Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Địa phương làm gì để tạo "đột phá"

Trong nước - Ngày đăng : 00:19, 05/02/2019

(TN&MT) - Tinh thần "đột phá" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm 2019 và đã được ngành Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng bằng chương trình hành động ngay những ngày đầu năm 2019. Điều này được ngành TN&MT các địa phương hưởng ứng ra sao? Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, nhóm phóng viên Báo TN&MT lược ghi ý kiến của lãnh đạo Sở TN&MT một số tỉnh, thành phố.
bt 1
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh tinh thần "đột phá" trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là chương trình hành động quan trọng trong công tác năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước. 


Ông NGUYỄN VĂN HẬU - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ: “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”.

Ông NGUYỄN VĂN HẬU - Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ
Ông NGUYỄN VĂN HẬU - Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ


Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và Kế hoạch CCHC của UBND tỉnh, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định:“Thực hiện hiệu quả khâu đột phá về CCHC, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phương pháp lề lối làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Để tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư và thuận lợi cho tổ chức, công dân  trong quá trình giả quyết TTHC, Sở TN&MT Phú Thọ thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục, thực hiện chế độ tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy định trên tinh thần đảm bảo thuận lợi, nhanh gọn và đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất từ 14 ngày xuống còn 7 ngày; đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại từ 15 ngày xuống còn 12 ngày,... Để việc giải quyết TTHC đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, Sở đã xây dựng Quy chế phối hợp giữa các phòng, đơn vị thuộc Sở trong việc giải quyết TTHC, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết của từng đơn vị gắn liền với công tác cải cách TTHC.

Bên cạnh đó, Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động truyền thông về công tác kiểm soát TTHC. Qua đó đã tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác cải cách CCHC, kiểm soát TTHC, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, Sở đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Sở Tài nguyên và Môi trường, trình Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ và UBND tỉnh. Trước khi sắp xếp, Sở có 7 phòng, 2 chi cục, 5 đơn vị sự nghiệp; sau khi rà soát và sắp xếp lại Sở có 4 phòng (giảm 03 phòng), 02 chi cục thực hiện công tác quản lý nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp (giảm 02 đơn vị), thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, Sở tiếp tục rà soát và giám sát thực hiện quy chế làm việc của cơ quan để đảm bảo hoạt động thống nhất, hiệu quả.

Công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức bộ máy liên tục được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác xây dựng thể chế được tăng cường và hoàn thiện; TTHC ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và cải cách theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, cắt giảm chi phí; cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được đẩy mạnh thực hiện theo hướng hiện đại; phương thức, lề lối làm việc được đổi mới, nâng cao chất lượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được đẩy mạnh.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát quy định TTHC để tham mưu cho UBND tỉnh công bố kịp thời, đề xuất những quy định, thủ tục còn chưa phù hợp để đảm bảo việc thực hiện thống nhất, chặt chẽ, đơn giản. Tiếp tục thực hiện công tác rà soát, tổ chức bộ máy để sắp xếp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cùng với đó, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ để công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả.

Ông NGUYỄN TRỌNG ĐÔNG - Giám đốc Sở TN&MT thành phố Hà Nội: “Lắp thêm nhiều trạm quan trắc môi trường không khí, số liệu sẽ được cập nhật liên tục 24/24h”.

Ông NGUYỄN TRỌNG ĐÔNG - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội
Ông NGUYỄN TRỌNG ĐÔNG - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội


Năm 2018, Thành phố Hà Nội đã tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 11 ngày 31/5/2017 của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ngành TN&MT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại 127 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, dự án đầu tư xây dựng; thành lập các đoàn kiểm tra về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 40 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy; triển khai Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; triển khai các nhiệm vụ tại Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn (qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường).

Đặc biệt, trong 03 năm 2016 -2018: đã phê duyệt hơn 1.100 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 520 Đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; đã điều tra, khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại 300 cơ sở hoạt động tại 08 khu công nghiệp, 500 cơ sở hoạt động tại 42 cụm công nghiệp; đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời 67 cơ sở nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Đã chỉ đạo rà soát để trình HĐND Thành phố thông qua Danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn 12 quận nội thành để tổ chức thực hiện theo quy định.

Hà Nội cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thay thế 55.000 bếp than tổ ong; Phấn đấu, đến năm 2020, cơ bản hoàn thành thay thế việc sử dụng bếp than tổ ong đối với các hộ kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời đã tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 129 hồ; Phấn đấu đến hết năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Công tác thu gom rác, vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở khu vực các quận nội thành và 87% ở khu vực ngoại thành. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; đưa vào vận hành thí điểm công nghệ nghiền phế thải xây dựng;

Đặc biệt, với việc đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác, số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h, được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống, được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là 01 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2018. Điều này sẽ được phát huy trong năm 2019.

Trong năm 2019, Hà Nội sẽ xây dựng danh mục di dời cơ sở gây ô nhiễm, không phù hơp quy hoạch; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ - Sông Đáy...

Ông HỒ HUY THÀNH - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh: “Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên lĩnh vực môi trường để tạo bước đột phá trong năm 2019”.

Ông HỒ HUY THÀNH - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh
Ông HỒ HUY THÀNH - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh

Trên cơ sở các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, bước vào năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xem đây là nhiệm vụ quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như ở địa phương.

Đứng trước những khó khăn, thách thức, lĩnh vực môi trường sẽ tổ chức rà soát, đánh giá việc thực Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn trình HĐND tỉnh thông qua để tổ chức thực hiện; phấn đấu đến năm 2025, có 100% rác thải đô thị và trên 95% rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý theo Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ các dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, dự án Formosa. Duy trì hoạt động giám sát thường xuyên, liên tục đối với dự án Formosa; giám sát việc hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống dập cốc khô (CDQ), việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ven biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết đình chỉ các cơ sở đang hoạt động đã phê duyệt ĐTM mà không có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2019, việc giải quyết những tồn động được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Triển khai các dự án xử lý tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 807/QĐ-TTg ngày 03/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì tốt mạng lưới quan trắc môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt để để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường; tăng cường giám sát hệ thống quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải của các đơn vị đã lắp đặt, vận hành. 

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở TN&MT Hà Tĩnh kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực xử lý rác thải. Ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải quy mô liên vùng để đảm bảo xử lý rác thải cho các địa phương phía Bắc và phía Tây của tỉnh.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: “Sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính”.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM


Nhìn lại năm 2018, Sở TN&MT đã hoàn thành tất cả 11 nhóm nhiệm vụ chính được UBND thành phố giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.  Ngay những ngày đầu năm 2019, Sở TN&MT đã bắt tay ngay vào triển khai các nhiệm vụ, trong đó xác định năm nay sẽ có những đột phá trong cải cách hành chính,  nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu nâng điểm Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thành phố vào nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu; phấn đấu đạt Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) thành phố vào nhóm 10 tỉnh, thành có điểm cao nhất; phấn đấu nâng điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Năm 2019 cũng là năm thứ 2 TP.HCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù với nhiều nội dung công việc quan trọng.

Để hoàn thành nhiệm vụ chung của thành phố, Sở TN&MT đặt mục tiêu tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 90%; đưa tỷ lệ từ 30% đến 40% số lượng thủ tục hành chính đủ yêu cầu, điều kiện vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; đạt từ 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; có từ 10% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, có từ 15% trở lên số hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính; phấn đấu đạt trên 80% ý kiến hài lòng khi thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ.

Năm 2019, Sở TN&MT sẽ hoàn thiện Hệ thống Một cửa điện tử tại Sở có kết nối với Hệ thống Một  cửa điện tử Thành phố.  Duy trì, đổi mới việc cung cấp các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của thành phố, kết quả giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Sở để người dân có thể theo dõi, cập nhật.  Đồng thời, Sở cũng tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính không phù hợp;  hoàn chỉnh và trình UBND  thành phố ban hành bộ thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Đặc biệt, Ban Giám đốc Sở TN&MT luôn quán triệt quan điểm “Kỉ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành. Trong đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

 Để đảm bảo việc giải quyết khối lượng hồ sơ ngày càng lớn trong bối cảnh số lượng cán bộ không thay đổi, Sở sẽ phát động cán bộ công chức, nhất là đoàn viên thanh niên tăng giờ làm, làm thêm ngày thứ 7. Nếu hồ sơ xử lý chậm tiến độ, Sở sẽ có thư xin lỗi người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Ban Giám đốc Sở TN&MT cũng sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến phản ánh, góp ý của người dân qua số điện thoại Đường dây nóng và hộp thư điện tử để kịp thời xử lý, điều chỉnh.

Ông HỒ ĐỨC HỢP - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái: “Đột phá trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong năm 2019”.

Ông HỒ ĐỨC HỢP - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bá
Ông HỒ ĐỨC HỢP - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của ngành trên địa bàn tỉnh trong năm 2019, ngoài việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái xác định việc đột phá trong sắp xếp tổ chức bộ máy trong năm 2019 là nhiệm vụ quan trọng. Mặt khác, phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành trong năm 2019.

Trước hết phải tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/ 2017 của Ban chấp hành Trung ương theo chỉ đạo của tỉnh; trình Đề án thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Tiếp tục chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành khi thực hiện nhiệm vụ và giải quyết công việc đối với các tổ chức, đơn vị và công dân. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Sở so với năm 2018. Từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4 theo lộ trình.

Mặt khác, cần chấn chỉnh công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh; Thực hiện việc rà soát, thống kê xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về thực trạng quản lý, sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, không hiệu quả. Tiến hành rà soát hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản, đề xuất thu hồi Giấy phép khai thác đối với các dự án khai thác vi phạm theo quy định; rà soát các trường hợp đã có văn bản thỏa thuận hoạt động khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất xử lý, giải quyết các bước tiếp.

Hơn nữa, phải tiếp tục tập trung vào công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để xảy ra điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý việc khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, tiến tới cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác và xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; tăng cường công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các tổ chức thuê đất trồng rừng kinh tế, các dự án chậm đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư, các đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đóng trên địa bàn tỉnh, các dự án phát triển quỹ đất, các dự án thủy điện và công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đăng ký cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý hồ sơ địa chính tại thành phố Yên Bái...