Bộ trưởng Trần Hồng Hà hoàn thành phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Trong nước - Ngày đăng : 08:37, 05/06/2018

(TN&MT) - Bước vào ngày làm việc sáng 5/6, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 
0506 BT và TTg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết ngay trước khi bước vào phiên chất vấn sáng 5/6. Ảnh: Quốc Khánh


Thống kê về phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà vào ngày hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhận được và trả lời câu hỏi chất vấn của 18 Đại biểu Quốc hội và 8 ý kiến tranh luận của các đại biểu.

Bộ trưởng đã trả lời, làm rõ các vấn đề như: Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông nói riêng; Vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL; Kiểm soát, giảm thiểu tình hình ô nhiễm đất, nguồn nước; Vấn đề rác thải và công nghệ xử lý chất thải rắn; Vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Công tác quản lý đất đai và xử lý vi phạm trong quản lý đất đai…

Ngoài các nội dung về quản lý đất đai, môi trường, các đại biểu cũng đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Trần Hồng Hà liên quan đến tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, khoáng sản… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời rõ ràng, cụ thể từng vấn đề đến các đại biểu nêu.

0506 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/6. Ảnh: Quốc Khánh


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu Phùng Quang Hùng (Vĩnh Phúc) liên quan tới đất xen kẹt trong đô thị. Đối với đất xen kẽ trong đô thị mà có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp thì hiện pháp luật chưa có điều chỉnh để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên tôi biết hiện hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng đang thí điểm xử lý. Nếu đất này đủ lớn để làm các dự án công ích nhà nước, các công trình công cộng phục vụ lợi ích của người dân, địa phương thì chúng ta sử dụng sử dụng làm mục đích công cộng. Nếu đất này không có nhu cầu sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích công cộng thì có thể xem xét tới việc thương mại hóa để phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, các tỉnh có thể tổ chức đấu giá để tạo nguồn vốn từ quỹ đất trên phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đối với những mảnh đất không đủ lớn, nếu liền kề với hộ dân nào nhất thì chúng ta cũng sẽ tạo điều kiện cho hộ dân đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất và dĩ nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính liên quan. "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đại biểu là nếu địa phương không có nhu cầu sử dụng những mảnh đất xen kẹt đó thì chúng ta phải tạo điều kiện cho cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng, dĩ nhiên phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử xây dựng đô thị ở địa phương, ở vùng đó".
 

Đại biểu Trần Văn Tiến: Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và trước khi phê duyệt có danh mục kèm theo sau điều 58 Luật Đất đai, việc trao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10 ha trở lên và trên 20 ha phải trình Thủ tướng có văn bản chấp thuận và dễ tạo ra cơ hội xin cho gây bức xúc cho nhà đầu tư. Mặt khác theo quy định kế hoạch sử dụng đất hằng năm được trình và phê duyệt vào cuối năm trước liền kề năm quy hoạch. Việc quy định như vậy đã làm mất cơ hội cho những dự án phát sinh trong năm quy hoạch thay vì phải chờ đưa vào kế hoạch năm sau. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ có phải giáp gì để thao gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, quy hoạch đất đai cấp tỉnh, cấp huyện, sau đó có xây dựng cụ thể kế hoạch sử dụng đất đai cấp xã. Thực tế là như vậy, nếu chúng ta làm được điều đó thì mọi diện tích dù lớn hơn hay nhỏ hơn 10 ha trong quy hoạch đã đưa ra chỉ tiêu rồi. Tồn tại hiện nay về quy hoạch đất đai là chỉ tiêu chưa xác định được vị trí địa điểm, và như vậy nếu ở địa phương, trách nhiệm địa phương trên cơ sở quy hoạch và chỉ tiêu mà Quốc hội và Thủ tướng đã phân bổ, các địa phương làm tốt làm kịp và làm đủ thì câu chuyện 10 hay bao nhiêu ha rõ ràng là Thủ tướng Chính phủ có thể hoàn toàn ủy quyền cho địa phương. Hiện TP.HCM đã có cơ chế ủy quyền rồi. Bất cập hiện nay là quy hoạch trên thực tế chưa xác định cụ thể, kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tiễn. Nếu để tình trạng này xảy ra sẽ không kiểm soát được việc có chấp hành đúng chỉ tiêu hay không. Nếu chúng ta làm tốt quy hoạch, kế hoạch như đại biểu nói thì chính phủ chỉ cần phê duyệt một lần là đủ, nhưng thực tế còn điều chỉnh rất nhiều lần. Tôi đề nghị được trao đổi thêm với đại biểu xem có ý kiến gì không. Hiện nay chúng ta mới có phân cấp cho TP.HCM là địa phương có năng lực và nhu cầu công việc. Tôi đồng tình nếu TP.HCM làm tốt khâu này thì vấn đề cải cách thủ tục hành chính không chỉ là vấn đề xem xét phê duyệt ở cấp chính phủ, mà cải cách thủ tục hành chính ở địa phương khi một doanh nghiệp tiếp cận đất đai do quy hoạch không phù hợp hoặc trong quy hoạch chưa có đang xung đột giữa Luật xây dựng đô thị với vấn đề phân bổ.
 

IMG 9511
Phiên họp chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà sáng ngày 5/6/2018 - Ảnh: Quốc Khánh


Chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)liên quan tới thông tin về hướng xử lý 12 triệu tấn rác thải mỗi năm ở Việt Nam. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chúng ta luôn nói việc biến rác thành một dạng tài nguyên nhưng thực tế hiện nay việc xử lý cơ bản vẫn là chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn vốn ODA.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xét theo thực tế hiện nay thì chất thải rắn không thể chôn lấp được nữa mà chúng ta cần phải có những giải pháp thay thế. Tuy nhiên khó khăn như tôi đã trình bày trước đó trước các đại biểu là do công nghệ hiện nay còn nhiều vấn đề nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, thời gian tới chúng ta phải xử lý rác thải ngay tại nguồn – tức là từ chính người dân. Nếu chúng ta vận động được người dân phân loại rác ngay từ các hộ gia đình thì công tác thu gom, xử lý sẽ dễ dàng hơn, các công nghệ của những quốc gia tiến tiến khi vận hành ở Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, chúng ta có thể phân loại xử lý rác theo vùng. Chẳng hạn ở nông thôn, chúng ta có thể hướng dẫn người dân tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đối với các loại khác, chúng ta có thể tái chế hoặc xử lý làm phân vô cơ. Đây là một ví dụ cho việc phân loại rác ngay từ nguồn. Ngoài ra, chúng ra cần phải tính toán thế nào để tư nhân có thể tham gia vào quá trình xử lý rác. Đây là một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta chưa thu hút được...
 

0506 Ảnh BTO sáng 05
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội sáng 5/6/2018 - Ảnh: Quốc Khánh


Đại biểu Mai Thị Thúy (Tuyên Quang): Hiện nay cử tri rất quan tâm và lo lắng ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải của các cơ sở y tế. Theo Bộ trưởng đến nay đã có bao nhiêu phần trăm cơ sở y tế xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, còn bao nhiêu phần trăm chưa đạt?. Nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên?. Vấn đề thứ hai là vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn. Tại kỳ họp thứ hai tôi đã chất vấn Bộ trưởng, đến nay đã gần 2 năm tuy nhiên theo ý kiến của cử tri đánh giá thì vẫn chưa thấy có chuyển biến. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp căn cơ, đột phá gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm nông thôn như hiện nay?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  Nông thôn hiện nay là khu vực cần phải quan tâm đặc biệt. Trong vấn đề rác thải nông thôn có cả vấn đề rác thải làng nghề, rác thải cụm công nghiệp cần quan tâm đặc biệt, còn có cả chất thải trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp... Thực tế vừa qua chúng ta chưa làm được nhiều, đương nhiên là chúng ta có chỉ tiêu về các xã, huyện đạt danh hiệu nông thôn mới, có 8/17 chỉ tiêu môi trường. Về vấn đề môi trường nông thôn Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình nông thôn mới. Hiện có bao nhiêu xã, huyện đạt được danh hiệu nông thôn mới thì có bấy nhiêu địa phương đã đạt chỉ tiêu môi trường. Đương nhiên tôi cũng đồng ý với đại biểu rằng, chúng ta làm chưa được nhiều, chưa được bài bản, đặc biệt là khu vực làng nghề, khu cụm công nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, tập trung giải quyết các khu vực đặc thù như khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Trong đó có phân biệt rất rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan có liên quan, rất mong đại biểu sẽ theo dõi để tiếp tục chất vấn. Bộ TN&MT sẽ sớm tổ chức triển khai, đưa vào chức năng nhiệm vụ, đề xuất nguồn lực thực hiện…

Về vấn đề rác thải y tế: Theo Luật quy định, quản lý chất thải y tế sẽ do Bộ Y tế và cơ quan địa phương. Trên thực tế, có những loại phải xử lý tại bệnh viện, theo báo cáo, hầu hết các bệnh viện ở thành phố lớn, các trung tâm đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Còn các chất thải rắn nguy hại thì đã được xử lý tập trung. Bộ Y tế sẽ làm tốt công việc này. Mỗi năm tỷ lệ các bệnh viện bị xử lý về vi phạm môi trưởng liên quan đến xử lý rác thải là rất ít, không nhiều. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề bảo vệ môi trường trong ngành Y tế để có báo cáo đầy đủ hơn.

Đại biểu Phùng  Đức Tiến (Hà Nam):  Dư luận cử tri cho rằng, đất đai ở 3 đặc khu vừa qua được mua bán vô cùng phức tạp và đặc biệt là có yếu tố nước ngoài mua đất. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm thông tin trước lúc ấn nút thông qua dự án Luật Đặc khu kinh tế?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  Thực tế nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua căn hộ chung cư ở các đô thị. Thực tế vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan kiểm tra thì chưa phát hiện trường hợp nào người nước ngoài mua đất mà chỉ có người nước ngoài mua căn hộ chung cư đô thị. Vì thế, nếu đại biểu thấy người nước ngoài ở đâu mua đất thì xin báo cáo Bộ, bởi việc người nước ngoài mua đất là vi phạm pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận)Mới đây Bộ TN&MT có văn bản hỏi ý kiến của tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với gần 1 triệu m3 vật chất của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống vùng biển Hòn Cau. Ý kiến của tỉnh Bình Thuận là chọn phương án  dùng khối lượng nạo vét để san lấp lấn biển, chống xói lở bờ biển chứ không nhận chìm. Hướng xử lý giải quyết vấn đề này của Bộ trưởng?.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi đồng tình với ý kiến đại biểu và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn và phê duyệt các phương án liên quan tới việc thay nhận chìm bằng phương án tận dụng vật chất để lấn biển, chống sạt lở hoặc tạo ra những mục đích phát triển kinh tế. Nếu địa phương làm được việc đó thì Bộ TN&MT hết sức hoan nghênh.
 

0506 Quang cảnh đầu giờ sáng
Phiên họp chất vấn của Quốc hội sáng ngày 5/6/2018 - Ảnh: Quốc Khánh 


Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam):  Bộ trưởng từng trả lời chất vấn rằng không chủ trương nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên thực tế thì số lượng phế liệu nhập khẩu vào nước ta thời gian qua vẫn khá lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, có thời điểm, trong 3 tháng chúng ta nhập hơn 3 triệau tấn sắt phế liệu. Chính điều này khiến Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác công nghiệp và bị nhiễm xạ. Hiện nhiều địa phương cũng xây dựng nhà máy luyện thép phế liệu gây ô nhiễm môi trường (như ở Quảng Nam, Đà Nẵng). Quan điểm xử lý của Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nói không với nhập khẩu phế liệu. Bởi lẽ phế liệu có nhiều loại khác như như: nilông, sắt, thép, nhựa… Tôi đồng tình với quan điểm của đại biểu là chúng ta cần tính toán cẩn thận. Riêng sắt, thép phế liệu hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát về vấn đề môi trường. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn sử dụng những lò luyện thép từ sắt, thép phế liệu. Tuy nhiên, tôi hiểu những lo lắng nếu nhà máy quy hoạch không đúng vị trí, tập trung vào khu dân cư thì nó sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, việc chúng ta cần xem xét là bố trí thật phù hợp để đặt vị trí nhà máy ở đó. Ngoài ra, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ khí thải. Còn chủ trương chung là chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu…

Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang): Chủ trương hiện nay của các tỉnh là muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ TN&MT, các làng nghề truyền thống có chiều hướng ô nhiễm ngày càng tăng do chưa có hệ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường và các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác. Xin hỏi Bộ trưởng có những giải pháp gì để thực hiện tốt cả chủ trương trên để giúp làng nghề từng bước phát huy lợi thế của mình?

Công tác quản lý đất đai của nhiều địa phương chưa chặt chẽ, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân, tình trạng chuyển dịch giao đất, đầu cơ tăng giá tràn lan, gây bức xúc ở các địa phương. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  Trong Nghị định mới đây được Chính phủ quy định, trách nhiệm quy hoạch, xác định để bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống được giao cho UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Những làng nghề sản xuất hạt nhựa, giấy, luyện kim, sản xuất chì không phải là những làng nghề truyền thống mà các làng nghề đó phải kiểm soát, quản lý như bất cứ một doanh nghiệp nào và phải đưa vào cụm công nghiệp. Hiện nay, chúng ta đang có bất cập về công tác quản lý, trong đó một phần trách nhiệm chúng ta đã đưa ra những quy định chưa thực sự có tính khả thi cao trong thời gian vừa qua nên xảy ra tình trạng này. Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra rõ ràng có vấn đề.

Trong thời gian tới cần có các giải pháp quản lý chặt các làng nghề truyền thống, trong đó 2 vấn đề cần quan tâm là nước thải và khí thải. Về nước thải, cần thu gom, xử lý tập trung, cung cấp và hướng dẫn công nghệ cho các làng nghề. Về khí thải, chúng ta cần tư vấn cho các làng nghề sử dụng nguyên liệu để xử lý nguồn phát thải. Riêng đối với chất thải rắn làng nghề truyền thống có thể thu gom, xử lý tập trung tại nơi xử lý.

Về bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và trách nhiệm xử lý thuộc về ai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trách nhiệm thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường khi chưa làm tốt công tác dự báo. Quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ở đây có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai, nhưng cũng mong muốn các địa phương cung cấp lý do vì sao khó khăn để Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên thời gian qua, việc triển khai chậm. Bộ trưởng và Chính phủ sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:  Sau khi Chính phủ phê duyệt Nghị quyết 120, Bộ TN&MT hết sức tập trung để triển khai. Chúng ta đang xem xét các dự án mang tính chất tạo sinh kế trên 3 vùng kinh tế sinh thái, rà soát lại các quy hoạch và đặc biệt xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có quy hoạch này thì chúng ta mới có định hướng trong tương lai để ưu tiên đầu tư. Hiện nay kế hoạch hành động cụ thể hóa đã được Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành, các địa phương xem xét dựa trên các vấn đề, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chúng ta đề xuất các cơ chế, tạo quỹ, vận động các nước, các tổ chức quốc tế để tham gia hỗ trợ cho ĐBSCL…

0506 Ảnh đẹp của BTO
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của Quốc hội sáng ngày 5/6/2018 - Ảnh: Quốc Khánh 


Đại biểu Dương Kim Ánh (TP Hà Nội): Sau khi thu hồi đất của người dân thực hiện các dự án nhưng nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân bởi người dân bị lấy đất, đất để hoang hóa, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm, gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã chỉ đạo vấn đề này như thế nào và Bộ đã có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước Luật đất đai 2013, vấn đề các dự án treo hoàn toàn có thật và hiện nay nhiều đô thị lớn vẫn đang còn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa quy định về năng lực của nhà đầu tư, các chế tài cũng như các quỹ để khẳng định năng lực và nếu trong trường hợp không thực hiện sẽ có những chế tài xử lý như thế nào. Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về điều kiện năng lực và cơ chế tài chính để ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay chúng ta chưa xử lý được còn liên quan đến việc chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Cụ thể, theo Luật Đất đai, nếu các dự án đã quy định không thực hiện đúng tiến độ thì theo quy định, quá 24 tháng sẽ thu hồi nhưng nếu trong 24 tháng vì những lý do và quá trình hiện nay đang triển khai thực hiện một số công việc thì cho kéo dài thêm 24 tháng. Trong khi đó, Luật Đầu tư chỉ cho kéo dài 12 tháng. Bộ TN&MT đồng tình với việc nên điều chỉnh 2 luật này, nếu quá thời hạn 12 tháng không có lý do chính đáng thì dự án sẽ bị thu hồi.

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định thu hồi và không hoàn lại gì và không phải đền bù. Đây là vấn đề bất cập vì có nhiều dự án, chủ dự án đã thế chấp mảnh đất này vào ngân hàng nên khi chúng ta thu hồi sẽ có vướng mắc giữa Luật Đầu tư tín dụng và Luật Đất đai. Vấn đề pháp lý này cần được giải quyết để tạo điều kiện cho các ngân hàng coi đây là tài sản của họ và xem xét việc nếu họ tiếp tục khai thác sử dụng đúng mục tiêu thì họ sẽ tiếp tục khai thác, còn nếu không họ có thể bán đấu giá để thu lại nguồn lực cho Nhà nước. Bộ TN&MT ghi nhận những vướng mắc giữa 2 Luật này và sẽ có chỉnh sửa.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: Quốc Khánh

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu):  Vấn đề giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét lòng sông, cảng biển đang gặp khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước ở địa phương. Theo quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và cho biết giải pháp để xử lý và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi đã làm việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu và thấy rằng không chỉ riêng ở đây mà không mà cảng biển của chúng ta hiện nay đang đứng trước thực trạng này. Trước khi có Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thì vấn đề nạo vét và nhận chìm xuống biển là công việc hết sức bình thường, nó chỉ cần đánh giá tác động môi trường, địa phương giới thiệu chỗ và tiến hành công việc nhận chìm. Tôi cũng quan niệm rằng việc nhận chìm những chất mà nạo vét trên các luồng, lạch, cửa sông, cửa biển là bình thường, và trên thế giới việc nhận chìm là bình thường. Nếu chúng ta chọn đúng địa điểm để nhận chìm, làm tốt khâu nạo vét để không ảnh hưởng đến quy mô rộng, và thực tế thông qua đánh giá tác động môi trường chúng ta có thể làm việc đó.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lúng túng là do: Thứ nhất, chúng ta làm chưa tốt khâu quy hoạch không gian biển. Trong Luật Quy hoạch vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Quốc hội, Chính phủ quy hoạch sử dụng biển. Hiện, Quốc hội chưa phê duyệt. Khi đã có quy hoạch thì chúng ta sẽ phân vùng và biết ở đâu có thể nhận chìm. Và trên cơ sở đó, địa phương và Bộ TN&MT sẽ có đánh giá tác động môi trường và chúng ta sẽ tránh những địa điểm có khu vực bảo tồn.

Hiện nay việc nhận chìm vấp phải xung đột lớn nhất với công tác nuôi trồng thủy sản, các vùng bảo tồn và phát triển biển. Trước tình hình này, Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ và đề nghị Chính phủ cho phép rằng trong khi chưa có quy hoạch sử dụng biển, thì chúng ta thực hiện theo các quy định trước đây. Có nghĩa là địa phương sẽ giới thiệu khu vực nhận chìm. Việc giới thiệu đó cần đánh giá cụ thể về khu vực, vị trí, quy mô, mối quan hệ giữa việc nhận chìm và công tác bảo tồn, nuôi trồng thủy sản...và sẽ đánh giá toàn bộ từ khâu nạo vét đến khâu nhận chìm. Hiện, công tác đánh giá địa điểm và quy hoạch địa điểm chưa được tốt nên dẫn đến việc bồi lắng. Ngành Giao thông vận tải cũng cần xem lại vấn đề quy hoạch hệ thống các cảng hiện nay. Việc đánh giá địa điểm cần phải làm hàng năm, phải xem xét địa điểm có thể nhận chìm được bao nhiêu đời dự án, việc này cần làm một lần thật kỹ lưỡng, đầy đủ cơ sở khoa học, cung cấp thông tin cho công luận và tạo sự đồng thuận. Còn nếu làm như trước đây thì chỉ mang tính hình thức, không được kiểm chứng khoa học và không thu hút được các cơ quan có năng lực vào cuộc.
 

IMG 9497
Phiên họp của Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà -  Ảnh: Quốc Khánh


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Trong điều kiện ngân sách quốc gia không đáp ứng được yêu cầu với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Bộ TN&MT có giải pháp gì để đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế trong việc đầu tư các công trình chống xâm nhập mặn, chống xói lở… để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân?.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc tham gia của các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước vào công tác này rất tốt. Nó có thể giúp chúng ta thoát khỏi trần nợ công. Chúng ta cần xác định đâu là dự án mà người dân cần?. Có lẽ chúng ta cần cơ chế nào đó để thu hút khối tư nhân này. Thủ tướng từng nói với chúng tôi, nhiều vùng sạt lở quá mà tư nhân họ sử dụng vùng nạo vét, lấn biển rồi tài nguyên họ lấn đó giao cho họ sử dụng, khai thác. Đó cũng có thể là một cách thu hút khối tư nhân. Vấn đề ở đây là nhà nước và nhân dân cùng làm nên chúng ta phải tạo cơ chế nào đó phù hợp. Bộ TN&MT là cơ quan tham mưu nên thời gian tới sẽ tham mưu để làm sao đơn vị tư nhân có thể tham gia vào lĩnh vực này (có thể là cả những tổ chức quốc tế).

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Hai dự án Alumin chưa có hiệu quả kinh tế, một số lần xảy ra sự cố kĩ thuật, hệ thống xử lý môi trường sau 9 năm đã xuống cấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và là thảm họa nếu để xảy ra vỡ hồ thải, vỡ hồ bùn đỏ. Xin Bộ trưởng cho biết hiện trạng, giải pháp, cách phòng ngừa?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự án này tôi đã đến kiểm tra. Những sự cố đã xảy ra ở khâu cục bộ, không phải sự cố có thể gây ra những khủng hoảng lớn về môi trường. Chúng tôi đã có chấn chỉnh kịp thời và hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành giám sát thường xuyên. Riêng hồ bùn đỏ thì chúng ta đã tiến hành xây dựng 3 lớp chắc chắn mà độ bền đã được Bộ Xây dựng thẩm định. Thời gian qua, giá Alumin lên cao nên tôi khẳng định dự án rất hiệu quả. Còn vấn đề môi trường, chúng ta phải thường xuyên giám sát kĩ lưỡng chứ không thể chủ quan. Các giải pháp môi trường hiện nay, tôi cho rằng có thể đảm bảo được.
 

IMG 9499
Các vị Đại biểu Quốc hội trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: Quốc Khánh


Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ):Hiện nay có nhiều dự án đầu tư và cơ sở sử dụng công nghệ gây ô nhiễm ở địa phương. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp của thực trạng này? Để yêu cầu một số doanh nghiệp dừng sản xuất do hoạt động trái pháp luật, phải có một số biện pháp mạnh trong đó có biện pháp dừng cấp điện. Theo Bộ trưởng có nên áp dụng biện pháp này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thực trạng cho đến nay có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động từ trước đã yếu về công nghệ sản xuất. Bộ TN&MT đã phân công công việc quy mô nguồn thải do cấp nào quản lý. Ở đây, có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là chưa làm tốt phân loại, lựa chọn công nghệ và năng lực nhà đầu tư và nguyên nhân; thứ hai là công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa làm tốt.

Về chế tài xử phạt như đại biểu nêu là sáng kiến còn nếu cơ quan nhà nước quyết định đình chỉ công đoạn sản xuất này với doanh nghiệp thì đương nhiên doanh nghiệp phải chấp hành. Nếu dùng những biện pháp như cắt nước, cắt điện chỉ là các biện pháp bổ sung, nếu doanh nghiệp vi phạm chúng ta không nên áp dụng mà chúng ta nên làm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp không chấp hành thì chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp khác như mời các doanh nghiệp đến làm việc, tịch thu các phương tiện (nếu cần thiết tháo các bộ phận máy móc và thu giữ) nếu không chấp hành; hoặc các biện pháp như nếu gây ô nhiễm sẽ có các chế tài trong xử phạt hành chính. Do đó, không nên áp dụng các biện pháp như đại biểu nêu ở trên.

Đại biểu Nguyễn Văn Tạo (Lâm Đồng):Việc xử lý chất thải rắn của các khu đô thị, khu dân cư đã được Bộ trưởng trả lời rất nhiều, nhưng tôi cho rằng tính khả thi và hiệu quả của nó chưa thật cao. Cử tri rất băn khoăn vì tình trạng ô nhiễm hiện nay vẫn xảy ra và chúng ta vẫn xử lý theo hình thức chôn lấp là chính. Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay ở các đô thị chúng ta vẫn chưa làm được một việc đơn là phân loại rác. Hiện, ngoài chất thải y tế, chúng ta còn đang tồn tại chất thải là bao bì thực vật ở khu vực nông thôn. Theo Bộ trưởng, khi nào chúng ta giải quyết được vấn đề môi trường này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay, việc quy hoạch và định hướng công nghệ xử lý rác là trách nhiệm của Bộ TN&MT; Bộ KH&CN; Bộ Xây dựng. Nhưng công tác triển khai là các địa phương. Tôi xin nhấn mạnh về việc phân loại rác tại nguồn là vấn đề cần thiết ở cả đô thị và nông thôn. Nếu chúng ta tạo ra phong trào hơn 90 triệu dân cùng tham gia phân loại rác thì hiệu quả rất cao, vì trên thực tế hiện nay, ở nông thôn, hơn 60% là chất thải hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có thể tái sử dụng, còn trong chất thải thì chất thải để tái chế, tái sử dụng chiếm đến 30%. Như vậy, việc xử lý bằng các công nghệ như biến rác thành điện, đốt rác là công nghệ thích hợp. Để đạt được hiệu quả trong công tác phân loại rác chúng ta phải tiến hành đồng loạt các khâu như người dân sẵn sàng tham gia, còn nhà nước tạo các điều kiện cần thiết tại các khâu phân loại, vận chuyển và công nghệ xử lý.

Còn về cơ chế chính sách hiện nay, chúng tôi sẽ đề xuất rất nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Ví dụ như ở nhiều nước, khi người dân mua các túi phân loại rác tại nhà, thì giá mà họ mua đã kèm theo giá để xử lý túi đấy, người dân muốn tiết kiệm chi phí thì phải tái sử dụng sản phẩm nên việc phát sinh chất thải mới sẽ rất ít. Riêng đối với các chất thải đã phân loại thì nhà nước lại có nhiều cơ chế khác để khuyến khích người dân. Còn công tác thu hút đầu tư xã hội hóa thì tôi cho rằng khâu thu gom, vận chuyển hoàn toàn có thể áp dụng được. Hiện, đầu tư xử lý rác đã trở thành nghề để kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, rác đã thật sự trở thành tài nguyên. Trong năm nay, Bộ TN&MT sẽ đưa ra hướng dẫn về công nghệ xử lý rác trên cơ sở thống nhất với Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng.

Để làm rõ phần chất vấn của các Đại biểu và trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát biểu trong khoảng 10 phút trước Quốc hội. Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 59 Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 18 Đại biểu Quốc hội tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV đã kết thúc vào 10h30 sáng ngày 5/6.