Ngành Tài nguyên và Môi trường đoàn kết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 06:55, 03/02/2019

(TN&MT) - Năm 2019, Bộ TN&MT cùng cả nước bắt tay ngay triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước với quyết tâm lớn, với khí thế thi đua sôi nổi, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, quyết tâm tạo dựng những thành tựu mới, đóng góp vào phát triển chung của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa: Tập trung kinh phí cho đo đạc, cấp Giấy chứng nhận đất đai

img60
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa

Để tạo ra một hệ thống dữ liệu đất đai đầy đủ, đồng bộ có khả năng phục vụ đa mục tiêu, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.

Liên quan tới tổ chức phát triển quỹ đất, Bộ TN&MT đang đề xuất nhiều phương án sửa đổi về mô hình hoạt động, chức năng nhiệm vụ của tổ chức này.

Bộ TN&MT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 250/2016/TT-BTC nhằm cho phép các tỉnh thu phí đối với tất cả các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận phải tiến hành hoạt động thẩm định để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, đồng thời, tăng nguồn thu cho địa phương.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Sớm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm môi trường

img45
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân

Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện các đợt thanh tra theo hình thức cuốn chiếu, xoay vòng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những trọng tâm quản lý môi trường trong năm 2019. Mọi hành vi vi phạm phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để không chồng chéo.

Để tiến hành sửa đổi các điều khoản trong Luật Bảo vệ môi trường, cần khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT sẽ nhanh chóng thành lập Tổ Soạn thảo và kế hoạch triển khai. Đồng thời, tiến hành xây dựng ngay các văn bản hướng dẫn dưới luật, để đảm bảo Luật có thể được triển khai ngay sau khi có hiệu lực thi hành. Cùng với đó, tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để xây dựng, trình ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường một cách đồng bộ, có tính hệ thống và tương đồng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một số nước làm tốt môi trường trong khu vực cũng như quốc tế.

Đặc biệt, công tác quản lý môi trường cần lấy công tác phòng ngừa ô nhiễm là công tác quản lý chính. Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tập trung giải quyết theo đúng lộ trình các điểm nóng về ô nhiễm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Thứ trưởng Trần Quý Kiên: Nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ và vai trò người đứng đầu

img82
Thứ trưởng Trần Quý Kiên

Trước những khó khăn, thách thức trong nhiệm vụ quản lý về địa chất khoáng sản, mỗi cán bộ ngành TN&MT cần nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, lĩnh vực địa chất khoáng sản tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trong lĩnh vực này, các đơn vị cần phối hợp ở nhiều khía cạnh. Đó là sự phối hợp giữa Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với các đơn vị trực thuộc Bộ, phối hợp giữa Tổng cục với Sở TN&MT các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ và xác định công việc trọng tâm cần giải quyết hàng tuần, tháng, quý.

Bên cạnh đó, phải tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Tổng cục để thi công có hiệu quả các Đề án Chính phủ và các nhiệm vụ thường xuyên.

Thứ trưởng Lê Công Thành: Đa dạng hóa các sản phẩm dự báo và cảnh báo

img84
Thứ trưởng Lê Công Thành

Công tác khí tượng thủy văn đã có những chuyển biến toàn diện, góp phần tích cực trong phòng chống thiên tai, phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, không theo quy luật, ngành khí tượng thủy văn cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm dự báo, cảnh báo mới đáp ứng nhiều nhu cầu, đặc biệt là dự báo tác động, dự báo số, dự báo điểm.

Để phục vụ tốt cho dự báo, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tích hợp dữ liệu để phục vụ bài toán dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; bổ sung các trạm rada vào mạng lưới các trạm, khai thác sử dụng hiệu quả số liệu này. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các trạm khí tượng thủy văn thông qua việc lồng ghép các trạm khí tượng thủy văn với mạng lưới các trạm đo đạc khác.

Về biến đổi khí hậu, Bộ tiếp tục có kế hoạch tăng cường thể chế. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sẽ được rà soát, sửa đổi trong năm 2019, trong đó, có các quy định về lĩnh vực biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các vấn đề mới như kinh tế biến đổi khí hậu để làm cơ sở hoạch định chính sách sau này.

Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT: Năm 2019, giải quyết cơ bản các điểm nóng về TN&MT

img50
Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, thực hiện Chương trình hành động của Bộ TN&MT, hàng năm, Thanh tra Bộ luôn bám sát sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó, xây dựng chương trình công tác cụ thể để triển khai kế hoạch thanh tra được Bộ phê duyệt, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc của từng phòng chuyên môn, thời gian và biện pháp tổ chức thực hiện.

Trong năm 2019, Thanh tra Bộ TN&MT thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận, trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm.

Cụ thể, các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; việc giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án; việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm và nước mặt; các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Khu công nghiệp, hóa chất, phân bón, y tế, luyện kim, dệt nhuộm, xử lý chất thải nguy hại. Phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực TN&MT. Đa dạng hóa các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân đối với công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo. Tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về TN&MT…

Ông Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển ngành TN&MT

img55
Ông Trần Bình Trọng -
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ

Bám sát kế hoạch hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Vụ KH&CN đã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm với mục tiêu, định hướng rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ ngành TN&MT.

Đặc biệt, với việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, năm 2018, Vụ KH&CN đã phối hợp với Văn phòng Chương trình quốc gia về Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu đã đôn đốc các tổ chức chủ trì triển khai 30 đề tài đã được phê duyệt thực hiện năm 2016 và 2017; đồng thời, thực hiện việc tuyển chọn, giao trực tiếp các đề tài mở mới năm 2018 với 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình.

Bộ TN&MT tiếp tục triển khai 352 đề tài cấp Bộ gồm các đề tài chuyển tiếp và mở mới thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ. Nhìn chung các đề tài KH&CN được tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch và kinh phí được giao.

Vụ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo thực hiện 8 Chương trình KH&CN cấp Bộ giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Khung chương trình đã được ban hành. Đồng thời, Vụ đã chủ trì phối hợp với các Vụ chức năng bố trí nguồn kinh phí chi tăng cường năng lực nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN thuộc Bộ theo đúng quy định.

Năm 2019, Bộ TN&MT tiếp tục triển khai 250 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ, mở mới 73 đề tài cấp cơ sở bắt đầu thực hiện từ năm 2019; thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; triển khai 5 dự án tăng cường năng lực. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở theo kế hoạch khoa học và công nghệ đã được phê duyệt. Đề xuất và tuyển chọn, xét giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở mới theo xu hướng tập trung vào các nghiên cứu có tính liên ngành, liên lĩnh vực để giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, quy mô lớn phục vụ công tác quản lý Nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đổi mới công tác điều tra cơ bản về TN&MT.

Ông Vũ Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền: Thi đua tuyên truyền góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu

img89
Ông Vũ Minh Sơn -
Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền

Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII có ý nghĩa rất quan trọng, năm tiếp theo trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước và của ngành TN&MT.

Nét mới trong tổ chức các phong trào thi đua năm 2018 là các phong trào đều gắn với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị; có mục tiêu, nội dung, tiêu chí rõ ràng; hầu hết các Khối, Cụm thi đua đều đã xây dựng kế hoạch và triển hoạt động, ký kết Giao ước thi đua một cách bài bản, tổ chức các hội thảo về thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực và địa phương; tổ chức hội thao, hội diễn văn nghệ để tăng cường giao lưu chia sẻ học hỏi kinh nghiệm giữa các đơn vị, rất thiết thực, hiệu quả.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc được bầu chọn, tôn vinh, được khen thưởng xứng đáng. Năm 2018, có 12 tập thể của Bộ đã được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; 13 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương các loại và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Vụ đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Công văn số 827/BTNMT-TĐKTTT về định hướng nội dung tuyên truyền. Qua đó, các đơn vị đã xác định được những nội dung trọng tâm, cần thiết, gắn với việc đổi mới phương thức tổ chức thực hiện đạt hiệu quả truyền thông trong điều kiện hội nhập và Cách mạng 4.0.

Có thể nói, công tác thi đua, khen thưởng và tuyên truyền đã có những thay đổi lớn về cả lượng và chất, góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành TN&MT năm 2018.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Đổi mới thể chế, chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng

img92
Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII, xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TN&MT.

Điểm sáng nổi bật về cải cách thủ tục hành chính và tạo lập môi trường kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT trong nửa nhiệm kỳ qua được thể hiện rõ nét nhất trong năm 2018. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 11 Nghị định có liên quan để cắt giảm 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 62,6% và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao), ước tính trung bình hàng năm, doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2.755 giờ công lao động, tương đương trên 37 tỷ đồng/năm. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi 3 Thông tư có liên quan để cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm theo diện phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT (đạt 51,3%). Cùng với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Bộ đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 14/15 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3% và vượt 43,3%). Ước tính hàng năm, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 50.989 giờ công lao động, tương đương trên 3 tỷ đồng/năm. Với kết quả này, Bộ TN&MT được ghi nhận là 1 trong 6 Bộ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ

Trước yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu kinh doanh kiến tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từ thực tiễn nhu cầu quản lý Nhà nước của ngành TN&MT, tôi cho rằng, hoàn thiện và đổi mới thể chế, chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của ngành TN&MT. Trong đó, trọng tâm của công tác này sắp tới sẽ là đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật, tăng cường tính kết nối, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tập trung xử lý các vướng mắc của quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.