TP.HCM: Sơ kết 6 tháng Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch

Trong nước - Ngày đăng : 09:42, 12/05/2019

(TN&MT) - Ngày 11/5, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
hinh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đã xóa 70% điểm đen ô nhiễm rác thải

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết: Chỉ thị số 19-CT/TU tuy mới được triển khai, tổ chức thực hiện trong 6 tháng nhưng đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố; thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân thành phố, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định đã có sự chuyển biến tích cực.

Nhiều địa phương tổ chức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của nhân dân để giải quyết kịp thời ý kiến của người dân về vệ sinh môi trường; khuyến khích người dân phát hiện và tố giác các hành vi thải bỏ rác không đúng nơi quy định; vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về môi trường. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận 4.041 thông tin, phản ánh của nhân dân về vệ sinh môi trường và đã xử lý, giải quyết 4.021 các thông tin, phản ánh.

Tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố nhìn chung có cải thiện. Việc thực hiện tổng vệ sinh định kỳ ở các khu dân cư đã tác động tích cực đến nhận thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm (toàn  thành phố đã xử lý dứt điểm được 277/369 điểm đen về rác thải); nhiều quận, huyện thực hiện tốt việc ký cam kết của các tổ chức, hộ gia đình với chính quyền trong thực hiện thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tuyến đường, khu dân cư; thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn, giảm đáng kể việc vứt rác ra đường phố, kênh rạch và nơi công cộng; số lượng người dân tham gia phân loại đúng chất thải rắn tại nguồn có gia tăng.

Trong 6 tháng, Thành phố đã lắp đặt mới 10.832 thùng rác công cộng tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch và nâng cấp, sửa chữa 4 nhà vệ sinh công cộng; trao tặng các vật dụng (thùng rác, túi đựng rác, bao tay, kẹp gắp rác, túi xách thân thiện môi trường, nhãn dán phân loại rác…) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

hinh 2
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 6 tháng Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, việc xử lý rác thải ra đường và kênh rạch, xử lý điểm đen về ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để; tình trạng vứt rác bừa bãi, phát, rải tờ rơi quảng cáo vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, tuyến đường, bãi đất trống, chợ tự phát, các tụ điểm vui chơi, giải trí, gốc cây, trụ điện, thành cầu, dạ cầu, kênh rạch…; tình trạng ô nhiễm bụi, chất thải rơi vãi từ các phương tiên lưu thông trên đường phố (xe tải, xe buýt) vẫn còn tồn tại; vẫn còn nhiều hộ dân để rác không đúng giờ, đúng nơi quy định gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Việc ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, lực lượng chủ yếu là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, học sinh, sinh viên, chưa thu hút được đông đảo nhân dân cùng tham gia; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm nhiều lần về lĩnh vực môi trường, nhưng việc xử lý chưa thật sự hiệu quả.

Đồng thời, việc tổ chức đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường chưa được quan tâm (mới có 62 phường/322 phường, xã, thị trấn tổ chức); nhiều địa phương chưa thành lập các tổ đội xung kích để giải quyết nhanh tình trạng rác thải trên địa bàn.

Cải tạo điểm đen ô nhiễm thành khu sinh hoạt cộng đồng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: Kết quả có ý nghĩa nhất là sau 6 tháng triển khai, hầu hết người dân thành phố đã biết đến và hưởng ứng Cuộc vận động, tự thay đổi hành vi và vận động người thân cùng nói không với xả rác ra đường và kênh rạch. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, chứng minh rằng hệ thống chính quyền các cấp đã tập được nhân dân trong việc thay đổi hành vi, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt.

hinh 3
Lãnh đạo TP.HCM tại Lễ phát động Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, ngày 21/10/2018

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết những vấn đề lên quan đến vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc chuyển hóa địa bàn ô nhiễm về rác thải. Đến tháng 9/2019, Thành phố phải xử lý dứt điểm 92 điểm đen ô nhiễm còn lại; đồng thời triển khai xây dựng 369 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch phục vụ nhu cầu của người dân tại các điểm đen ô nhiễm đã được xử lý.

Các địa phương cần chú trọng xây dựng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch. Chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực môi trường; tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, điện thoại, hình chụp, thư điện tử, kênh tương tác trực tuyến,… về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Sở TN&MT là đầu mối tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, gắn với việc chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn để phù hợp với quy định hiện hành; đẩy mạnh thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; rà soát, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; nghiên cứu xây dựng chuỗi nhà vệ sinh công cộng, xã hội hóa việc lắp đặt các thùng rác trên các tuyến đường chính, công viên; vận động các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn,… cung cấp dịch vụ nhà vệ sinh miễn phí cho khách vãng lai.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng của Cuộc vận động, Thành phố sẽ tiến hành thành lập ngay Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, do ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch thực hiện của từng tháng cho đến khi tổ chức Sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động.