Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với đoàn công tác Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
Trong nước - Ngày đăng : 16:30, 14/03/2019
Tham dự Đoàn công tác có Ông Jocot De Dios, Tổng Giám đốc GE Philippines và Giám đốc điều hành phòng quan hệ Chính phủ và chính sách tại GE khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Đại diện các Công ty tham gia Đoàn (Dow; 3M; Bayer; Coca Cola; Energy Capital Vietnam).
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ông Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất lớn để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thông qua buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ông Alexander Feldman đã đề xuất trao đổi các nội dung về khả năng đóng góp của các Doanh nghiệp Hoa Kỳ vào việc thực hiện các ưu tiên được đề ra trong năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cập nhật thông tin về các quy định về quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động và kế hoạch bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các công ty tham gia Đoàn cũng bày tỏ quan tâm tới vấn đề quản lý rác thải nhựa trên biển.
Hoan nghênh và cảm ơn ông Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng các đại diện của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tới thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa các Doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay có nhiều chủ trương lớn của Việt Nam để có thể áp dụng được thành tựu cách mạng khoa học công nghệ tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp có nền tảng bền vững, thân thiện với môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý các lĩnh vực đều là nguồn lực quan trọng của đất nước. Cho nên, theo tiêu chí phát triển bền vững thì Hoa Kỳ là quốc gia có điều kiện, kinh nghiệm tốt và sẽ là cơ sở tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam sẽ phát huy được những thế mạnh doanh nghiệp và song hành cùng sự phát triển của Việt Nam như Coca Cola, Bayer…
Trao đổi với ông Alexander Feldman, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện nay chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, do vậy các chủ trương, chính sách hiện nay luôn hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Các tiêu chuẩn về môi trường sẽ được nâng cao hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Bộ trưởng cũng sẵn sàng đón nhận sự góp ý của các doanh nghiệp của Hoa Kỳ cùng tham gia vào sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn, nước thải, khí thải…
Trong vấn đề quản lý môi trường biển và đại dương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, Việt Nam hiện đang có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế biển, du lịch, khai thác, nghiên cứu tiềm năng đa dạng sinh học biển nên sẵn sàng hợp tác với những doanh nghiệp của Hoa Kỳ có mục tiêu phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết cấp cao tại hội nghị G7 và thời gian tới Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ phát động mạnh mẽ phong trào chống rác thải nhựa đại dương. Bộ trưởng mong muốn các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Coca Cola, Bayer… sẽ đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và Việt Nam nói chung để thực hiện những mục tiêu chung đề ra.
Bên cạnh đó, một trong những thế mạnh và rất tiềm năng của Bộ quản lý là công tác điều tra cơ bản viễn thám quốc gia, đo đạc bản đồ, hệ thống thông tin địa lý quốc gia, điều tra tài nguyên biển… đang cần những nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ để thăm dò, xây dựng dữ liệu lớn về công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Bộ TN&MT trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, chuyển giao kinh nghiệm và thi thức về khoa học - công nghệ mới nhất, tiên tiến, giúp Bộ TN&MT thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát, xử lý rác thải, khí thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN thống nhất rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là phù hợp do có thế mạnh về công nghệ, đồng thời cũng sẽ giúp thể hiện vai trò dẫn đầu trong việc cùng chung gánh vác các trách nhiệm xã hội, tạo dựng uy tín cho các doanh nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên quy mô khu vực ASEAN và toàn cầu.
*** Chiều ngày 14/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng có buổi làm việc với Đoàn công tác của Tập đoàn Pou Chen, Đài Loan trao đổi về việc đầu tư các dự án phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ông Shih Chih Hung, Phó Tổng Giám đốc điều hành, phụ trách đầu tư của Tập đoàn Pou Chen tại khu vực Đông Nam Á đề xuất thành lập nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp bằng phương pháp thiêu đốt tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phía Đài Loan muốn tham vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường các vấn đề xử lý chất thải rắn công nghiệp, chuyển đổi từ phương pháp chôn lấp truyền thống sang phương pháp thiêu đốt, qua đó có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tái sử dụng làm năng lượng nhiệt điện; Chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) khi thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn coi trọng và đánh giá cao những đóng góp và mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp đối tác nước ngoài nói chung và của Tập đoàn Pou Chen nói riêng.
Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách về nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tuần hoàn chất thải, tuy nhiên, do khó khăn về công nghệ, thiếu nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế chất thải nên đến nay vẫn chưa hình thành liên kết cũng như thị trường của nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Việt Nam cũng có cơ hội, tiềm năng lớn trong việc tái chế, thu hồi nguyên liệu và sản xuất năng lượng từ chất thải. Để giải quyết những vấn đề này, việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác, phát triển và đổi mới công nghệ để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế là rất cần thiết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các doanh nghiệp khi đầu tư các dự án phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường cần chú ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. “Đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn tới, gồm các hoạt động như: giảm thiểu chất thải, tận dụng chất thải trong quá trình sản xuất để tái sử dụng phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Với quyết định đầu tư nhà máy xử lý rác đảm bảo được công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn Pou Chen, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường xem xét và hỗ trợ Tập đoàn thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị phía Tập đoàn sẽ hỗ trợ Tổng cục Môi trường chuyển giao các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, các kinh nghiệm công nghệ, cơ chế chính sách của Đài Loan để giúp Việt Nam có thể áp dụng được những mô hình tiên tiến nhất. Ngoài ra, Bộ trưởng hy vọng Tập đoàn Pou Chen tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua và sẽ quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường trong quá trình sản xuất và phát triển tại Việt Nam.