Nhân lên thông điệp của Nguyệt Linh
Trong nước - Ngày đăng : 10:36, 30/07/2019
(TN&MT) - Bức thư của Nguyễn Nguyệt Linh, cô bé 12 tuổi sắp bước vào lớp 6, học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội vẻn vẹn 188 từ. Đó như là một sự mở đường, một góc nhìn thật trong trẻo, có ý nghĩa lớn lao trước bao điều ồn ã của cuộc sống hôm nay.
“Con chỉ muốn gửi thông điệp: THẢ BÓNG BAY LÊN TRỜI: BAY CAO ƯỚC MƠ CỦA CÁC HỌC SINH - GIẾT ƯỚC MƠ CỦA BAO CHÚ CHIM VÀ RÙA BIỂN.”
Trong vô vàn những lời to lớn, những khẩu hiệu giăng trên các nẻo đường mà tôi từng thấy, dường như, mong muốn bé bỏng của Linh, khiến những người lớn chúng ta sững người mà trông lại mình.
Đứng ở bên này thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, nhìn lại quãng thời gian nửa thế kỷ qua, dễ thấy thế giới đã có những bước phát triển nhảy vọt trên nhiều phương diện. Thế giới như nhỏ bé và gần nhau hơn bởi công nghệ giúp thu ngắn khoảng cách. Những điều đó là không thể phủ nhận. Song mặt trái của sự phát triển cũng đang đặt con người vào tình trạng bất ổn. Hơn 1 tỷ người trên thế giới không tiếp cậnđược nguồn nước. Hàng chục triệu trẻ em khắp năm châu đang trong tình trạng suy sinh dưỡng, đói khát… đó là những con số khi nhắc tới khiến nhiều người phải giật mình.
Dường như đồng hành cùng sự phát triển như vũ bão của các lĩnh vực công nghiệp là các mối nguy hại thường trực với con người. Người dân một khu dân cư, học sinh trong một trường học phải vào bệnh viện cấp cứu bởi không khí ô nhiễm do nhà máy thép, nhà máy hóa chất đặt gần đó. Sữa cho trẻ sơ sinh, cháo dinh dưỡng cho bé chập chững biết đi chứa đấy chất nguy hại. Những bó rau nõn nà, những trái táo căng mọng… thật bắt mắt. Nhưng hãy coi chừng, trong đó còn ẩn chứa quá nhiều dư chất độc hại có thể tàn phá lục phủ ngũ tạng con người.
Nhiềunăm phát triển, dường như chúng ta lại có nguy cơ quay trở về vạch xuất phát. Lần này, đe dọa xem ra còn trầm trọng hơn. Ngay từ những điều nhỏ nhất cũng có thể là mối nguy hại với môi trường sống. Như góc nhìn mà Nguyệt Linh đã viết trong thư của mình gửi tới 40 vịhiệu trưởng các trường ở Hà Nội: “Con biết là mỗi năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Theo những thông tin con tìm thấy được, bóng bay được làm từ cao su tự nhiên, latex, vải nylon... Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.”
Nếu trước đây chúng ta mong muốn rút ngắn khoảng cách, đẩy nhanh thời gian để làm ra nhật nhiều sản phẩm phục vụ con người; thì nay từ cái thiếu đã thành cái thừa, và chính cái thừa ấy đã gây sự bất ổn cho chính cuộc sống con người. Trong cái bất ổn ấy, ngoài sự chủ quan chưa được tính đến, còn có sự tiếp tay của những hành động tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn sống an lành. Lòng ham muốn và nhu cầu hưởng thụ thái quá đang đẩy cuộc sống của chính chúng ta đến gần hơn với những đe dọa, bất ổn. Môi trường đang bị hủy hoại. Trái đất đang nóng lên.
Chúng ta mong muốn trái đất xanh, sạch hơn. Nhưng chúng ta lại khai thác cùng kiệt, lại xả lên “cơ thể trái đất” bao chất độc. Lòng đất bao nhiêu nơi đã khô kiệt? Sông hồ, Đại dương, bao nhiêu vùng đã “chết” trong ngập ngụa rác thải? Những cánh rừng cũng theo đó cứ vơi dần đi.
Đừng thả bóng bay lên trời, bởi nó có thể giết chết những chú chim hay những rùa biển. Đó là mối nguy với môi trường mà Nguyệt Linh đã nhìn thấy.
“Trái đất này là của chúng mình”. Rất tiếc, tiếng hát trong veo ấy thường chỉ cất lên từ trái tim trẻ thơ?!.
Thế nên, hãy bắt đầu những điều nhỏ nhất để bảo vệ trái đất này. Chúng ta hãy cùng cất tiềng hát vì một trái đất xanh. Hát lên cùng một lúc, không ai hát nhanh quá, cũng đừng quá chậm. Bởi cái nhanh - chậm ấy rất dễ biến cái “của chúng mình” thành “của riêng mình”.
Hôm nay, thêm một lá thư với 188 con chữ của một cô bé 12 tuổi khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại. Mong sao, rồi đây có thêm nhiều ước mơ giản dị như NguyệtLinh trở thành hiện thực. Nhân lên những mơ ước trong trẻo, rồi đưa vào hiện thực, chúng ta sẽ có một xã hội thân thiện, gần gũi và trong lành hơn. Bắt đầu từ hành động nhỏ như của Nguyệt Linh, chúng ta tin vào điều tốt đẹp sẽ đến.