Mỗi địa phương phải dám làm, dám chịu trách nhiệm

Trong nước - Ngày đăng : 21:35, 23/04/2019

Làm việc với TP. Hà Nội và một số địa phương về Chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần phải đẩy mạnh cải...

 

Làm việc với TP. Hà Nội và một số địa phương về Chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

NQH08473
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

 

Chiều 23/4, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã có cuộc làm việc với TP. Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Hoạt động này nằm trong chương trình làm việc của Tiểu ban nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. 

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí Thường trực Tiểu ban, thành viên Tiểu ban, lãnh đạo TP. Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực gần kề Thủ đô. 

Điểm lại các công việc đã triển khai của Tiểu ban ngay sau khi được thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, buổi làm việc hôm nay là để lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo 13 địa phương phía Bắc về thực trạng của địa phương, những điểm nghẽn, vấn đề cần rút ra, bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. 

Từ đó, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung cả nước, để xây dựng 2 văn kiện trình Đại hội XIII. 

Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có Hà Nội. 

Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung phát biểu vào 3 nội dung lớn, thứ nhất là những nét nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt những mô hình mới, vận dụng sáng tạo, thành công cũng như các nút thắt, vướng mắc cần giải quyết.

Thứ hai là đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, vùng và cả nước đến 2025, 2030, tầm nhìn đến 2045. “Ví dụ như quan điểm phát triển, các đột phá chiến lược 10 năm tới cùng với 3 đột phá hiện nay là thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng thì bổ sung những nội hàm nào phù hợp mà các các đồng chí cho rằng cần lưu ý từ thực tiễn địa phương và Trung ương cần nghiên cứu”, Thủ tướng nói.
Nhiều nghị quyết tốt xuất phát từ thực tiễn địa phương. Trong 13 địa phương dự cuộc làm việc hôm nay, có nhiều tỉnh, thành phố có những đột phá rất lớn, có nhiều gương sáng trong phát triển. Thủ tướng mong muốn 13 địa phương có những đề xuất về đột phá chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp mới. Một tỉnh, thành phố có thể chỉ có một hoặc vài ý kiến nhưng đều góp phần làm sáng tỏ chủ trương, chính sách cho phát triển. 

NQH08571
Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có Hà Nội. 

 

Riêng với Hà Nội, Thủ tướng đề nghị báo cáo làm rõ việc phát huy vai trò của Thủ đô, hay với một số tỉnh, thành phố có tính đô thị hóa cao thì đặt ra vấn đề về phát triển đô thị, liên kết vùng. 

Nhân dịp này, đáp ứng yêu cầu điều hành kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương phát biểu thêm về những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn chủ yếu mà “các đồng chí thấy trong thực tiễn cần phải sửa, nói thẳng quy định này, định hướng này chưa đúng, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng, của địa phương các đồng chí”. 

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố xác định, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh cổ phần hóa. Thành phố rà soát lại các công việc mà từ trước đến nay thuộc lĩnh vực đầu tư công, dịch vụ công để chuyển cho tư nhân làm, như dịch vụ công trong lĩnh vực môi trường chuyển sang cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng. Những cơ chế mà tư nhân làm được và có hiệu quả hơn thì chuyển cho tư nhân làm để không phải đầu tư từ ngân sách Nhà nước. 

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các ý kiến phát biểu hôm nay đều cho thấy, việc triển khai chiến lược 10 năm qua của các địa phương đạt kết quả tốt, khá toàn diện, đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều địa phương vượt mục tiêu. Quy mô nền kinh tế tăng lên. Cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Đời sống nhân dân được nâng cao. Trong phát triển đã chú ý đến môi trường. Một điểm chung của các địa phương là đều xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, bất cập về bộ máy. 
 

NQH08547

 

Ghi nhận các góp ý, Thủ tướng nhất trí cho rằng, mục tiêu chính là con người, lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Lấy con người là trung tâm của phát triển. Tiếp tục phát triển theo 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường. Tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ. Phát triển hạ tầng đồng bộ, liên thông, kể cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng thông minh. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao các ý kiến góp ý về chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực. Liên kết vùng còn bất cập, cần được giải quyết. 

Đối với một số vướng mắc cụ thể mà các địa phương nêu ra, Thủ tướng đề nghị các Bộ tập trung đề xuất sớm các biện pháp để giải quyết. 

“Tinh thần là mỗi địa phương phải tự cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại”, Thủ tướng nhấn mạnh. Phát triển địa phương mình để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.