Đà Nẵng - Thành phố Xanh Quốc gia

Trong nước - Ngày đăng : 11:54, 31/08/2018

(TN&MT) - Ngày 31/8, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố danh hiệu Đà Nẵng là Thành phố Xanh Quốc gia Việt Nam năm 2018 do Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) trao tặng. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền thành phố và người dân Đà Nẵng đang thực hiện để trở thành một đô thị phát triển xanh, bền vững.
Đại diện WWF trao biểu tượng Thành phố Xanh Quốc gia Việt Nam năm 2018 cho Đà Nẵng
Đại diện WWF trao biểu tượng Thành phố Xanh Quốc gia Việt Nam năm 2018 cho Đà Nẵng

Chương trình "Thành phố Xanh Quốc tế" là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm nay có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia trên thế giới dự thi "Thành phố Xanh Quốc tế", trong đó Việt Nam có 3 thành phố Đà Nẵng, Đông Hà và Hội An tham gia và cả 3 đã vượt qua vòng loại cùng 37 thành phố khác trên toàn cầu.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi truờng”. Trong đó mục tiêu, tiêu chí Đề án cũng đã tính đến “Thành phố Xanh” mà Quốc tế đang hướng đến. Nhiều dự án, nhiệm vụ, công trình trọng điểm về bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ được triển khai. Để thích ứng và giảm thiểu các tác động của BĐKH, Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3583/QĐUBND ngày 03/7/2017 về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017- 2020, trong đó chú trọng đến các hành động giảm nhẹ để góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết tham gia trong giai đoạn trước năm 2021. 

Năm 2016, xét thấy mục tiêu hướng đến của Chương trình “Thành phố Xanh” do WWF khởi xướng phù hợp với kỳ vọng của người dân về một thành phố môi trường, UBND TP đã quyết định tham gia và giao Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp nghiên cứu hồ sơ đăng ký.

Đà Nẵng - Thành phố Xanh quốc gia Việt Nam năm 2018
Đà Nẵng - Thành phố Xanh quốc gia Việt Nam năm 2018

Tham gia cuộc thi, Đà Nẵng đã gây ấn tượng với ban giám khảo bởi các giải pháp tiếp cận toàn diện và tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khi hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra. Giảm 25% lượng phát thải các-bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016, là cam kết mà thành phố đưa ra khi tham gia cuộc thi. Để thực hiện điều này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều sáng kiến tập trung vào năng lượng sạch như lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học, đặc biệt một nhà máy chế biến rác thải đô thị thành năng lượng đang được khởi xướng xây dựng; hay phát triển giao thông xanh như dự án xe buýt nhanh, đi xe chung và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố.

“Được ghi nhận là Thành phố Xanh Quốc gia năm 2018, Đà Nẵng có cơ hội để kết nối, thúc đẩy các bên liên quan như chính quyền, tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng cùng hành động mạnh mẽ và thường xuyên hơn nữa, hướng đến mục tiêu Thành phố môi trường mà địa phương đang phấn đấu thực hiện”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định.

Những năm qua, mặc dù thành phố tiếp tục đô thị hóa, dân số tăng, dịch vụ sản xuất tăng và các phương tiện ô-tô tăng, nhưng chỉ số ô nhiễm không khí được kiểm soát và giảm dần. Năm 2016, độ ô nhiễm không khí (API) ở khu vực nội thị là 59/100, năm 2017, giảm xuống 58/100.

Ông Đặng Quang Vinh- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, cho biết: “Trong năm 2018, sẽ bảo đảm 85% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường, trong đó có 70% nước thải xử lý đạt yêu cầu; giám sát chặt chẽ các nguồn thải vào các lưu vực sông Hàn, sông Phú Lộc, sông Cu Đê và ven biển thành phố, kể cả nguồn thải từ các phương tiện giao thông đường thủy; từng bước thay thế sử dụng nước ngầm, trước mắt, chú trọng đến khu vực Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, tỷ lệ tái sử dụng nước đối với nguồn thải từ hoạt động lưu trú ven biển đạt 15%; thu gom, xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn xây dựng trong đô thị phát sinh…”.

Danh hiệu Thành phố Xanh quốc gia là sự ghi nhận xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền TP và người dân Đà Nẵng đang thực hiện
Danh hiệu Thành phố Xanh quốc gia là sự ghi nhận xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền TP và người dân Đà Nẵng đang thực hiện

Ông Marco Lambertini- Tổng giám đốc của WWF Quốc tế phát biểu: “Các thành phố có thể là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho một thế giới bền vững. Những chính sách khí hậu tiến bộ của chính quyền địa phương sẽ giúp giảm tác động của giao thông, nhà ở và các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon khác lên tới môi trường, qua đó, tạo nên những thành phố xanh hơn, khoẻ mạnh hơn và đáng sống hơn cho con người.”

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF-Việt Nam chia sẻ, vài năm trước đây số lượng loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà chỉ vài chục con, tuy nhiên, theo thống kê được thực hiện mới đây, số lượng loài này đã tăng lên gấp 4-5 lần. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng trong vấn đề bảo vệ môi trường sống, tạo nên thành phố xanh hơn.

“WWF-Việt Nam vui mừng với danh hiệu Thành phố Xanh của Đà Nẵng. Như vậy, cùng với thành phố Huế, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Nẵng đang trở thành những thành phố tiên phong và truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững.”- ông Văn Ngọc Thịnh cho biết.

Được biết, danh hiệu này cho phép Đà Nẵng, cùng 21 thành phố khác trên thế giới tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế để chọn ra một thành phố xuất sắc đạt giải Thành phố Xanh Toàn cầu. Các thành phố Xanh Quốc gia 2018 bao gồm: Belo Horizonte (Brazil), Guadalajara (Mexico), Magdalena (Peru), Quito (Ecuador), Yasothon (Thailan), Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ), Melaka (Malaysia), Rajkot (Ấn Độ), Yokohama (Nhật Bản); Dar es Salaam (Tanzania), Jakarta (Indonesia), Moteria (Colombia), Santiago (Chile), Cleveland (Mỹ); Kampala (Uganda), Pachalum (Guatemala), Upsala (Thụy Điển), eThekwini (Nam Phi), Karachi (Pakistan), Pasig (Philippines), Vancouver (Canada) và Đà Nẵng (Việt Nam).