Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội
Trong nước - Ngày đăng : 15:30, 04/06/2018
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà dự kiến kéo dài đến gần hết buổi sáng mai 5/6. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng sẽ làm rõ một số nội dung như: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long...
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Hiện đã có 66 vị Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục thực hiện "hỏi nhanh đáp gọn" để có thể trả lời được câu hỏi của nhiều vị Đại biểu Quốc hội
Phát biểu trong 5 phút trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi của các vị Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự cám ơn chân thành đến Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã cho ông có cơ hội được đứng trên diễn đàn Quốc hội để trả lời và làm rõ thêm các vấn đề của ngành Tài nguyên và Môi trường mà các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần đầu tiên của ông trước Quốc hội vào năm 2017, khi đó, tình hình của ngành Tài nguyên và Môi trường hết sức khó khăn.
Sau khi chất vấn, với những ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc cụ thể của các đại biểu, tình hình hiện nay của ngành Tài nguyên và Môi trường đang từng bước phát triển đáp ứng được yêu cầu của các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
"Chính vì vậy, có thể nói đây là giai đoạn mà ngành Tài nguyên và Môi trường chúng tôi đã đang và sẽ chuyển từ bị động sang thời kỳ hết sức chủ động trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng, hiện nay đã có cơ sở rất quan trọng đó là Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong đó nhấn mạnh đến đổi mới các mô hình phát triển.
Để thực hiện tốt việc này, Ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thể hiện rõ vai trò tiên phong trong công tác này. "Tôi xin dành thời gian để lắng nghe, trả lời và đặc biệt là cung cấp thông tin đến với các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Mở đầu phiên chất vấn, các Đại biểu: Hoàng Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên); Lê Công Đỉnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An); Lê Công Nhường (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL; công nghệ, mô hình xử lý tình trạng rác thải cho các địa phương...
Trả lời câu hỏi của các Đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng trên 90% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp...
Về giải pháp và trách nhiệm, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...
Đối với vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể giữa các công trình thủy lợi tác động đến dòng chảy; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu...
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên): Thưa Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã có nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra, việc xử lý chưa hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất sinh hoạt của nhân dân, nhất là trên các sông như: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Cầu, sông Đồng Nai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước tiên tôi xin cảm ơn ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Hùng. Tôi nhận thấy rằng, ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông và đặc biệt trong những tháng vừa qua nổi lên đó là một xu thế hiện nay chúng ta chưa làm cho đảo ngược được. Trong đó, có 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là chúng ta có thể làm được đó là các nguồn thải từ các nhà máy khu công nghiệp thì trong thời gian vừa qua về cơ bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành địa phương đã kiểm soát cơ bản các nguồn thải này và đồng thời có những biện pháp rất cụ thể để yêu cầu xử lý đạt tiêu chuẩn và giám soát kiểm soát trước khi thải ra môi trường. Điều này chúng ta có thể làm được. Riêng có một điều hiện nay rất khó khăn đó là do quá trình phát triển, cơ sở đầu tư hạ tầng chúng ta chưa chú ý đến khâu thu gom nguồn nước thải, nước thải, nước mưa lẫn với nhau, gần như hạ tầng các đô thị hiện nay rất yếu kém, trong đó, hiện nay khoảng trên 90% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống trên thực tế với công nghệ cũ lạc hậu biến tướng để tham gia vào khu vực này với năng lực và điều kiện hạn chế nên chúng ta chưa kiểm soát được hết các làng nghề tại các cụm công nghiệp. Đây là các lý do mà nguồn lực đầu tư từ nhà nước có hạn, vấn đề làm rõ trách nhiệm với từng địa phương, địa phương nào có trách nhiệm đến đâu thì hiện nay đã có cơ chế do ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng trên thực tế trong thời gian vừa qua đã có tiến bộ bước đầu xác định địa phương nào có nhiều nguồn nước thải, địa phương nào có điều kiện kinh tế khá lâu và các địa phương phải lo xử lý nguồn nước tại nguồn. Hiện nay, đối với các nguồn thải, với cơ chế này, thời gian tới chúng ta sẽ xác định nguồn nước thải của từng địa phương và có cơ chế đối với trách nhiệm của địa phương. Hà Nội hiện đã có cơ chế huy động xã hội hóa đầu tư tư nhân vào áp dụng công nghệ phù hợp và đã tiến hành xử lý được và đang dự kiến đến năm 2020, tư nhân hóa để tham gia vào xử lý nước thải với sự hỗ trợ bù giá của TP Hà Nội bên cạnh chi phí hiện nay còn rất thấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất các giải pháp: Thứ nhất, xác định từng thành phố phải chịu trách nhiệm nguồn thải của mình. Thứ hai, có sự đầu tư huy động các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải này và có những công nghệ thích hợp xử lý, phân tán và xử lý chung. Thứ ba, từng bước để người dân tham gia vào công việc này, chi phí xử lý nước thải hiện nay chỉ đóng góp khoảng 7% trong chi phí xử lý rác. Như vậy, với trách nhiệm cụ thể ở từng địa phương, chúng ta sẽ có hệ thống giám sát ở các địa phương, trên cơ sở đó, với cơ chế đầu tư, trách nhiệm từ nguồn lực nhà nước cũng như là cơ chế để xã hội hóa, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề trong tương lai gần.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với Hà Nội để đánh gia vai trò liên quan đến nội dung nước thải ở từng địa phương và sẽ cung cấp các công nghệ cần thiết.
Giải pháp phòng ngừa xói lở bờ sông
Đại biểu Lê Công Định (Long An): Tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cử tri rất bất an và lo lắng về vấn đề này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa và khắc phục vấn đề này?
Liên quan đến vấn đề ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL, Trung ương có Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013, Quốc hội có Nghị quyết 853 vào ngày 5/12/2014. Tuy nhiên đến nay kết quả huy động quản lý sử dụng tài chính ngân sách và các nguồn lực khác cho việc ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả ở địa phương, đặc biệt ở ĐBSCL đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực vốn quốc tế được hỗ trợ cho việc ứng phó với BĐKH trong giai đoạn hiện nay như thế nào và giải pháp huy động trong thời gian tới ra sao? Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, nếu nói về ĐBSCL hiện nay Bộ TN&MT đã trình Chính phủ nghiên cứu đánh giá về tổn thương của không chỉ một dự án mà có đến 2 dự án đã có đánh giá. 60% lượng cát và phù sa bị giữ lại ở các nước thượng nguồn qua các hồ đập thủy điện. Chúng ta đang đấu tranh để giải quyết việc đưa phù sa về xuống dưới hạ nguồn, tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản.
Nguyên nhân thứ hai, hiện tượng quản lý khai thác cát rất lỏng lẻo. Việc cát tặc đang lộng hành gây ra vấn đề xói lở.
Nguyên nhân tiếp là quy hoạch thủy lợi, quy hoạch giao thông. Trong đó, sự tham gia giao thông với mật độ như thế nào hoặc công trình thủy lợi như thế nào để có thể giải quyết được trên một bình diện tổng thể để những nơi xói lở nhiều phải mở rộng dòng chảy của bờ sông.
Trước tình hình trên, theo tôi cần có 3 giải pháp.
Thứ nhất, Bộ TN&MT sẽ làm tốt khâu trình chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, kiểm soát khai thác cát bờ sông và lưu vực, và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt các địa phương, quận, huyện, phường, xã. Giải pháp thứ 2 là quy hoạch tổng thể khi xem xét, đánh giá, tìm mối quan hệ giữa các công trình và đặc biệt khai thác tác động như thế nào đến dòng chảy và sạt lở. Giải pháp cuối cùng là khoanh định vùng cấm, tập trung vào những khu vực có thể bảo vệ và cả những khu vực không thể bảo vệ.
Ngoài các giải pháp chính trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng cần có các giải pháp về xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời đấu tranh với các nước thượng nguồn sông Mê Công, sông Hồng; kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để sử dụng bền vững nguồn nước chung các hệ thống sông...
Bộ TN&MT sẽ xem xét và xử lý ô nhiễm bãi rác cũ
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định):
Đất và nước là hai lĩnh vực quan trọng đối với mỗi quốc gia và mỗi con người nhưng hiện nay đất và nước đều bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, phần lớn là do rác thải. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của các chính quyền địa phương cũng như lãng phí vì đã đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.
Sau kỳ họp thứ 2 quốc hội 14 cử tri đã kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu chính phủ ban hành quy định hướng dẫn, lựa chọn công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam và giới thiệu mô hình ở các địa phương thực hiện. Chính phủ đã trả lời giao Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì thẩm định và đánh giá công nghệ để đề xuất.
Vậy xin hỏi Bộ trưởng, đến nay giữa hai Bộ TN&MT và Bộ Khoa học & Công nghệ đã thực hiện ý kiến của chính phủ cho phép công nghệ mô hình để giới thiệu cho các địa phương chưa? Nếu có, để sát thực tế, tôi kính đề nghị Bộ TN&MT và Bộ Khoa học & Công nghệ hướng dẫn lựa chọn công nghệ và giá trị mô hình xử lý rác thải trong một xã khoảng 30 ngàn dân. Ngoài ra, Chính phủ cũng sớm tìm giải pháp xử lý số liệu…thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…để phù hợp với thực tế hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay chúng ta chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm đất, nguồn nước. Vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay. Với cương vị Bộ trưởng Bộ TN&MT, tôi nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề này có liên quan đến nhiều Bộ ngành như: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quy hoạch, Bộ Khoa học & Công nghệ phụ trách về công nghệ. Các Bộ đã đưa ra cơ chế để phối hợp, thống nhất đề xuất trình Thủ tướng ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải ngay trong tháng 5/2018 trên quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và đặc biệt chú trọng đến công nghệ xử lý rác, trong đó tính toán đến tính phù hợp của các điều kiện kinh tế ở đô thị cũng như ở địa phương. Đặc biệt, nhấn mạnh việc sẽ kiểm soát rác thải nhựa trong thời gian vừa qua chúng ta biết.
Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề vướng mắc nhất đó là các công nghệ xử lý chất thải rắn của các nước là họ đăng cai bởi vì họ có sự phân loại ngay từ đầu nguồn. Bộ trưởng cho rằng cần phải tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác và phân loại đầu nguồn, lúc đó công nghệ xử lý rác vừa có thể thành phân hữu cơ, vừa có thể thành điện và cuối cùng tỷ lệ rác phát sinh như hiện nay đặt mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7%. Ngoài ra, các bãi rác cũ hiện đang chiếm quỹ đất rất lớn và ô nhiễm, do đó, Bộ TN&MT sẽ xem xét và xử lý ô nhiễm.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước):
Cử tri cả nước hiện nay rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc doanh nghiệp liên tục xả thải trộm cũng như giải pháp xử lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có mấy nguyên nhân cơ bản như sau. Thứ nhất là do chủ trương thu hút đầu tư của chúng ta làm xuất hiện những doanh nghiệp có năng lực và trình độ xử lý chất thải còn kém. Thứ hai là do khả năng kiểm tra, giám sát của chúng ta vẫn chưa được đầy đủ. Các doanh nghiệp này, trên thực tế, ngành tài nguyên môi trường ở cấp Trung ương cũng không kiểm soát hết. Thứ ba là giải pháp phòng ngừa của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề. Trước đây do chưa lường trước hết được nên chúng ta chưa yêu cầu giám sát thực tiễn nên công nghệ xử lý rác thải của nhiều doanh nghiệp không đảm bảo. Đây là bài học mà chúng ta phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất là ngay từ khâu đánh giá tác động môi tường, phân loại lĩnh vực đầu tư sản xuất chúng ta phải phân loại được lĩnh vực nào có tiềm năng ô nhiễm cao để xác định đâu là doanh nghiệp cần quan tâm, quản lý chứ không thể quản lý không có đối tượng như hiện nay. Thứ hai là phải áp dụng các biện pháp công nghệ, phải yêu cầu các khu vực khó giám sát phải có quan trắc tự động để chuyển tới các cơ quan quản lý. Có như vậy, khi sai phạm phát sinh, chúng ta sẽ phát hiện kịp thời. Thứ ba là nâng cao chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường. Hiện nay việc thanh, kiểm tra không hiệu quả. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp khi nghe tin đoàn kiểm tra đến thì nghiêm chỉnh chấp hành nhưng khi đoàn kiểm tra về thì lại ngang nhiên xả thải. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh công tác thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Thứ tư là nếu danh nghiệp liên tục tái phạm, công nghệ không đáp ứng thì yêu cầu tạm dừng hoạt động. Bốn giải pháp nếu trên là những giải pháp trước mắt. Còn tương lai, chúng ta phải phân loại được dòng đầu tư (từ công nghệ sản xuất cho đến giám sát) và công tác hậu kiểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre):
Công tác quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam hiện nay chưa thật hiệu quả. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để đưa chất thải nguy hại vào nước ta. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nguyên nhân cũng như giải pháp để siết chặt thực trạng trên?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhiều nước trong khu vực hiện nay đã nói không với nhập khẩu phế liệu. Hiện nay mặc dù chúng ta có nhiều quy định và kiểm soát về nhập khẩu phế liệu nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều con đường để phế liệu gây ô nhiễm vào Việt Nam. Vì thế tôi cho rằng, chúng ta cũng nên tính đến lộ trình để có thể lựa chọn. Nếu phế liệu nào có lợi ích cho việc sản xuất thì chúng ta nhập, còn phế liệu nào có nguy cơ ô nhiễm cao thì chúng ta phải cương quyết nói không. Tôi hoàn toàn đồng tình là sắp tới các quy định về nhập khẩu phế liệu phải cụ thể hơn. Trước đây chúng ta khá cởi mở đối với vấn đề này nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác và chúng ta phải thay đổi. Nhiều nước như Thụy Điển họ vẫn nhập phế liệu và tái chế sử dụng nó vì nhiều mục đích khác nhau. Thế nhưng ở trình độ công nghệ của chúng ta, việc này chưa thể làm được.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) chất vấn: Do nhu cầu phát triển, nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư, nhiều địa phương đã giao hàng vạn hecta đất cho tổ chức, doanh nghiệp xây dựng khu đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt người dân. Xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà:
Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì việc bảo vệ hành lang bờ biển đã được quy định rất rõ. Nhưng trên thực tế thì chúng ta lại ưu tiên cho nhà đầu tư và họ cũng lợi dụng chủ trương đó để vi phạm. Thời gian qua, Đà Nẵng đã xử lý việc này rất rốt ráo. Quan điểm của chúng tôi là bờ biển phải sử dụng chung chứ không thuộc về doanh nghiệp hay tổ chức nào cả. Bờ biển thuộc về nhân dân. Đối với địa phương có tình trạng này, tôi nghĩ rằng chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và sự ủng hộ của nhân dân để chấn chỉnh, lập lại trật tự này.
Sáng ngày mai (5/6), Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật nội dung đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.