Việt Nam sẽ đưa ra ý tưởng chiến lược xử lý rác thải nhựa trong ASEAN
Trong nước - Ngày đăng : 14:23, 22/11/2018
Đây là nội dung được thống nhất tại buổi tiếp và làm việc của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà với ông Justin Wood, Trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Thành viên của Ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào sáng ngày 22/11, tại Hà Nội.
Tham dự buổi tiếp, về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Văn phòng Bộ. Về phía WEF có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Dự án khu vực Châu Á Thái Bình Dương (WEF).
Chào mừng ông Justin Wood đến làm việc với Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng thời chúc mừng ông Wood và Ban Giám đốc WEF cùng Chính phủ Việt Nam đã tổ chức thành công diễn đàn WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội. Hiện Việt Nam đang tích cực triển khai các kết quả thiết thực từ diễn đàn này.
Để chuẩn bị cho Hội Nghị Thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) sắp tới, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng đã trở nên cấp bách. Chính phủ Việt Nam ý thức rõ ràng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển quốc tế và của Việt Nam. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, nếu không hành động ngay thì lượng rác thải nhựa bị thải ra biển của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, sẽ có tác hại rất lớn không chỉ tới tới môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển của Việt Nam mà còn có tác hại tới vùng biển các nước khác trong khu vực.
Chính vì vậy, trên các diễn đàn quốc tế, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và những sáng kiến của Việt Nam tại nhiều Diễn đàn quan trọng như Hội nghị G7 mở rộng tại Canada, cuộc họp Hội đồng quỹ Môi trường toàn cầu GEF tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ngoài ra, tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng các nước ASEAN về biến đổi khí hậu, Hội nghị cấp cao Môi trường, Tài nguyên nước tại Singapore vào tháng 7/2018, Bộ TN&MT cũng đã đưa ra sáng kiến về thiết lập các quan hệ đối tác khu vực được các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoan nghênh và ủng hộ.
Đánh giá cao các sáng kiến này của Việt Nam trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, ông Justin Wood đề xuất, trong Hội Nghị Thường niên tại Davos, Thủ tướng Chính phủ có thể đưa ra tuyên bố về việc lập cơ chế pháp lý thử nghiệm tại Việt Nam để phát hiện những giải pháp công nghệ mới về xử lý rác thải nhựa một bách bền vững hơn. Sáng kiến này có thể bao gồm việc thành lập các không gian thử nghiệm (chẳng hạn như tại một khu vực hoặc một thành phố), trong đó các cách tiếp cận mới và các công nghệ mới có thể được thử nghiệm trong một khung khổ pháp lý cởi mở và được đơn giản hóa, sau đó các thử nghiệm thành công sẽ được nhân rộng ra phạm vi quốc gia. Mục tiêu của sáng kiến này không chỉ là để xử lý vấn đề rác thải nhựa, mà còn là để thúc đẩy ASEAN trở thành một khu vực hàng đầu thế giới về xử lý rác thải nhựa với những giải pháp, công nghệ đổi mới và sáng tạo nhất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ý tưởng của WEF đề xuất rất phù hợp với dự kiến của Bộ TN&MT sẽ kiến nghị với Chính phủ. Với ý tưởng về chiến lược xử lý rác thải nhựa trong ASEAN, Việt Nam sẽ tập trung vào việc thay đổi nhận thức của người dân, đưa ra nguyên tắc xử lý rác thải nhựa theo phương pháp 3R, song hành với sự đổi mới về công nghệ.
Để các sáng kiến, ý tưởng đó được hiện thực hóa, Bộ trưởng đề nghị, Việt Nam sẽ kết hợp với nhóm chuyên gia của WEF cùng xây dựng các mô hình cụ thể, sau đó sẽ nhân rộng ra khu vực.
Bộ trưởng cũng bày tỏ quan điểm, Việt Nam ủng hộ và sẽ thuyết phục các nước trong khu vực ASEAN thiết lập một quan hệ đối tác về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Khi ấy, các quốc gia ASEAN cùng tham gia phát triển chiến lược xử lý vấn đề rác thải nhựa trong phạm vi toàn khu vực và xây dựng một Kế hoạch hành động cấp khu vực về quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó chú trọng đến tập hợp, chia sẻ các mô hình quản lý, sáng kiến công nghệ và các giải pháp tiên tiến của các quốc gia trên cơ sở huy động nguồn lực tài chính bền vững để thực thi một cách hiệu quả thông qua các diễn đàn chung và các công cụ truyền thông khác./.