Đại biểu Quốc hội đề nghị gắn trách nhiệm tới từng tổ chức, cá nhân trong việc xử lý rác thải

Trong nước - Ngày đăng : 16:13, 22/05/2019

(TN&MT) – Nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường, vi phạm trong sử dụng đất đai vẫn còn nhiều điều cần phải giải quyết.
01
Thảo luận tổ Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Hoà Bình

Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng nay 22-5, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế thì bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm môi trường, vi phạm trong sử dụng đất đai vẫn còn nhiều điều cần phải giải quyết.

Trước những vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) nhấn mạnh rằng, hiện nay vấn đề quản lý đất đai, bảo vệ môi trường đang là nhiệm vụ song hành và hết sức khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó là các vấn đề về xả rác gây ô nhiễm; khai thác tài nguyên tràn lan gây ảnh hưởng tới địa chất, đời sống, môi trường; lấn chiếm, sai phạm đất đai dẫn đến khiếu kiện, mất an ninh trật tự…

02
Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) phát biểu

Gắn trách nhiệm tới từng tổ chức, cá nhân trong việc xử lý rác thải

Trao đổi với các đại biểu trong cuộc thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, cử tri rất quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, rác thải. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau nhiều năm trong tình trạng bảy bộ cùng quản lý chất thải rắn, gây chồng chéo, kém hiệu quả, Nghị quyết số 09 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Hiện nay, Bộ TN&MT đang chuẩn bị một đề án đầy đủ, toàn diện, và có được sự đồng hành của doanh nghiệp, địa phương, người dân thì có thể hoàn thành được những mục tiêu đề ra.

03
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo nghiên cứu thì trong số lượng rác thải ra ngoài thì 60% số lượng là có thể tái chế được, chỉ có 40% mới phải đem xử lý do đó cần sự đồng hành của người dân có trách nhiệm tham gia phân loại, thu gom một cách khoa học. Những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhất sẽ được lựa chọn có sự giám sát của Bộ Khoa học & Công nghệ. “Nếu tất cả cùng đồng hành thì vấn đề rác thải rắn sẽ được xử lý một cách hiệu quả nhất.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Quốc hội Hoà Bình cho biết, các cử tri sẵn sàng đề nghị cần gắn trách nhiệm với những đơn vị tạo ra nguồn rác thải để có thể kiểm soát tốt hơn nữa nguồn rác phát thải tại nguồn. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh lấy ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất pin ra ngoài thị trường thì cần phải có quy chế để thu gom lại các sản phẩm của mình khi đã hết hạn sử dụng hoặc phải uỷ quyền và tài chính cho các đơn vị khác đi thu gom để có thể bảo đảm được nguồn rác thải không phát thải ra môi trường.

Bàn về vấn đề môi trường, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần xử lý mạnh mẽ hơn nữa tránh để ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề nguyên nhân sâu xa dẫn đến các nguồn bệnh tật nguy hại đến con người.

Công tác quản lý đất đai luôn đòi hỏi phải đáp ứng được tiến trình phát triển của đất nước

Tại cuộc thảo luận ở tổ, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề giải quyết có hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội? Vấn đề hiệu quả sử dụng đất vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực…

Trình bày tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế hiện nay có những vướng mắc giữa các luật quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai… do đó khi triển khai luật thì các địa phương triển khai lúng túng, thận trọng dẫn đến việc phát triển kinh tế xã hội không đạt được như kỳ vọng. Thông qua buổi thảo luận, Bộ TN&MT cũng kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cách đồng bộ để từ đó có thể quản lý các hoạt động về đất đai cũng như khai thác một cách hiệu quả nhất hệ thống thông tin địa lý đất đai vào trong công tác phát triển kinh tế - xã hội.

04
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng vấn đề quản lý đất đai hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn lỏng lẻo, việc sử dụng quỹ đất bị biến tướng, sai mục đích. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, nếu đất sử dụng đa chức năng thì chức năng năng thu được nguồn ngân sách nhiều nhất thì nên áp dụng để tránh thất thoát ngân sách.

Đại biểu Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng một trong những vấn đề nóng bỏng của đất đai gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội là tạo ra được một nguồn đất sạch, đây là vấn đề rất khó khăn và trông vào nguồn ngân sách bố trí thì không đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương. Đại biểu Trần Văn Sơn cho rằng, thực tiễn từ Trung Quốc cũng vướng tình trạng trên và quốc gia này có những chính sách hợp lý để giải bài toán nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có sự tham gia của ngân hàng trong việc cung cấp vốn vay.

05
Đại biểu Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu thảo luận 

Cũng trong buổi sáng ngày 22/5, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề về giá điện tăng. Các đại biểu đề nghị Chính phủ có chỉ đạo và xem xét lại việc tăng giá điện cho phù hợp.