Khoa học công nghệ là “chìa khóa” để khai thác, sử dụng hiệu quả năng lượng biển

Trong nước - Ngày đăng : 12:44, 02/11/2018

(TN&MT)- Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Diễn đàn về các tiến bộ về năng lượng biển do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tổ chức vào sáng 2/11, tại Hà Nội.
IMG 2448
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Phạm Duy Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Nguyễn Đức Khương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ireland tại Việt Nam Cáit Moran. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và 20 chuyên gia, nhà khoa học quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá về các ngành kinh tế biển, bao gồm năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

“Việc tổ chức Diễn đàn lần thứ nhất về tiến bộ năng lượng biển rất kịp thời, là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng biển của Việt Nam và thế giới trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phát triển năng lượng biển. Đồng thời, góp phần giúp các Bộ, ban, ngành của Việt Nam có thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về lĩnh vực này để xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương đã nêu trong Nghị quyết vừa được ban hành”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại Nghị quyết lần này đã xác định một số mục tiêu, tái cấu trúc lại tư duy trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, và kinh tế biển nói riêng. Trước đây, chúng ta hay nói tới khai thác dầu khí, khoáng sản, đánh bắt khai thác, tài nguyên biển… nhưng bây giờ là du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu toàn cầu, làm sao Việt Nam có hơn 1 triệu km2 biển thì phải có ít nhất 10% trong số đó phải giữ được tài nguyên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc hữu của Việt Nam và giá trị đa dạng sinh học trên thế giới”- Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia sử dụng trên 60 - 70% năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, việc tính toán năng lượng của biển dự trữ lớn cho sự phát triển Việt Nam nếu đánh giá đúng, tập trung, bước đi đúng nhất là phải sử dụng khoa học công nghệ như: khoa học về điều tra cơ bản, nhận biết giá trị, tiềm năng của biển, thách từ biển… để Nhà nước thấy nếu đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sẽ được những gì? Và có những chính sách gì để đầu tư, sử dụng cho hiệu quả.
 

a
Quang cảnh Diễn đàn

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ireland tại Việt Nam Cáit Moran cho rằng, vấn đề sử dụng năng lượng biển được Ireland hết sức quan tâm, đặc biệt vừa qua Chính phủ đã chi 22 tỷ đô la cho việc phát triển công nghệ bền vững trong vòng 10 năm tới, trong đó có nhiều công nghệ liên quan tới lĩnh vực này. Bà Cáit Moran mong muốn có sự hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ về vấn đề này.
 

Hiện nay, kinh tế biển xanh hiện đã dần trở thành xu thế toàn cầu, hầu hết các quốc gia công nhận đây là mô hình để phát triển bền vững biển, trong đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những điểm mấu chốt. Đánh giá về năng lượng biển, theo Tổ chức OECD, năng lượng gió và công nghệ biển xếp thứ 03. Tại Hội nghị quốc tế tại Ba-li, Indonesia trong các ngày 29-30/10/2018 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ECB cho biết năng lượng gió ngoài khơi là điểm sáng của kinh tế biển, mang lại giá trị 3,6 tỷ euro.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, định hướng phát triển điện gió đạt 1% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và 5% vào năm 2050; định hướng phát triển nguồn năng lượng mặt trời đạt 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 30% vào năm 2050.