Lễ hội Gò Đống Đa 2018: Tái hiện chiến thắng lịch sử của vua Quang Trung
Trong nước - Ngày đăng : 14:35, 20/02/2018
(TN&MT) - Sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất (tức ngày 20/2), lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa được tổ chức long trọng, đây lễ hội truyền thống...
(TN&MT) - Sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất (tức ngày 20/2), lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa được tổ chức long trọng, đây lễ hội truyền thống thiêng liêng nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong ngày hội, câu chuyện lịch sử Hoàng đế Quang Trung đả phá quân Thanh xâm lược được tái hiện lại. Chương trình nghệ thuật do Nhà hát Tuồng Trung ương biểu diễn đã tái hiện lại hào khí trận chiến đấu với 20 vạn quân Mãn Thanh của người anh hùng áo vải - mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Tham dự lễ khai hội có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ban kiểm tra Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương , TP. Hà Nội, tỉnh Bình Định cùng đông đảo nhân dân Thủ đô đã cùng dâng hương, hoa thành kính tưởng nhớ công đức của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong diễn văn kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong ôn lại, cách đây 229 năm, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, đánh tan hơn 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh mà tiêu biểu là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta Trận Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến thắng quân sự tiêu biểu thể hiện tài năng của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn. Dù binh lực chỉ bằng một nửa đối phương, nhưng chỉ trong 5 ngày, ông đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm lại được kinh đô Thăng Long. Ban tổ chức Lễ hội đã phối hợp với nhà hát tuồng Việt Nam tổ chức buổi biểu diễn tái hiện lại chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa Quang Trung - mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Trong hoạt cảnh này, hình ảnh tướng giặc Tôn Sĩ Nghị ngạo mạn khi chiếm đóng thành Thăng Long. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, giặc Thanh không chống đỡ nổi... Quân Thanh không thể chống đỡ nổi sức tấn công của quân Tây Sơn và buộc phải rút chạy về nước. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết: "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được." Chiều mồng 5 tết (tức 30 tháng 1 năm 1789), Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân, đô đốc Long ra đón rước vào thành. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng. Trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, Vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng Ngọc Hân công chúa. Đó chỉ là giai thoại. Nhưng giai thoại này giờ vẫn được nhiều người nhắc đến vì đó là một giai thoại đẹp! Trong buổi sáng ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất, các nghệ sĩ nhà hát Tuồng Việt Nam cũng tái hiện hình ảnh này với cành đào đỏ thắm vua Quang Trung sai người đưa về cho Ngọc Hân công chúa. Tất cả đã gợi lại rất nhiều cảm xúc cho người xem về một thời hào hùng, oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh mà tiêu biểu là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Do đó, hàng năm, các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Quốc kỳ và cờ của ngày hội thi nhau bay phấp phới như chào đón du khách muôn phương. Vào buổi sáng ngày hội, các vị chức sắc và bô lão trong làng đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Các đoàn tế lễ, kiệu rước có mặt từ trước 7h sáng với những nghi thức trang trọng nhất. Hàng năm, cũng vào ngày 5 tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống... rất đặc sắc. Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan. Ngày nay, đi dự hội Đống Đa đối với người Hà Nội và du khách thập phương đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.