  cục môi trường phải gửi bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tới Vụ pháp chế và Văn phòng Bộ TN&MT để ngày 25/7 trình lãnh đạo Bộ ký.