Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Gia Lai cần phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học
Trong nước - Ngày đăng : 17:37, 01/12/2018
Phát biểu đóng góp với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự đánh giá rất cao nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Cũng như nhiều ý kiến của lãnh đạo các ban, bộ, ngành phát biểu, Bộ trưởng Trần Hồng hà cho biết, ở Gia Lai hiện nay tiềm năng chưa khai thác còn khá nhiều. Bộ trưởng đánh giá Gia Lai có vị trí địa khí hậu tương đương với Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng - đây có thể coi như một tài nguyên rất tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, tiềm năng về trữ lượng rừng của tỉnh Gia Lai đứng đầu Tây Nguyên và đứng thứ 3 cả nước, đây là điều không phải địa phương nào cũng có. Gia Lai có các vườn Quốc gia kết nối với khu vực và rất có giá trị về thổ nhưỡng, sinh thái, giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là những nguồn tài nguyên rất lớn, tiềm năng rất lớn để Gia Lai phát triển.
Về tài nguyên nước, dù đây đó vẫn còn thiếu nước cục bộ nhưng có thể nói Gia Lai cũng có nguồn nước tương đối đầy đủ, trong đó có những con sông lớn chảy qua liên tỉnh, liên quốc gia như Serrapok, Sê San, sông Bang… đó là những tiềm năng rất lớn của Gia Lai.
Đề cập dư địa rất lớn từ đất nông lâm trường chưa được tháo gỡ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chúng ta tháo gỡ được công việc này thì nhiều vấn đề mà Gia Lai báo cáo, kiến nghị Thủ tướng sẽ được giải quyết.
Lấy ví dụ có đơn vị quản lý một diện tích đất vô cùng lớn (khoảng hơn 40.000ha) mà mỗi năm nộp ngân sách tỉnh chỉ khoảng 3 tỷ đồng, như vậy có thể thấy tính hiệu quả của đất nông lâm trường là rất thấp. Ở góc độ này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết chúng ta cũng cần thấy trách nhiệm trong việc cơ cấu, sắp xếp lại các nông lâm trường và đặc biệt là quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường. Nhất là cá biệt ở những nơi có đến hơn 50.000ha đất đang tranh chấp, lấn chiếm khiến địa phương chưa kiểm soát được.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin: về vấn đề đất đai nông lâm trường, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chuẩn bị và chỉ đạo rất kỹ để xem xét đánh giá vấn đề này. Và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tham mưu, đề xuất những giải pháp báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ để có thể quản lý tốt đất nông lâm trường và đưa nguồn lực đất đai lớn này phục vụ phát triển kinh tế cho xã hội địa phương trong thời gian tới.
Và để quản lý tốt nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông lâm trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hiện nay sự tham gia quản lý, giám sát của người dân còn rất ít. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị có cơ chế để người dân có thể tham gia quản lý rừng, khai thác và hưởng lợi từ canh tác cây nông nghiệp, cây dược liệu dưới tán rừng…
Theo Bộ trưởng, ở Kon-Tum và nhiều nơi, sâm Ngọc Linh có chất lượng rất tốt, và ông cho biết mình cũng có suy nghĩ ở nhiều cánh rừng trên địa bàn Gia Lai thì sâm Ngọc Linh và một số dược liệu cũng rất tốt… vậy tại sao chúng ta không thử trồng và phát triển?. Nếu có thể phát triển dược liệu kèm với du lịch thì đây cũng là tiềm năng lớn của Gia Lai.
Đóng góp thêm về phát triển du lịch Gia Lai, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu chỉ tập trung trên địa bàn Gia Lai thì không thể tạo ra một kết nối khu vực, vì vậy Bộ trưởng cho rằng cần kết nối Gia Lai với khu vực Tây Nguyên, với vùng Duyên Hải và dần kết nối với cả khu vực ASEAN trong tương lai. Và như vậy, theo Bộ trưởng, cần phải tính toán và quy hoạch của Gia Lai nói riêng và toàn vùng nói chung để phát triển và đón nhiều hơn nữa du khách trong tương lai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong phát triển du lịch cần có các nhà quy hoạch tiếp cận để tính toán dưới góc độ bảo tồn sinh thái để vừa bảo tồn vừa phục vụ phát triển kinh tế cho đồng bào nơi đây. Bộ trưởng kiến nghị Gia Lai cần mạnh dạn mời các tổ chức, các nhà tư vấn có uy tín để có thể tư vấn cho địa phương hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn di sản, bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.
Một tiềm năng nữa, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một giá trị lớn nhất của Gia Lai đó là đang dạng sinh học và diện tích rừng tự nhiên của tỉnh nhà. Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta xác định đây là để phát triển du lịch sinh thái thì cần nhìn nhận trong một quy hoạch tổng thể. Đó là cần phát triển từ: Hệ thống hạ tầng giao thông; Hệ thống năng lượng tái tạo (bên cạnh hệ thống thủy điện); Phát triển nông, lâm nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Và trên cơ sở những tính toán đầy đủ về giá trị nông nghiệp, giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị về năng lượng tái tạo… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng trách nhiệm phát triển hạ tầng giao thông để khai thác các tiềm năng lớn đó có thể huy động các nguồn lực khác nhau để đầu tư mang lại hiệu quả. Hay nói cách khác, hiện nay các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả thì họ chưa đầu tư vào hạ tầng, giao thông Gia Lai vì vậy nếu có quy hoạch tốt, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, thì khi đó sẽ tạo sức hút lớn để các nhà đầu tư tính toán đầu tư vào Gia Lai…