Hà Tĩnh: Tháo gỡ những “rào cản” trong cải cách thủ tục hành chính

Trong nước - Ngày đăng : 16:55, 26/10/2018

(TN&MT) - Được ghi nhận, đánh giá cao trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhưng Hà Tĩnh vẫn đang gặp phải những rào cản. Trong đó, việc thực hiện đồng bộ, liên thông giữa các ngành, các cấp chưa thể tháo gỡ trong trong một sớm, một chiều.

Huyện, thị kêu khó

Theo ý kiến của đại diện các huyện, thị xã tại Hà Tĩnh, trong năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong thực hiện cải cách hành chính tại địa phương, nâng cao được hiểu quả, chất lượng phục vụ, giảm thời gian. Thế nhưng, quá trình thực hiện nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, kỹ năng công tác, kiến thức hành chính còn hạn chế.

Hà Tĩnh hướng tới tất cả các thủ tục hành chính được giao dịch tại Trung tâm Hành chính công
Hà Tĩnh hướng tới tất cả các thủ tục hành chính được giao dịch tại Trung tâm Hành chính công

Ông Phạm Văn Hùng - Trưởng Phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh cho biết: Năm 2016, trung bình mỗi tháng Phòng TN&MT thị xã giải quyết hơn 1.500 bộ hồ sơ. Nhìn vào mặt bằng chung của tỉnh thì có thể chúng tôi đứng sau cùng nhưng nếu căn cứ vào bình quân số lượng công chức làm việc hiện có thì không có đơn vị nào của tỉnh theo kịp. Vì lý do con người nên thị xã Kỳ Anh không thể nỗ lực hơn được trong thực hiện cải cách hành chính.

Vẫn theo lời ông Hùng, từ khi tách huyện Kỳ Anh thì thị xã Kỳ Anh vẫn chưa lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, số công chức làm việc tại phòng TN&MT chỉ có ba người. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Sở Nội vụ thì không sử dụng lao động hợp đồng.

Đại diện Phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh cho rằng cần sớm thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất vì công việc lĩnh vực quá nhiều. Mặt khác, thị xã Kỳ Anh có khu kinh tế Vũng Áng với lượng công việc cần tập trung giải quyết rất lớn, đề án công chức của cấp phòng phải là 11 người nhưng chúng tôi chỉ có ba người nên cần phải bổ sung thêm công chức.

Cùng nêu ra ý kiến, ông Nguyễn Xuân Quyền - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hương Khê cho rằng: Khó khăn lớn nhất của địa phương là về con người. Trong khi yêu cầu đặt ra giảm biên chế nhưng lại rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Ông Đặng Ngọc Sơn- PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẽ về công tác thực hiện CCHC tại địa phương
Ông Đặng Ngọc Sơn- PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẽ về công tác thực hiện CCHC tại địa phương

Chỉ ra những rào cản, ông Quyền cho biết: “Phòng một cửa được phân công một người phụ trách tiếp nhận, chỉ thông thạo một lĩnh vực nhưng nhiệm vụ được giao lại phải bao quát rất nhiều lĩnh vực. Do đó, chỉ nhận mà không thẩm định được hồ sơ, rất nhiều hồ sơ khi được chuyển đến phòng chuyên môn phải trả lại, mất thêm thời gian giải quyết; Cơ sở vất chất khó khăn như hệ thống xử lý điện tử, điện tử liên thông chưa thể đáp ứng; Cán bộ cấp xã kiểm soát hồ sơ rất yếu chuyên môn, phải mất nhiều thời gian hướng dẫn, làm lại…

Ngoài ra, đại diện nhiều đơn vị cấp huyện, thị cũng chỉ ra những bất cập trong quy định giữa các ngành còn có sự chồng chéo, khi thực hiện các thủ tục liên thông chưa thống nhất. Việc thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các cấp cần xem xét tháo gỡ những rào cản. Đại diện các đơn vị cũng thừa nhận việc thực hiện cần phải có lộ trình, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Khắc phục những “lỗ hổng”

Báo cáo về kết quả công tác cải cách hành chính 8 tháng đầu năm 2018, đại diện các Ban, ngành của Hà Tĩnh cũng đã nhận thấy những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là việc thực hiện giải quyết TTHC liên thông chưa đáp ứng yêu cầu và chưa xây dựng quy trình thông suốt, đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, kiến thức hành chính còn hạn chế; thái độ chưa đúng mực, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa kịp thời…

Nhìn nhận về những vấn đề cần phải khắc phục, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng: Tài nguyên và Môi trường là lĩnh vực rộng và nhạy cảm, nhất là đất đai có tính chất phức tạp do lịch sử để lại, hồ sơ quản lý không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, một số vụ việc khiếu nại, tranh chấp kéo dài, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính chưa thực hiện được, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến công tác cải cách hành chính cũng như kết nối liên thông giữa các ngành Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Kho bạc Nhà nước. Một số thủ tục còn rườm rà, chưa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp cần được sớm có giải pháp.

Mục tiêu đặt ra trong CCHC là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp
Mục tiêu đặt ra trong CCHC là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp

Để triển khai có hiệu quả hơn trong cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có định hướng, vạch ra những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, trong đó: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 của tỉnh mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6; Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, coi đây là khâu đột phá tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách tổng thể nền hành chính nhà nước;

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kinh phí hành chính; triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành; nâng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của cấp sở và cấp huyện;...

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất nhiều nội dung liên quan đến Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó  kịp thời cập nhật các Văn bản, TTHC để công bố các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để địa phương có căn cứ thực hiện; sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ...

“Phát huy dựa trên những kết quả đạt được trong cải cách TTHC, Hà Tĩnh đang tiếp tục khắc phục khó khăn, trong đó coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng và hiệu quả quản lý nhà nước làm thước đo hiệu quả cải các TTHC, hướng đến một nền hành chính hiện địa”, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.