Giải pháp nào xử lý rác thải nhựa?

Trong nước - Ngày đăng : 21:39, 12/10/2018

(TN&MT) - Ngày 12/10, tại trụ sở Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội thảo chuyên đề về xử lý rác thải nhựa. Tham dự có đại diện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước...

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, giảm thiểu chất thải nilon đã trở thành vấn đề cấp bách và trước hết là với sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy. Vấn đề này đã được Đảng và Chính phủ chỉ đạo, Thủ tướng cũng đã có thông điệp và cam kết với cộng đồng quốc tế chống lại ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilong. Để thể hiện quyết tâm này, Bộ TN&MT đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa và tổ chức hội thảo chuyên đề quản lý chất thải nhựa và túi nilon.
 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu đều khẳng định, chúng ta có những kế hoạch nhất định trong thực hiện chủ trương nhằm ngăn ngừa giảm thải chất thải nhựa và túi nilon vào môi trường tự nhiên, đã kiểm soát ÔNMT do chất thải nhựa trong sinh hoạt. Tuy nhiên vấn đề ÔNMT do chất thải nhựa và túi nilon vẫn còn rất phức tạp. Việc loại bỏ chất thải nhựa và túi nilon là không dễ dàng bởi chưa tìm ra được sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn để thay thế; những sản phẩm đó vẫn được sử dụng do nhận thức của chúng ta từ những nhà sản xuất và người tiêu dùng về chất thải nhựa và túi nilon còn nhiều bất cập, về thói quen sử dụng chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy của cộng đồng dân cư còn khá phổ biến. Ngoài ra, cơ chế chính sách, công nghệ tái chế và sử dụng xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập…

Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các văn bản luật

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền  - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cuc Môi trường), Nếu trung bình khoảng 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2.500.000 tấn/năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh nếu như năm 1990 là 3,8kg/năm/người thì đến năm 2015 là 41kg/năm/người. Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì.

Lượng rác thải nhựa ngày một tăng, trong khi đó, việc xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để xử lý rác thải nhựa ông đề xuất các cơ quan quản lý cần triển khai có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; Sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy).

Ngoài ra, cần sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng CP về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao. Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, các nhân thực hiện nghiêm túc Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.

Xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa tập trung; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; thúc đẩy hơn nữa việc thu thuế BVMT đối với các loại túi nilon khó phân hủy ….

Công nghệ xử lý nào phù hợp?

Bên cạnh những giải pháp nêu trên ông Hiền cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc khuyến khích áp dụng các công nghệ mới trong xử lý, tái chế chất thải nhựa. Đồng quan điểm này các đại biểu cho rằng, hiện nay việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với CTR sinh hoạt được thu gom rồi đem chôn lấp, đốt. Chỉ một số ít được tái chế nhưng việc tái chế cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi rường. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu tìm kiếm công nghệ phù hợp với Việt Nam.

Về vấn đề này ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty New Technology Limited cho rằng, hiện tại Việt Nam cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường. Xu hướng thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân. Đây là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.

Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt-hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất hiện tại và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán “năng lượng tái tạo” khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm “năng lượng xanh” như dầu và than nhiên liệu.

 Công nghệ nhiệt phân đã được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu của các cơ sở khoa học như Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng công nghệ này vẫn chưa phải là tối ưu.
 

f
Toàn cảnh Hội thảo

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Một giải pháp nữa được nhiều đại biểu nhắc tới trong hội thảo là phải tập trung nâng cao ý thức của cộng đồng, thay đổi hành vi của người dân. Theo bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), rác thải nhựa hiện nay đang là nguy cơ đe dọa suy giảm các hệ sinh thái và ảnh ưởng đến đời sống của người dân. Các cam kết và giải pháp hành động hiện nay cần tập trung nhiều hơn vào huy động sự tham gia của các bên liên quan như cộng đồng dân cư ven biển, khối doanh nghiệp. Bởi chỉ làm sạch biển là không đủ, phải có những giải pháp từ nguồn phát thải rác nhựa.

MCD sẵn sàng là cầu nối nâng cao nhận thức của cộng đồng, nỗ lực đề xuất thêm nhiều sáng kiến, mô hình thí điểm nhằm xử lý ô nhiễm biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng. “Hiện nay, rác thải nhựa trôi ra sông, ra biển chưa phải là đối tượng được tính đến trong các nỗ lực thu gom, phân loại. Chúng tôi đang tập trung tìm kiếm giải pháp để xử lý, như kêu gọi và tuyên truyền người dân đổ rác đúng nơi quy định, đặt các thùng rác quanh khu vực bờ biển; làm thế nào để kêu gọi các đơn vị công ích, doanh nghiệp tư nhân đưa loại rác thải này vào kế hoạch thu gom, phân loại tái sử dụng…” – bà Huệ nhấn mạnh
 

Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD)
Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD)

Trước những ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, rác thải nhựa chỉ được giải quyết khi chúng ta thực hiện đồng bộ 4 giải pháp. Đó là, phải  sửa đổi các văn bản luật liên quan đến vấn đề rác thải nhựa.  Phải có được công nghệ xử lý rác thải nhựa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Có phương pháp kiểm soát, giám sát xã hội, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời tuyên truyền cơ chế chính sách pháp luật, mô hình sử dụng công nghệ có hiệu quả cao, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và sử dụng chất thải nhựa, túi nilon một cách hợp lý, khuyến khích, các công ty sản xuất bao bì nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Hiện nay Bộ cũng chỉ đạo TCMT tiến hành đẩy mạnh việc xử lý rác thải nhựa nói chung, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế xúc tiến các dự án hợp tác về xử lý chất thải biển và đại dương trong đó có kế hoạch quốc gia về rác thải nhựa. Tới đây, Bộ TN&MT sẽ tổ chức một hội thảo chuyên về công nghệ xử lý rác thải nhựa qua đó tìm kiếm mô hình phù hợp cho từng cấp tỉnh, cấp huyện.