Việt Nam tiên phong trong thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững

Trong nước - Ngày đăng : 16:47, 18/12/2018

(TN&MT) -  Sau 02 ngày làm việc tích cực và sôi nổi, Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại TP. Đà Nẵng đã bế mạc vào chiều ngày 18/12.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc hội nghị

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực (TT) Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự làm việc tích cực, sôi nổi của các đại biểu tham dự. Theo Phó Chủ tịch TT Quốc hội, những tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều có nội dung sâu sắc, mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và việc áp dụng Bộ công cụ nghị viện tự đánh giá.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng khẳng định cácNghị viện thành viên đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện  Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cho rằng, các mục tiêu SDGs, nhất là những mục tiêu liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường v.v… là các mục tiêu tốt đẹp, hướng tới sự công bằng, phát triển toàn diện của xã hội và điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của Việt Nam. 

Ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các SDGs
Ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các SDGs

Phó Chủ tịch TT Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới; hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để nội luật hóa các cam kết quốc tế hoặc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế; Việt Nam đã hoàn thành được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, phân công một phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nay cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ và thống nhất ý chí trong việc thực hiện SDGs.

Tuy vậy, việc thực hiện các SDGs ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách… cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước.

Hội nghị là dịp quan trọng để Quốc hội các đại biểu Quốc hội, tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động thực hiện SDGs
Hội nghị là dịp quan trọng để Quốc hội các đại biểu Quốc hội, tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động thực hiện SDGs

Phó Chủ tịch TT Quốc hội nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs và sử dụng Bộ Công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về các Mục tiêu phát triển bền vững; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam. Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam mong muốn IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững,“Không có ai bị bỏ lại phía sau” và Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả.

Hội nghị lần này là dịp quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cấp quốc gia, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.Những kết quả đạt được của Hội nghị sẽ là những tài liệu quan trọng, những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sử dụng trong quá trình tham gia hoạch định chính sách”- Phó Chủ tịch TT Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định.

Nhiều kiến nghị giải quyết các thách thức trong quá trình thực hiện SDGs được các đại biểu đề xuất trong hai ngày của Hội nghị
Nhiều kiến nghị giải quyết các thách thức trong quá trình thực hiện SDGs được các đại biểu đề xuất trong hai ngày của Hội nghị

Ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU đánh giá cao Việt Nam tổ chức Hội nghị lần này, nó cho thấy Việt Nam đang theo đuổi Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững hết sức mới, khẩn trương và đã đạt được nhiều thành tựu hiện thực hóa các mục tiêu SDGs về giảm đói nghèo, bình đẳng giới và ứng phó biến đổi khí hậu... Đặc biệt, Việt Nam đã huy động được sự tham gia của lãnh đạo các cấp từ Chính phủ đến HĐND các cấp trong việc thực hiện SDGs. Trong đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện các SDGs, đảm bảo rằng tất cả mọi đối tượng đều được thụ hưởng. IPU và UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trong thực hiện SDGs cấp khu vực và thế giới.
"Các mục tiêu SDGs là thật, chúng ta cần hành động hết sức khẩn trương, chúng ta chỉ còn 12 năm đến 2030 biến hành tinh bền vững hơn. Chúng tôi khuyến khích các Đại biểu HĐND và Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sử dụng bộ Công cụ đánh giá SDGs trong tương lai. Trong giai đoạn này, việc truyền bá các chính sách của Chính phủ, Quốc hội về các mục tiêu phát triển bền vững là rất quan trọng thông qua các thiết bị công nghệ số, media... đến nhiều nhóm người khác nhau, đặc biệt là nội dung SDGs. Việt Nam cũng cần có những cơ sở nguồn dữ liệu cụ thể hơn, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân hơn... Đây là những hướng đi hiệu quả, có lợi khi chúng ta áp dụng trong tương lai.”- Ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh.