Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phát huy nguồn lực đất đai để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững

Trong nước - Ngày đăng : 09:38, 09/12/2018

(TN&MT) - Phát biểu tại Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại Tây Nguyên do Chính phủ tổ chức sáng ngày 9/12 tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đánh thức các tiềm năng lợi thế để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước luôn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Trong đó, phát huy nguồn lực đất đai, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất của các nông, lâm trường gắn với giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho dân di cư tự do là một trong những vấn đề trọng tâm.
0912 ttg va cac pttg chu tri hn
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk ÊBan YPhu cùng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

 

Ba mục tiêu trọng tâm đối với công tác quản lý đất đai nói chung và đất đai của nông lâm trường nói riêng

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tây Nguyên không chỉ là trung tâm của khu vực Đông Dương, địa bàn chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, mà còn là vùng đất giàu tiềm năng phát triển với sự đa dạng về văn hoá; thiên nhiên ôn hoà, đất đai phì nhiêu với đất bazan (loại đất tốt nhất ở Việt Nam); diện tích đất rừng chiếm 18,3% cả nước với tính đa dạng sinh học rất cao. Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của các con sông lớn như Đồng Nai, sông Ba, sông SêSan với trữ năng thủy điện chiếm 21% cả nước (chỉ sau vùng Tây Bắc).

 

Đánh thức các tiềm năng lợi thế để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước luôn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Trong đó, phát huy nguồn lực đất đai, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất của các nông, lâm trường gắn với giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho dân di cư tự do là một trong những vấn đề trọng tâm.
 

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

 

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết s112 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

 

Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và 01 Chỉ thị chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong triển khai sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường.

 

Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thời gian qua công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên từng bướcđi vào nề nếp, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu đất ở cho nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và tăng thu cho ngân sách địa phương. Đã hoàn thành cấp Giấy chứng nhận đạt 92,4% tổng diện tích phải cấp. Đến nay, đã tiến hành rà soát là 122 công ty, trong đó: giữ lại là 108 công ty với diện tích 935 nghìn ha; giải thể và bàn giao về địa phương 144,6 nghìn ha.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực tài nguyên và môi trường nhất là nguồn lực đất đai chưa trở nguồn nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; còn nhiều vấn đề và thách thức cần phải quan tâm giải quyết một cách căn cơ.

 

Trăn trở trước những thách thức đặt ra đối sự ổn định và phát triển của vùng Tây Nguyên, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, đánh giá chính xác thực trạng, nhận diện đầy đủ các tồn tại, nguyên nhân, tìm các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện đặc thù, tập quán để thống nhất hành động. Trong đó, đối với công tác quản lý đất đai nói chung và đất đai của nông lâm trường nói riêng Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 3 mục tiêu trọng tâm:

 

Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; Giải quyết ổn định tình hình trật tự, an ninh chính trị thông qua việc đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân trong đó có đồng bào di dân tự do; Giải quyết căn bản tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá rừng, suy thoái đất đai, nguồn nước và môi trường.
 

NQH 2766
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

 

Nhận diện các vấn đề trọng tâm đối với công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát để nhận diện những vấnđặt ra đối công tác quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất nông, lâm trường nói riêng, nổi lên một số vấn đề:

Một là, diện tích đất rừng có xu thế giảm rất nhanh; trong giai đoạn 2005 – 2017 giảm khoảng 580 nghìn ha, riêng giai đoạn 2014 - 2017 đã giảm 395 nghìn ha. Đây là một thực tế đáng lo ngại trong bối cảnh Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương, là nơi bảo đảm sự bền vững của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; việc mất rừng sẽ dẫn rửa trôi, suy thoái đất đai, nguy cơ sạt lở, sụt giảm mạnh nguồn nước ngầm của Tây Nguyên.

 

Diện tích đất rừng giảm một phần do chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội; nhưng phần lớn là do công tác quản lý lỏng lẻo, để xảy tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác gỗ trái phép. Thu nhập từ rừng thấp hơn nhiều lần so với các mô hình sản xuất khác  trong khi chưa xác định được cụ thể “chỉ giới đường đỏ” trên thực địa khu vực rừng và đất rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nên người dân đã phá rừng để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (qua khảo sát so sánh ở Đắc Nông 1 ha trong một chu kỳ trồng keo 12-15 năm thu khoảng 50 triệu, trong khi trồng cây công nghiệp có nguồn thu khoảng từ 200 triệu đồng-2 tỷ đồng/ha). Ở một số nơi đã lợi dụng chủ trương cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng sản xuất đã phá rừng tự nhiên thành rừng nghèo kiệtđể tạo quỹ đất cho trồng rừng sản xuất.

 

Mô hình hoạt động của các Ban Quản lý rừng hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tế, trong khiđịa bàn có địa hình khó khăn, phức tp; tp trung nhiu đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng di dân tự do kéo dài và phân tán ra nhiều khu vc; nhn thc pháp luật nói chung và pháp luật vđất đai nói riêng còn hạn chế.

 

Hai là, các nông, lâm trường sau khi đã rà soát nhưng vẫn còn giữ lại quỹ đất quá lớn, vượt quá năng lực quản lý, sử dụng.  Mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất chưa thực sự thayđổi so với yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Hầu hết các công ty vẫn hoạt động theo mô hình trước đây hoặc dùng quỹ đất giữ lại để giao khoán, cho thuê, cho mượn với diện tích hơn 69 nghìn ha.

 

Lực lượng lao động hiện có của nhiều công ty rất hạn chế, đặc biệt là ở các công ty lâm nghiệp không tương xứng với diện tích giữ lại; bình quân khoảng 18 ha/người (bao gồm cả cán bộ quản lý); điển hình như: Công ty Đắk Tô là 1.123 ha/người; Công ty Đắk Hà là 5.687 ha/người; Công ty Kon Plông là 1.358 ha/người; Công ty Kông Chro là 992 ha/người; Công ty Chư Păh là 689 ha/người; Công ty Tam Hiệp là 713 ha/người; Công ty Đạ Tẻh là 653 ha/người...

 

Ba là, việc thực hiện chuyển từ giao đất không thu tiền sang thuê đất trả tiền hàng năm còn chậm, mới đạt 24% diện tích, còn nhiều diện tích chưa xác định xong hình thức giao đất hoặc thuê đất; một số công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoặc cổ phần hóa nhưng vẫn còn nhiều diện tích chưa chuyển sang thuê đất dẫn đến đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với diện tích đang sử dụng. Ví dụ như: Công ty Cà phê Đắk Uy sử dụng 493 ha, nộp ngân sách Nhà nước trong 5 năm từ 2014 - 2018 là 1,8 tỷ đồng; Công ty Cà Phê 734 sử dụng 732 ha nộp 1,7 tỷ đồng/5 năm; Công ty Kon P’Long sử dụng 55.404 ha nộp 106 triệu/5 năm; tại tỉnh Gia Lai có Công ty đang sử dụng trên 41.000 ha đất sản xuất nhưng năm 2017 chỉ nộp ngân sách nhà nước 3 tỷ đồng.

 

Việc lập phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường còn rất chậm; chủ yếu tập trung ở các nông, lâm trường trực thuộc các cơ quan Trung ương (trong tổng số 46/108 công ty trực thuộc các cơ quan Trung ương có 37 Công ty trước đây trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, 01 Công ty trực thuộc Bộ Công Thương vẫn chưa phê duyệt được phương án sử dụng đất).

 

Bốn là, tiếp tục phát sinh việc người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Một số khu vực đất xấu, tập quán canh tác lạc hậu, canh tác thiếu khoa học nên người dân cần nhiều đất hơn để sản xuất; nhiều hộ đã phải cầm cố, thế chấp không có khả năng chuộc lại hoặc sang nhượng trở thành các hộ không có đất sản xuất.

 

Năm là, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai xảy ra ở nhiều công ty nông, lâm nghiệp (với khoảng 40 vụ việc nổi cộm phức tạp kéo dài) dễ bị lợi dụng kích động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Trong đó, có 5 nguyên nhân chính là do: Việc giao đất cho nông, lâm trường trước đây chủ yếu trên giấy tờ mà không rõ ràng về ranh giới trên thực địa, nhiều khu vực khoanh bao và giao cả vào đất của người dân đang sinh sống từ trước;

 

Khi thực hiện việc cổ phần hóa công ty nông, lâm nghiệp, nhiều nông, lâm trường viên đòi lại diện tích đất trước đây họ đã góp đất vào nông, lâm trường; Tình trạng buông lỏng quản lý của các nông, lâm trường kéo dài, năng lực quản lý yếu kém của ban quản lý các nông lâm trường cùng với sự thiếu quan tâm của chính quyền cơ sở đã dẫn đến đất bị lấn, chiếm, phá rừng chuyển sang làm nương rẫy nhưng không được xử lý kịp thời, nhiều trường hợp đã chuyển nhượng qua nhiều lần dẫn đến khó giải quyết;

 

Tình trạng di cư tự do vẫn chưa được giải quyết căn cơ, thấu đáo nên người dân vẫn tiếp tục phá rừng để lấy đất sản xuất; Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; đặc biệt là vai trò chủ động của UBND các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất chưa phát huy.
 

Sáu là, diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chủ yếu nằm ở các tỉnh còn khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp trong khi kinh phí hỗ trợ hàng năm từ ngân sách Trung ương cho đo đạc, lập hồ sơ địa chính, lập phương án sử dụng đất thường nhỏ giọt, không tập trung. Nhiều tỉnh như Đắk Lắk các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao 126,5 nghìn ha nhưng chưa có kinh phí đo đạc lập bản đồ và xây dựng hồ sơ để quản lý, lập phương án sử dụng đất.
 

NQH 2709

 


Những đề xuất giải pháp và kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường
 

Để hiện thực hoá các mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần phải có những quyết sách căn cơ và đột phá để tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng phải được quản lý chặt chẽ, được giao cho những chủ thể sử dụng có hiệu quả; giải quyết nhu cầu về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư thiếu đất tại địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp sau đây:

 

Một là, rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất ... đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Xem xét lại năng lực bộ máy quản lý và cơ chế hoạt động của các nông lâm trường. Xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và dân di cư tự do để giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

 

Hai là xác định được cụ thể “chỉ giới đường đỏ” trên thực địa với khu vực rừng cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực xung yếu để giao trách nhiệm cho từng tổ chức, địa phương thực hiện bảo vệ; rà soát 180 nghìn ha đất chưa sử dụng để xác định khu vực có thể cải tạo để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ba là, rà soát tổng thể quỹ đất giữ lại của các công ty nông lâm nghiệp để đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý, mô hình quản trị. Thực hiện các biện pháp kiên quyết để các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển sang thuê đất, thu nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đảm bảo mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách; thu hồi phần diện tích dôi dư để dành quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và giải quyết vấn đề thiếu đất cho người dân.

 

Bốn là cần phát huy lợi thế quỹ đất tập trung với diện tích lớn của nông, lâm trường để phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, gắn với đổi mới các mô hình quản trị, mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến.

 

Năm là, các Bộ, cơ quan chủ quản chủ động chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc hoàn chỉnh phương án sử dụng đất, phối hợp với các địa phương thẩm định, phê duyệt; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh kiên quyết thu hồi để quản lý, sử dụng theo quy định.
 

Sáu là, tập trung nguồn lực để đến 2021 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng.

Kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định của pháp luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu sốđể đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

 

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiệnở địa phương; phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các địa phương tập trung giải quyết tranh chấp, xử lý vấn đề chồng lấn đất đai của nông, lâm trường và các vấn đề bức xúc trong thực tiễn.

 

Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa ph­ương, doanh nghiệp trong công tác quản lýđất đai, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

 

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để đến năm 2021 hoàn thành lập phương án sử dụng đất, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường để đưa vào quản lý và vận hành; đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên; Nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên.