Sẽ có quy chế ứng phó sự cố môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:05, 16/11/2018

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường. 

Hội thảo do ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Tham dự có đại diện một số bộ, ban, ngành có liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh khu vực phía Bắc.

anh 1
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội thảo

Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày báo cáo rà soát pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Báo cáo đã phân tích, đánh giá chi tiết về các quy định hiện hành quy định cho hoạt động ứng phó sự cố môi trường, mối quan hệ của sự cố môi trường với các loại sự cố khác có liên quan; kết quả khảo sát thực hiện pháp luật về ứng phó sự cố môi trường tại Bình Dương, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Báo cáo cũng đã đưa ra kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong ứng phó sự cố nói chung và sự cố môi trường nói riêng từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về ứng phó sự cố môi trường ở Việt Nam.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu và lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sự cố môi trường trong dự thảo Quy chế được giới hạn bao gồm các sự cố do chất thải gây ra hoặc sự cố từ các công trình, công nghệ lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ứng phó sự cố môi trường trong dự thảo Quyết định được chia thành 3 giai đoạn: chuẩn bị ứng phó sự cố, ứng phó sự cố và khắc phục sự cố.

ảnh 2
 Quang cảnh hội thảo

Dự thảo Quy chế ứng phó sự cố môi trường đã được xây dựng nguyên tắc phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, lúng túng trong ứng phó sự cố môi trường diễn ra trong thời gian qua. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: (i) Quy định về sự cố môi trường (Điều 1, 4); (ii) Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường (Điều 5, 6, 7); (iii) Tổ chức ứng phó sự cố môi trường (Điều 9, 10, 11, 12); (iv) Các cơ chế hỗ trợ (Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20). Dự thảo Quy chế ứng phó sự cố môi trường đã quy định rõ hơn công tác chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường như xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố môi trường, diễn tập ứng phó; chú trọng đến công tác tổ chức ứng phó sự cố môi trường như đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, báo động; hướng dẫn xử lý môi trường tại cơ sở; ứng phó sự cố tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; thành lập đội điều tra sự cố môi trường; cơ chế tài chính đặc thù cho việc ứng phó sự cố môi trường.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng cho biết dự thảo Quy chế ứng phó sự cố môi trường sẽ tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các đại biểu và sự tham gia xây dựng của các chuyên gia, các nhà quản lý và được thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý II năm 2019.