Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:51, 22/05/2019

(TN&MT) - Ngày 22/5, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP Việt Nam đã khởi xướng tổ chức Diễn đàn đối tác về Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái. Diễn đàn có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, ông Đỗ Xuân Lân – Đại diện Bộ NN&PTNT; ông Michael Croft – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Cùng dự Toạ đàm còn có đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học và các cơ quan truyền thông.  
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Phương Linh)

Đa dạng sinh học (ĐDSH) và các dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò thiết yếu cho sinh kế người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của hệ sinh thái và chất lượng đa dạng sinh học đang bị suy giảm qua các thập kỷ, kéo theo các dịch vụ hệ sinh thái cũng đang ngày càng bị đe dọa. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2009-2013 cho Công ước Đa dạng sinh học, mối đe dọa này đến từ những nguyên nhân khách quan như áp lực tăng dân số, khai thác và sử dụng quá mức các nguồn đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu, và cả những nguyên nhân chủ quan như hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa thống nhất, văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bảo vệ ĐDSH chưa đồng nhất, thiếu thực tiễn. Công tác quản lý ĐDSH thiếu cơ chế điều phối, dẫn đến chồng chéo các chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành và các bộ liên quan.  

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, theo báo cáo đánh giá dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019 cho thấy ước tính trên thế giới 4 tỷ người sử dụng thuốc có nguốc gốc tự nhiên chăm sóc sức khỏe, 70% các loại thuốc chữa ung thư có nguồn gốc tự nhiên hoặc sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, 75% các loại cây trồng toàn cầu gồm các loại cây ăn quả, rau và nhiều cây công nghiệp khác như cafe, coca và hạnh nhân ... thụ phấn nhờ các loài động vật. Với vai trò đặc biệt quan trọng của đa dang sinh học như vậy, chủ đề ngày đa dạng sinh học năm nay đã được lựa chọn là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”.Điều này càng cho thấy tầm quan trọng, mối quan hệ trực tiếp, tác động hàng ngày của đa dạng sinh học đến cuộc sống của chúng ta.
 

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu

Diễn biến đa dạng sinh học hiện vẫn theo chiều hướng xấu đi. Theo báo cáo đánh giá dich vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019, 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất đã có sự thay đổi, 60% đại dương bị các tác động tích lũy đe doạ đến sự tồn tại của các loài sinh vật, 85% diện tích khu vực ĐNN bị mất đi, suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các HST cạn, khoảng từ hơn 200 đến hơn 500 tỷ đô la từ sản lượng cây trồng toàn cầu hàng năm đối mặt với rủi ro cao do mất nguồn hỗ trợ cho thụ phấn. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã tăng 10 lần kề từ năm 1980, ảnh hưởng đến ít nhất 267 loài bao gồm 86% rùa biển, 44% chim biển và 43% động vật biển có vú, điều này ảnh hưởng đến con người thông qua chuỗi thức ăn. Các loài ngoại lai đã tăng 40% kề từ năm 1980, gần 1/9 bề mặt trái đất bị ảnh hưởng do sự xâm hại của động, thực vật ngoại lai, tác động loài bản địa, chức năng hệ sinh thái và đóng góp của tự nhiên cho con người. Sự xuất hiện các loài ngoại lai mới dường như cao hơn bao giờ hết và không có dấu hiệu chậm lại. – Tổng cục trưởng Tài nhận định.

Tại cuộc họp, đại diện cho Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Sở phát biểu: “Quảng Ninh là tỉnh có tính Đa dạng sinh học cao, các loài bản địa trên địa bàn là báu vật, được coi là tài sản của tỉnh. Bảo tồn đa dạng sinh học là trọng tâm của sự phát triển bền vững, qua đó hỗ trợ cho cuộc sống và sinh kế của ngời dân, để duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Bảo tồn đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do áp lực từ  phát triển kinh tế, xã hội, biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của một số loài sinh vật xâm hại làm giảm tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
 

ông Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh
Ông Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh phát biểu 

“Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp về quản lý bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và tại các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc tỉnh như: tổ chức quản lý bảo tồn nguyên vị hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên; tổ chức thí điểm giám sát đa dạng sinh học tại vinh Hạ Long, bảo tồn một số nguồn gen bản địa có giá trị,…” – Ông Phạm Văn Cường khẳng định.

Ông Phạm Văn Cường đã cam kết sẽ tham gia hợp tác, liên kết trong quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói riêng và khu vực, quốc tế nói chung vì mục đích chung đa dạng sinh học vì sự sống, sự phát triển bền vững.

Tiếp đó, đại diện các Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã có các bài phát biểu về kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học và việc thực hiện ở Việt Nam; chính sách bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản. Các đối tác phát triển cũng đã phát biểu về định hướng, ưu tiên và các Chương trình hỗ trợ.

Ông Michael Croft – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn (đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn). Có 238 khu sinh thái ưu tiên được công nhận trên toàn thế giới, và sáu trong số đó được đặt tại Việt Nam. Có một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận về giá trị tự nhiên phổ quát duy nhất của chúng, bao gồm 3 di sản thiên nhiên, 2 Công viên địa chất toàn cầu, 9 khu bảo tồn sinh quyển và sinh quyển và 2 khu Ramsar nằm trong 2 MAB. Tuy nhiên, các nỗ lực bảo tồn của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức khác nhau: xu hướng suy thoái đa dạng sinh học đã trở nên quan trọng hơn do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác quá mức, tăng trưởng kinh tế và áp lực dân số. Khi kết hợp với nhau, những yếu tố này đang gây ra tác động to lớn đến các dịch vụ chính mà các hệ sinh thái này cung cấp.”

Ông Michael Croft cũng nhấn mạnh: “Là một phần của chiến lược quốc gia của UNESCO tại Việt Nam, chương trình khoa học tự nhiên của chúng tôi khuyến khích các giải pháp dựa trên khoa học và tự nhiên để sử dụng tài nguyên thiên nhiên và quản lý hệ sinh thái, tăng cường giao diện giữa khoa học, chính sách và xã hội ở cấp quốc gia và địa phương. Chương trình của chúng tôi nỗ lực củng cố vai trò và tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển do UNESCO chỉ định và các địa điểm liên kết khác của UNESCO cùng với các mạng lưới liên kết của họ. Chúng tôi đang nỗ lực để giúp các địa điểm này thực hiện các sáng kiến ​​và nghiên cứu đổi mới về môi trường về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó trực tiếp đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, Chiến lược biến đổi khí hậu và các thỏa thuận môi trường quốc tế khác như Mục tiêu đa dạng sinh học ở tỉnh Aichi và UNFCCC Thỏa thuận COP 21 Paris.”
 

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Cũng tại cuộc họp, các bên đã trao đổi và thống nhất nội dung về chính sách các vấn đề ưu tiên của các tổ chức về bảo tồn đa dạng sinh học.